Phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
Tối 5/10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề: "Mái ấm cho đồng bào tôi".
Tham dự chương trình, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hoà Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm…
Về phía tỉnh Nghệ An, tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi" được tổ chức với mong muốn huy động thêm nguồn lực ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, các mạnh thường quân, các tầng lớp nhân dân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ để hỗ trợ khoảng 150 nghìn hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở có thể xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Mục tiêu là để tất cả người dân có thể sống trong những ngôi nhà "3 cứng": mái cứng, nền cứng và tường cứng. Đây là một khát vọng đẹp và đầy thách thức, chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Trong đó, nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong những năm qua, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, qua rà soát cả nước còn khoảng trên 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo "3 cứng" hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Thực hiện phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động, hiện nay chúng ta đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, với mục tiêu hoàn thành cả 3 nhiệm vụ lớn: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (còn khoảng 200 nghìn căn nhà) bằng nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia (còn khoảng 88 nghìn căn nhà); xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên (gồm 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là khoảng 6.500 tỷ đồng).
Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất 3 phương pháp, cách làm mới. Trước hết, cả nước phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương; Thứ hai, cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách địa phương và Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát; Thứ ba, huy động sự chung tay góp sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng cho chương trình này.
Phát động tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách về nhà ở, nhưng qua rà soát lại ở các địa phương vẫn còn mấy trăm nghìn hộ đang ở trong những nhà tạm, nhà dột nát, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới và hải đảo.
Nhân dân ta có câu "an cư lạc nghiệp", Đảng, Nhà nước có chủ trương: không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Thực hiện đường lối của Đảng, ngày 13/4/2024, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ cùng với Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025; đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của Nhân dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã đóng góp cho phong trào thi đua có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát; khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn nữa.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi cả hệ thống chính trị, đồng bào, đồng chí, cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần "tương thân, tương ái", "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít", thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.
Đồng thời, Thủ tướng lưu ý trong quá trình thực hiện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện phong trào này.
Tại chương trình, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện các tỉnh, thành, các cơ quan, doanh nghiệp đã trao kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân.
Tính đến sau khi kết thúc phát động Chương trình hỗ trợ "Mái ấm cho đồng bào tôi", Ban tổ chức cho biết đã nhận được 5.932 tỷ đồng ủng hộ từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ; trong đó 3.287 tỷ đồng được huy động trong chương trình và 61 địa phương đã huy động được 2.645 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, tỉnh Nghệ An có hơn 16.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang ở trong những căn nhà dột nát, tạm bợ, cần sự chung tay, giúp đỡ của toàn xã hội. Mặc dù cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp đã rất nỗ lực nhưng bình quân mỗi năm, toàn tỉnh cũng chỉ vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được khoảng 1.500 căn nhà.
Trước thực trạng đó, đầu năm 2023, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức, phát động và triển khai Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 .
Tại buổi lễ phát động, đã có 115 cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ với 10.131 căn nhà trong thời gian 3 năm (từ 2023 đến năm 2025) với tổng mức hỗ trợ đăng ký trên 517 tỷ đồng, mức bình quân hỗ trợ cho 1 ngôi nhà là 50 triệu đồng.
Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là phát huy tinh thần chủ động, huy động tối đa nội lực, tranh thủ triệt để ngoại lực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị, thành lập Ban Chỉ đạo; thành lập Tổ giúp việc, ban hành kế hoạch, hướng dẫn để các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện .
Tính đến nay, toàn tỉnh đã vận động được 149 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ với tổng số 12.100 căn nhà, tương ứng 614,78 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/8/2024, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để thực hiện chương trình bằng nhiều hình thức với tổng số tiền quy đổi trên 727,64 tỷ đồng. Các nhà tài trợ hỗ trợ trực tiếp cho người dân 99,5 tỷ đồng. Các nguồn lực khác của chính người dân bỏ ra, sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm… ước tính hơn 245,27 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/8/2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 9.772 căn nhà, gồm 3.580 nhà lắp ghép, 4.754 nhà xây mới, 1.438 nhà sửa chữa, đạt 62% kế hoạch giai đoạn 2023-2025.