Thương hiệu cam Vinh trên quê lúa Yên Thành

Bài: Xuân Hoàng; Kỹ thuật: Lâm Tùng 21/11/2019 16:22

(Baonghean) - 5 xã của huyện lúa Yên Thành vừa được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh, tạo cơ hội để huyện khai thác tiềm năng đất đai và tăng thu nhập cho hộ dân.

Niềm vui người trồng cam

Gia đình anh Trần Viết Lục ở xóm 10, xã Minh Thành (Yên Thành) hiện đang chăm sóc, khai thác gần 1 ha cam Xã Đoài lòng vàng 5 năm tuổi. Anh Lục chia sẻ: Để trồng được cam hàng hóa có thu nhập, đòi hỏi phải đầu tư khá lớn và sau 4 năm mới cho thu hoạch. Mới đây, thông tin cam Minh Thành được Nhà nước cấp bổ sung chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh, đó là niềm vui lớn đối với gia đình anh Lục và người trồng cam trên địa bàn xã. Đây là cơ hội để cam Minh Thành khẳng định thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư trồng cam hàng hóa.

Yên Thành đang mở rộng diện tích cam hàng hóa. Ảnh Xuân Hoàng
Cây cam đang được mở rộng diện tích ở Yên Thành. Ảnh Xuân Hoàng

Ông Trần Khánh Tùng – Chủ tịch UBND xã Minh Thành cho rằng: Từ năm 2017, tỉnh có chủ trương dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh thì những sản phẩm cam có chất lượng tốt như cam Minh Thành lại không được dán tem, vì không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Đó là thiệt thòi đối với người trồng cam ở đây. Năm nay, xã Minh Thành nằm trong 5 xã trên địa bàn huyện Yên Thành được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bổ sung chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh là tín hiệu vui đối với địa phương.

Như vậy, những hộ có điều kiện trồng cam theo quy trình an toàn, VietGAP đã được đăng ký dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh nhằm nâng cao giá trị. Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ tơi xốp là điều kiện thuận lợi để cây cam phát triển, hiện nay ở xã Minh Thành đã có trên 200 hộ đầu tư trồng cam, với diện tích hơn 30 ha. Cam là cây trồng truyền thống của người dân địa phương, các hộ dân không những có kinh nghiệm trồng và kỹ thuật chăm sóc để cây cam đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được thị trường tiêu thụ ổn định.

Cam Yên Thành được trồng trên địa bàn xã Đồng Thành có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Ảnh: Xuân Hoàng
Cam Yên Thành được trồng trên địa bàn xã Đồng Thành có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Ảnh: Xuân Hoàng - Lâm Tùng

Còn xã Đồng Thành là địa phương nổi tiếng cam Xã Đoài lòng vàng từ hơn 10 năm nay, khi trên địa bàn xã có một số trang trại cam lớn.

Thực chất cam Đồng Thành đã được khách hàng lựa chọn từ nhiều năm trước, bởi chất lượng đảm bảo, quả đẹp, giá bán luôn ở mức cao. Khi được Nhà nước cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh tạo thuận lợi lâu dài, bởi sản phẩm cam ở đây sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh, người tiêu dùng yên tâm khi chọn mua sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Bình - chủ trang trại cam được trồng theo quy trình an toàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng cam tại xã Đồng Thành. Ảnh: Tư liệu - Thái Hồng

Mở rộng diện tích

Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cây trồng là bộ tiêu chí nêu cụ thể và khác biệt so với các vùng trồng khác. Trong đó, những tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, vùng trồng (thổ nhưỡng, địa hình khí hậu, thủy văn) và điều kiện kỹ thuật sản xuất (giống, cách nhân giống, cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản) được đảm bảo. Những điều kiện trên là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học và có so sánh với một số vùng trồng khác. Do vậy, khi được mở rộng chỉ dẫn địa lý cam Vinh trên đất Yên Thành chính là minh chứng đối với chất lượng cam ở đây.

Chú thích
5 xã được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Đồ họa: Lâm Tùng

Sau khi Yên Thành có 5 xã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh vào giữa tháng 10/2019, gồm: Minh Thành, Trung Thành, Nam Thành, Đồng Thành và Xuân Thành, tới đây huyện có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người nông dân làm đúng tiêu chí được quy định khi muốn sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý.

Yên Thành là một trong những địa phương trồng cam khá nhiều, với gần 300 ha hiện có, chủ yếu là cam Xã Đoài lòng vàng và đã khẳng định được “thương hiệu” từ nhiều năm trước. Hàng năm, diện tích cam Yên Thành tăng, nhất là tại các vùng ven đồi, chân lèn. Trồng cam bình quân cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân xã Đồng Thành (Yên Thành) ứng dụng nông nghiệp công nghệ trong trồng cam hàng hóa. Ảnh: Tư liệu - Thái Dương

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, vùng trồng cam của Yên Thành có thể phát triển khoảng 1.000 ha đất ven đồi. Do vậy, khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh, huyện sẽ từng bước mở rộng diện tích cam hàng hóa, đặc biệt là cơ hội để người dân đầu tư trồng cam theo quy trình an toàn, khẳng định giá trị thực của cam Yên Thành.


Mới nhất

x
Thương hiệu cam Vinh trên quê lúa Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO