Thành phố Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ ký thoả thuận hợp tác phát triển đến năm 2025

Phạm Bằng 25/03/2023 13:17

(Baonghean.vn) - Sáng 25/3, tại TP. Vinh đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải Trung bộ, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng.

Tham dự hội nghị, về phía lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu - Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ; Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND thành phố; Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Về phía các tỉnh, có các đồng chí: Võ Văn Hưng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh; Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Nguyễn Trường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Võ Thị Minh Sinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTTQ tỉnh; Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và một số doanh nghiệp.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

NHIỀU KẾT QUẢ THIẾT THỰC, TOÀN DIỆN, CÓ SỨC LAN TOẢ RỘNG

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn trên nhiều lĩnh vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng là 3 vùng có vị trí chiến lược, là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.

Với vị trí và vai trò quan trọng đó, trong những năm qua, việc triển khai các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đạt nhiều kết quả thiết thực, toàn diện và có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực. Mỗi địa phương với những tiềm năng và lợi thế phát triển riêng đã được phát huy hiệu quả khi triển khai chương trình hợp tác phát triển với TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, trong định hướng phát triển, tỉnh xác định việc hợp tác liên kết với các địa phương là nhiệm vụ xuyên suốt, không chỉ có ý nghĩa đối với từng địa phương mà góp phần phát huy thế mạnh chung để cùng phát triển. Đặc biệt là chương trình hợp tác phát triển với TP. Hồ Chí Minh mang ý nghĩa nhiều mặt, giữa thành phố mang tên Bác với tỉnh quê hương của Người được các thế hệ lãnh đạo của hai địa phương quan tâm, xây dựng.

Nghệ An và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ luôn kỳ vọng và tin tưởng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo tiếp tục sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, thực chất hơn và đi vào chiều sâu, mở ra nhiều triển vọng mới, cơ hội hợp tác mới và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương với TP. Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tại hội nghị, các địa phương thống nhất đánh giá, TP. Hồ Chí Minh đã tích cực hỗ trợ, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, góp phần mở rộng thị trường, không gian phát triển với các địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực: đầu tư bất động sản, khu đô thị mới, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công nghiệp xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo địa phương các vùng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tới đầu tư, sản xuất kinh doanh. Qua đó, đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Các dự án được triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh.

HỢP TÁC PHẢI CÓ SẢN PHẨM CỤ THỂ, ĐỊNH LƯỢNG ĐƯỢC, MANG LẠI GIÁ TRỊ, Ý NGHĨA THIẾT THỰC

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố luôn trân trọng sự hợp tác tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên, phù hợp với thế mạnh, đặc thù, tiềm năng của từng địa phương. Qua việc liên kết vùng, TP. Hồ Chí Minh là địa phương được tiếp nhận và thụ hưởng nhiều nhất các kết quả, mở ra nhiều không gian, hình thành nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, nhiều mô hình phát triển mới.

Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Điểm lại các cột mốc hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là kết quả của quá trình dài, đặc biệt là tình cảm quý báu của các thế hệ lãnh đạo các địa phương trong suốt thời gian qua. Thành phố thấy có trách nhiệm và cần thiết tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hợp tác phát triển với các vùng kinh tế, trong đó có các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Nhằm sớm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế các bên, góp phần phát triển của từng địa phương, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng bản thoả thuận hợp tác phát triển đa phương và song phương với các địa phương trên nhiều lĩnh vực.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Sau khi ký kết, thoả thuận sẽ được cụ thể hoá bằng các công trình, chương trình, đề án và các hành động cụ thể. Đến năm 2025, khi tổng kết phải có những sản phẩm cụ thể, định lượng được, mang lại giá trị, ý nghĩa thiết thực cho sự phát triển của từng địa phương.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội, chỉ rõ những thế mạnh nổi trội, tiềm năng khác biệt của từng địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp, hoạt động nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hợp tác giữa TP.Hồ Chí Minh với các địa phương trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình mong muốn TP. Hồ Chí Minh hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực đầu tư, phát triển nông nghiệp, công thương, du lịch và sự giúp đỡ trong công tác an sinh xã hội, giúp đỡ các địa bàn miền cao về trường học, trạm y tế, nhà ở cho hộ nghèo, khắc phục hậu quả lũ lụt. Đồng thời mong muốn có nhiều doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát triển khai đầu tư, kinh doanh, phát triển du lịch, kết nối thương mại, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đề nghị TP. Hồ Chí Minh quan tâm hỗ trợ trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, quản lý, vận hành Khu công nghệ cao, nhất là phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ sinh học; hỗ trợ, tạo điều kiện tỉnh tham dự các diễn đàn kinh tế - xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại,... do TP. Hồ Chí Minh tổ chức; Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái hướng đến cộng đồng.

Đồng chí Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng, phải đánh giá thực chất nhất kết quả của từng địa phương, đưa ra được những lĩnh vực, lộ trình hợp tác phù hợp. Ngoài trục Bắc - Nam, thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển theo hành lang kinh tế Đông - Tây; hợp tác phát triển khoa học công nghệ, năng lượng và năng lượng tái tạo; khai thác thương mại và du lịch dựa trên tiềm năng và thế mạnh của biển.

TIẾP TỤC HỢP TÁC MẠNH MẼ ĐỂ CÙNG NHAU PHÁT TRIỂN

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, nhiệm vụ phát triển vùng, liên kết vùng được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm. Hội nghị hôm nay nhằm cụ thể hoá các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và từng địa phương.

Với tinh thần trách nhiệm, trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, đôi bên cùng có lợi, TP. Hồ Chí Minh luôn chủ động mở rộng hợp tác với các vùng kinh tế và các địa phương trong cả nước. Tập thể lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất cao, quán triệt sâu sắc trong nhận thức, triển khai thực hiện, xem đây là cơ hội mở rộng không gian phát triển của thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với lãnh đạo các địa phương, Phó Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh đề nghị tiếp tục quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp, địa phương chủ động phối hợp với lãnh đạo và các sở, ngành của TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của thành phố tham gia xúc tiến đầu tư trên địa bàn.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp của thành phố và các tỉnh, cần tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kinh nghiệm trong quản lý, cùng nhau phát triển thịnh vượng. Sự phát triển của các doanh nghiệp cũng là sự phát triển của các địa phương.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 9 tỉnh ký biên bản thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 9 tỉnh thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng nhau phát triển. Ảnh: Phạm Bằng

Tại hội nghị, TP. Hồ Chí Minh và 9 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải Trung bộ, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng đã ký kết biên bản thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, trên các lĩnh vực: đầu tư; du lịch, văn hóa; nông nghiệp; công thương; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; giáo dục, đào tạo và y tế.

Mục tiêu hợp tác nhằm chuyển hoá tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển của mỗi bên và khu vực; tạo cầu nối để doanh nghiệp hai bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ ký thoả thuận hợp tác phát triển đến năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO