Sôi động ý kiến chuyên gia, nhà khoa học góp ý để Nghệ An phát triển xứng với tiềm năng, vị thế
(Baonghean.vn) - Tại Hội thảo khoa học 'Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển', các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Nghệ An trong chiều dài lịch sử dân tộc; cung cấp những luận cứ, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, góp phần hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà.
GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung - Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nghệ An chứa dấu tích sinh sống của con người suốt từ thời kỳ đá cũ, sang trang mới, kim khí và lịch sử. Vùng núi Nghệ An là nơi tìm thấy hóa thạch của cả người hiện đại sớm và hiện đại muộn. Vùng ven biển tập trung những chứng cứ về quá trình chuyển biến từ kinh tế khai thác tự nhiên sang kinh tế sản xuất hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí.
Hậu kỳ đá cũ ở Nghệ An được xác định qua những phát hiện cổ nhân và di tích, di vật khảo cổ học. Những người hiện đại sớm đã xuất hiện ở Việt Nam mà di tích hóa thạch người và quần thể động vật bảo lưu ở Thẩm Ồm, xã Châu Thuận (Quỳ Châu). Sơ kỳ đá mới ở Nghệ An được đánh dấu rõ nét bằng những phát hiện tại hang Đồng Trương, xã Hội Sơn (Anh Sơn). Trung kỳ đá mới ở Nghệ An được đặc trưng bởi nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng văn hóa Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Hậu kỳ đá mới ở Nghệ An thể hiện qua các di tích văn hóa Thạch Lạc. Phổ hệ thời đại kim khí Nghệ An được xác lập qua các mắt xích: Đền Đồi – Rú Cật – Rú Trăn – Làng Vạc.
Các di sản, tài nguyênkhảo cổ học Nghệ An chứa đựng nhiều giá trị khác nhau, gồm vật thể và phi vật thể, giá trị của tài nguyên di sản khảo cổ học theo chiều thời gian gồm giá trị quá khứ, hiện tại và tương lai... Từ quan điểm đa giá trị nói trên, nhằm bảo vệ, tôn tạo, sử dụng các di sản khảo cổ học trong xã hội đương đại cần có những đánh giá đúng và đầy đủ các khối giá trị khác nhau, mà trong đó các giá trị kinh tế không được bỏ qua.
Di chỉ khảo cổ hang Thẩm Ồm ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu |
Để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển cần lưu ý chọn lựa xây dựng những tuyến du lịch văn hóa khảo cổ trong tỉnh dựa trên khai thác nhữnggiá trị vật thể và phi vật thể có cùng niên đại, cùng tính chất sáng tạo giá trị mới dựa trên cơ sở khoa học và thiết kế hiện đại. Trước mắt, có thể xây dựng công viên khảo cổ học văn hóa Quỳnh Văn và lập tour du lịch văn hóa Quỳnh Văn kết hợp giữa khai thác giá trị khảo cổ, lịch sử, ẩm thực, lễ hội... bảo tàng lịch sử khảo cổ Làng Vạc...
TS. Phạm Minh Thế - Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Thực tiễn lịch sử đã cho thấy: Vùng đất và con người Nghệ An luôn có sự gắn kết hữu cơ với tiến trình mở rộng lãnh thổ, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Vùng đất Nghệ An được tạo hóa ban tặng có đầy đủ vùng núi, trung du, đồng bằng, vùng biển, có vị trí chiến lược. Qua thực tiễn đấu tranh yêu nước, vùng đất Nghệ An từng bước trở thành “cái rốn” tinh hoa của dân tộc, được nhiều hào kiệt chọn nơi đây làm “đại bản doanh”, “nơi đứng chân” dựng xây nghiệp lớn thời trung cổ; được cách mạng chọn và xây dựng thành “vùng tự do”, “vùng giải phóng” trong cuộc kháng chiến chống Pháp, làm “tọa độ lửa” trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nghệ An là “căn cứ địa” nhưng đồng thời cũng là “tiền đồn” của công cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam...
Trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống xâm lăng của nhân dân Việt Nam luôn có sự hiện hữu của con người Xứ Nghệ với nhiều chiến công hiển hách, lưu danh sử Việt. Được thử thách qua thiên nhiên khắc nghiệt và tôi luyện qua lịch sử lâu đời, con người Nghệ An dần hình thành những đức tính tốt đẹp như: Mưu trí, dũng cảm, gan góc, không ngại gian khổ, kiên cường, bất khuất...Từ đó, mỗi khi Tổ quốc cần, họ đã chủ động gánh vác trọng trách của lịch sử giao phó, trở thành lực lượng tham gia, lãnh đạo trong các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong quá trình mở rộng lãnh thổ quốc gia và giải quyết tình trạng nội chiến, thống nhất nước nhà.
Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh - Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An
Xưa kia, cùng với lịch sử phát triển Nho học, Khoa bảng Việt Nam thì truyền thống hiếu học, tôn sư, trọng đạo và khoa bảng của nhân dân Nghệ An cũng luôn luôn được nuôi dưỡng, phát huy. Ngoài các trường công của tỉnh, của phủ, huyện thì các gia đình khá giả đều tự mở trường học ở nhà và mời các thầy Đồ Nho đến dạy cho con em và nho sinh lân cận. Dẫu còn khổ cực, nghèo đói nhưng gia đình nào cũng mong muốn cho con học lấy dăm ba chữ để giữ đạo Thánh Hiền. Niềm khát vọng vươn lên trong khoa bảng của người Nghệ An rất mãnh liệt. Học để có thể đỗ đạt, tìm ra được một nghề nghiệp mới và nâng cao vị trí xã hội của bản thân cũng là động lực hiếu học trong nhân dân. Nhiều vị đậu ông Nghề, ông Cống khai khoa và đem lại vẻ vang cho làng, xã còn được nhân dân lập miếu tôn thờ làm Thành Hoàng hoặc Phúc thần.
Truyền thống hiếu học và khoa bảng của nhân dân Nghệ An còn được tiếp tục và phát huy cho đến mãi ngày nay. Nhiều lớp thầy trò xứ Nghệ đã nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học, trở thành các giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới, như: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Đình Cầu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Thị Hòe và nhiều nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà nghiên cứu thuộc đủ các ngành khoa học khác... Nghệ An cần tiếp tục phát huy, làm sâu sắc thêm truyền thống tốt đẹp này.
Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội cho UBND tỉnh Nghệ An
Phát huy những lợi thế, tiềm năng về điều kiện tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng... thời gian qua, Nghệ An đã và đang có những bước phát triển tốt. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa được như mong muốn. Để Nghệ An - vùng đất “Địa linh nhân kiệt” giàu mạnh, tỉnh Nghệ An cần đặt câu hỏi “Tại sao người Nghệ An làm việc ở ngoài tỉnh đều thành đạt và có những đóng góp quan trong cho các địa phương mình đang công tác? Tại sao khi về sống và làm việc tại quê nhà lại không phát huy được hết khả năng đó? Và tại sao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Nghệ An mặc dù trong những năm gần đây đã tăng lên nhưng vẫn chưa đạt đến tốp 10 của cả nước?” – Cần phải hiểu rằng chỉ khi chuyển được phẩm chất nổi trội của từng cá nhân thành cái tốt của cả hệ thống mới phát huy được tinh thần khai sáng và Nghệ An mới phá triển bứt phá được.
Không tự bằng lòng, lãnh đạo và và nhân dân Nghệ An phải dám đối đầu với thách thức. Có đối đầu với thách thức, chúng ta mới biết ta là ai và có thể làm được những gì. Con người trưởng thành lên từ những sai lầm, không ai có thể nhìn cặn kẽ mọi vấn đề cùng một lúc. Với động cơ trong sáng và tấm lòng nhiệt huyết với quê hương, cứ mạnh dạn hành động rồi thực tiễn sẽ cho thấy dần, cái chính là không được bảo thủ, dũng cảm thừa nhận sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm.
Thị trấn Con Cuông. Ảnh tư liệu Cảnh Hùng |
Để đưa Nghệ An phát triển bền vững, cần quan tâm phát triển vùng kinh tế miền núi phía Tây Nghệ An. Đây là vùng đất rộng lớn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giàu có về mặt văn hóa; là nền tảng cơ bản để Nghệ An bứt phá trên cơ sở tận dụng tiềm năng, lợi thế đặc thù – đặc sắc kết hợp giữa vườn rừng với phát triển nông nghiệp, du lịch. Tỉnh cần quan tâm phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, theo chuỗi giá trị, hướng tới công nghệ hiện đại.
TS. Đinh Đức Tiến - Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Hệ thống di tích, danh thắng tâm linh của xứ Nghệ đa dạng và phong phú gắn liền vớitín ngưỡng dân gian của các nhóm cư dân ở những môi trường địa lý khác nhau. Chính vì vậy mà các di tích tâm linh xứ Nghệ thường có cảnh quan đẹp, hùng vĩ của rừng núi, sông, biển và các dải đất duyên hải. Không những thế, các di tích, danh thắng này lại gắn liền với các nhân vật, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước Việt Nam. Một số di tích khác lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng Tam – Tứ Phủ của người Việt mà trở nên nổi tiếng và thành chốn tâm linh quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của cộng đồng.
Hệ thống di tích, danh thắng tâm linh này chính là tiền đề vô cùng quan trọng để xứ Nghệ xây dựng mạng lưới liên kết giữa các di tích, danh thắng không chỉ trên địa bàn của tỉnh Nghệ An hay Hà Tĩnh, mà là toàn xứ Nghệ. Từ đó phát triển du lịch theo hướng mở, kết nối giữa du lịch tâm linh vớidu lịch nghỉ dưỡng hay du lịch khám phá. Không những thế, mạng lưới này còn cần phải mở rộng từ xứ Nghệ ra các vùng, tỉnh lân cận. Trên cơ sở đó mà hình thành những “con đường hành hương tâm linh” trong phát triển tour, tuyến, điểm du lịch một cách có hệ thống, bài bản. Đây chính là hướng phát triển lâu dài, bền vững và ít tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, môi trường cảnh quan.