'Ở đồn với bố vui hơn ở nhà!'
Đó là chia sẻ hồn nhiên của hai cậu bé Vi Dương Cầm ( SN 2011), dân tộc Thái và Vừ Bá Lầu (SN 2013), dân tộc Mông- con nuôi của Đồn Biên phòng đóng ở xã biên giới Na Ngoi, huyện rẻo cao Kỳ Sơn- nơi có những bản làng nằm rải rác dưới chân dãy núi Puxailaileng quanh năm mây phủ.
.jpg)
Nâng đỡ yêu thương
Đến thăm Đồn Biên phòng Na Ngoi, chúng tôi bị thu hút trước hình ảnh hai cậu bé, một cao ráo, một gầy nhỏ đang chụm đầu cười nói vui vẻ, cùng chăm sóc một chú chim trong chiếc lồng tre xinh xinh. Hỏi chuyện, cả hai đồng thanh đáp: Chúng cháu là con nuôi của các bố biên phòng ạ!
.jpg)
Qua câu chuyện cùng các cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi, chúng tôi được biết tuy thuộc thành phần dân tộc với phong tục, tập quán khác nhau, trước đó cũng chưa từng gặp gỡ nhưng từ ngày trở thành con nuôi của Đồn, ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng, Vi Dương Cầm và Vừ Bá Lầu trở nên thân thiết như anh em một nhà, đi đâu cũng có nhau.
Cả hai đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên được Đồn Biên phòng Na Ngoi nhận nuôi, ăn ở, sinh hoạt cùng với các chú bộ đội ngay trong đơn vị.
.png)
Vi Dương Cầm là con út của một gia đình người dân tộc Thái ở bản Tặng Phăn có tới 6 người con, bố mẹ không có việc làm ổn định, hay ốm đau nên cuộc sống hết sức khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh của cậu trò nhỏ, em được Đồn Biên phòng nhận làm con nuôi từ năm 2020 và hiện đang được tạo điều kiện theo học lớp 8C Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi.
.jpg)
Còn cậu bé người dân tộc Mông Vừ Bá Lầu ở bản Phù Khả 1 có bố mất khi em còn nhỏ, một mình mẹ Lầu bám nương rẫy nuôi 4 người con nên con đường đến trường của Lầu có nguy cơ dang dở.
Bởi vậy, khi cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi cùng thầy, cô giáo và cán bộ ở xã, bản đến tận nhà để tìm hiểu và thông báo chủ trương nhận con nuôi, gia đình và bản thân Lầu rất vui mừng và xúc động. Từ đầu năm 2024, Lầu chính thức được Đồn Biên phòng Na Ngoi đưa về chăm sóc, dạy dỗ. Hiện em đang học 6C, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi.
.jpg)
Hằng ngày, ngoài được quan tâm, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, Lầu và Cầm còn được tham gia các hoạt động cùng các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng như trồng rau xanh, chăm sóc cây cảnh tại khuôn viên của đồn, chơi thể thao rèn luyện sức khoẻ, tăng cường thể lực... Vào dịp đầu năm học mới hay các ngày lễ, tết, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Trung thu… các bố, các chú biên phòng ở Đồn đều mua quà, sắm giày dép, quần áo mới, đồ dùng học tập cho các con, các cháu.
Thiếu tá Già Bá Ná (SN 1979), Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Na Ngoi, cho biết: Lúc mới lên các con còn rụt rè, ít giao tiếp, chưa biết vệ sinh cá nhân, chưa quen với nếp sống kỷ luật và nhịp sinh hoạt trong môi trường quân đội.
Ấy nhưng, nhờ sự quan tâm, gần gũi, nhẹ nhàng của các thế hệ cán bộ chiến sĩ trong Đồn, các con đã dần quen và coi Đồn biên phòng là ngôi nhà thứ hai của mình.

Khó nhất là việc tạo sự hoà hợp, gắn bó giữa một cậu bé người dân tộc Mông và một cậu người dân tộc Thái không cùng độ tuổi.
Mới đầu các con còn e dè, ít trao đổi, chưa cởi mở với nhau nhưng được các bố biên phòng kết nối, trao đổi và hướng dẫn tham gia các sinh hoạt chung, Cầm và Lầu đã coi nhau như anh em, bảo ban nhau cùng tiến bộ.
Các con trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin hơn và đều gọi các cán bộ biên phòng trong đội vận động quần chúng đã gắn bó, chăm sóc mình từ những ngày đầu như Thiếu tá Phạm Xuân Minh quê ở huyện Yên Thành; Thiếu tá Già Bá Ná quê ở xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) là “Bố” một cách thân thương, trìu mến.
.jpg)
Chia sẻ cùng chúng tôi (PV), Vi Dương Cầm khoe: “Ở đồn với các bố vui hơn ở nhà. Giờ cháu đã biết xếp quần áo, gấp chăn màn sao cho gọn gàng, biết trồng rau, tưới rau, gói bánh chưng, biết đánh bóng chuyền và biết chơi pickleball nữa…”.
Ươm mầm hy vọng
Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi đặc biệt quan tâm đến sự học của các con nuôi biên phòng; đồng thời hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để các con có cơ hội được tiếp tục đến trường.
Góc học tập của các con được các bố sắp xếp, bố trí gọn gàng. Buổi ngày các con đến trường, còn tối đến bên ngọn đèn nhỏ những người bố quân hàm xanh lại ân cần giảng từng bài toán, uốn nắn từng nét chữ cho các con nuôi.
.jpg)
“ Việc kèm cặp cho các con học tập đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì các con hổng nhiều kiến thức cơ bản nên phải bổ sung dần dần. Bên cạnh đó, Đồn cũng thường xuyên kết nối với giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường để nắm bắt về tình hình học tập và rèn luyện của các con.
Hiện tại, Đồn đang có hai học viên trẻ của Trường Cao đẳng Biên phòng về thực tập cùng tham gia kèm, hướng dẫn cho Cầm và Lầu trong học tập, sinh hoạt. Bên cạnh đó, Đồn cũng thường xuyên kết nối với người nhà của con nuôi để thông báo tình hình, cùng động viên các con yên tâm học tập, rèn luyện. Thỉnh thoảng các bố biên phòng sẽ chở các con về thăm gia đình, người thân sau đó lại đón về Đồn. Từ ngày có các con, Đội vận động quần chúng có bận rộn thêm một chút nhưng rất ấm áp” - Thiếu tá Già Bá Ná cho hay.
Nhờ sự bảo ban, dạy dỗ của các bố nuôi biên phòng, việc học hành của Vi Dương Cầm và Vừ Bá Lầu có sự tiến bộ rõ rệt. Cả hai cùng chia sẻ ước mơ “trở thành người lính quân hàm xanh, góp sức bảo vệ bản làng như các chú, các bố”.
Thiếu tá Nguyễn Đình Trung - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết: Các cháu sẽ được nuôi dưỡng tại đơn vị cho đến khi học xong chương trình lớp 9. Sau đó, nếu các cháu tiếp tục học lên cấp 3, đơn vị sẽ nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em đến trường”; các cháu có nguyện vọng học nghề hay theo học đại học, cao đẳng cũng sẽ được hỗ trợ như thế. Nguồn kinh phí nuôi dưỡng các cháu được trích quỹ và đóng góp tiền lương của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
.jpg)
Trước Cầm và Lầu, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã nhận nuôi cháu Mùa Bá Sâu (SN 2008), dân tộc Mông trú tại bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi. Sâu có hoàn cảnh khá đặc biệt, bố mất sớm, mẹ em đi thêm bước nữa với người đàn ông ở nước bạn Lào.
Sâu về sống cùng ông bà nội, tuy nhiên, ông bà đã già yếu, nên cuộc sống thiếu thốn vất vả. Sau khi được Đồn Biên phòng Na Ngoi nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị, Sâu đã học hết cấp 2 và hiện đang vừa học văn hoá, vừa học nghề ở Quảng Bình. Hàng tháng, Đồn biên phòng vẫn hỗ trợ cho em theo chương trình "Nâng bước đến trường".
Hiện tại, ngoài 2 con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị là Vi Dương Cầm và Vừ Bá Lầu, Đồn Biên phòng Na Ngoi đang nhận đỡ đầu cho 4 học sinh hoàn cảnh khó khăn theo chương trình "Nâng bước đến trường" với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng. Trong đó, 1 em người Lào là Mai Ly Za, học sinh lớp 8, trú tại bản Nậm Ngạch, huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng.
.jpg)
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí Thư Đảng uỷ xã Na Ngoi: Mô hình “Con nuôi biên phòng” và “Nâng bước em đến trường” mà Đồn Biên phòng Na Ngoi đã và đang triển khai là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; góp phần đồng hành, chia sẻ khó khăn với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các nhà trường và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới. Dưới sự bảo ban, hỗ trợ của những người bố quân hàm xanh, mai này, các cháu sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.
.jpg)
Nhìn các cậu trò nhỏ là con nuôi biên phòng vui vẻ chăm sóc vườn rau xanh, chơi thể thao hay nô đùa cùng các bố nuôi, anh nuôi giữa sân đồn biên phòng khang trang với các thiết chế đồng bộ, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị, đầy tình người nơi biên giới.
Tin rằng, có trái tim ấm áp và bờ vai vững chãi của những người bố Biên phòng làm điểm tựa, những cậu bé sinh ra nơi bản làng mờ sương có hoàn cảnh kém may mắn như Vi Dương Cầm, Vừ Bá Lầu… sẽ có cơ hội xây đắp ước mơ; và khi lớn lên các em sẽ trở thành “hạt nhân” nòng cốt trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nơi biên cương Tổ quốc.
.jpeg)