Thành phố Vinh: Lịch sử hào hùng qua các kỳ Đại hội

Nguyễn Nuôi 15/07/2020 10:21

(Baonghean.vn) - Chặng đường 90 năm thành lập, xây dựng và phát triển của Đảng bộ thành phố Vinh, có thể ví như một bản nhạc hùng ca. Mỗi giai đoạn, mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu và cả những bài học kinh nghiệm quý báu.

Tháng 3/1930, sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Phân cục Trung ương lâm thời Trung Kỳ được thành lập ở Vinh. Với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chủ trì Hội nghị thành lập Tỉnh ủy Vinh tại phố Đệ Thập. Tỉnh bộ Vinh có 2 huyện bộ: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, 1 chi bộ thị xã Thanh Hóa. Đến tháng 4/1931, theo Nghị quyết của Xứ ủy Trung Kỳ thì Tỉnh ủy Vinh không còn nữa mà chuyển sang tổ chức mới gọi là Khu ủy.

Được thành lập tháng 5/1931, Khu ủy Vinh và Khu ủy Bến Thủy song song tồn tại và hoạt động đến tháng 8/1931 thì bị phá vỡ.

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu

Đến năm 1935, mới được khôi phục lại, đồng thời chuyển sang hình thức tổ chức mới là Thành ủy. Thực dân Pháp ra sức khủng bố các phong trào cách mạng, tổ chức Đảng lại tiếp tục bị vỡ, nhưng đội ngũ đảng viên trong Ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh ở Vinh đã lãnh đạo phong trào cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 21/8/1945.

Trong 15 năm (1930 - 1945), Đảng bộ Vinh hoạt động bí mật và chưa lần nào mở Đại hội, song vẫn luôn bám sát và thực hiện đúng đường lối, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Thành cổ Vinh. Ảnh tư liệu

Sau khi chính quyền được thành lập, tháng 9/1945, một số đảng viên cốt cán ở Vinh mở hội nghị tại số nhà 28 phố Phan Đình Phùng để thành lập chi bộ ghép. Lúc này chi bộ mới có 5 đảng viên. Sau một thời gian xây dựng cơ sở, đến tháng 9/1946, toàn thị xã có 10 chi bộ, gồm có 60 đảng viên. Thành bộ Vinh lần đầu tiên mở Đại hội đề ra nhiệm vụ chính trị và bầu cấp ủy. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm có 9 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Hoàng được cử giữ chức Bí thư, đồng chí Hoàng Đôn được cử giữ chức Phó Bí thư.

Đến tháng 6/1947, Đảng bộ Thị xã Vinh triệu tập Đại hội đại biểu. Đại hội diễn ra trong 3 ngày tại Nhà Văn Thánh (vị trí Nhà máy In Nghệ An hiện nay). Dự Đại hội có trên 30 đại biểu thay mặt cho gần 80 đảng viên của 6 chi bộ cơ sở trực thuộc. Đại hội quyết định nhiều vấn đề, trước hết tập trung lãnh đạo nhân dân tiêu thổ kháng chiến...

Một góc thành Vinh hôm nay. Ảnh: Lâm Tùng
Một góc thành Vinh hôm nay. Ảnh: Lâm Tùng
Thực hiện Nghị quyết của Thị ủy về tiêu thổ kháng chiến, nhân dân ở Thị xã Vinh tản cư lên chiến khu hoặc về nông thôn tăng gia sản xuất. Tỉnh ủy quyết định giải thể Thành bộ Vinh và thành lập Liên Chi bộ đặc biệt do Tỉnh ủy Nghệ An phụ trách. Liên Chi bộ đặc biệt tồn tại từ 1949 đến 7/1953, trải qua 3 kỳ Đại hội vào đầu năm 1950, 8/1951, 6/1952.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ngày càng bước vào giai đoạn quyết liệt. Lúc đó, Tỉnh ủy Nghệ An cũng phải sơ tán nên mối liên hệ giữa Tỉnh ủy và Thị xã gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy quyết định chuyển Liên Chi bộ trực thuộc Tỉnh thành Chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy Hưng Nguyên. Chi bộ lúc đó có khoảng 50 đảng viên. Ban chi ủy do Tỉnh ủy chỉ định gồm có 5 ủy viên do đồng chí Nguyễn Vân làm Bí thư.

Cầu Bến Thủy 1 bắc qua sông Lam. Ảnh: Sách Nguyễn
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Tỉnh ủy quyết định điều một số cán bộ, đảng viên về Vinh để khôi phục, xây dựng lại Thị xã sau những năm chiến tranh. Tháng 10/1954, chuyển chi bộ Đảng ở Vinh trực thuộc Huyện ủy Hưng Nguyên về Vinh và thành lập Thị Đảng bộ. Gần 10 năm (10/1954 đến 1963), Thị Bộ Vinh 5 lần mở Đại hội để đề ra nhiệm vụ mới và bầu cấp ủy.
Ngày 10/10/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 148/CP về Thành lập thành phố Vinh trực thuộc tỉnh Nghệ An. Cũng từ đó, Thị ủy được nâng lên Thành ủy cho tới nay. Từ năm 1963 đến nay, Đảng bộ thành phố Vinh trải qua các kỳ đại hội, từ đại hội lần thứ VII diễn ra ngày 30/6/1968 được tổ chức tại xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên với 89 đại biểu của 43 chi bộ trực thuộc. Đây là đại hội đầu tiên kể từ khi Thị ủy được nâng lên Thành ủy và cũng là đại hội lần đầu tiến hành trong giai đoạn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra.


Sau hòa bình lập lại từ năm 1975 đến trước thời kỳ đổi mới, Đảng bộ đề ra chủ trương đường lối sát đúng, phù hợp đưa thành phố Vinh không ngừng phát triển. Trong giai đoạn này có 4 kỳ Đại hội, từ Đại hội Đảng bộ lần thứ XII (tháng 6 năm 1976) đến Đại hội lần thứ XV (tháng 5 năm 1983).
Năm 1986, Đại hội đại biểu lần thứ VI của BCH Trung ương Đảng đề ra đường lối “Đổi mới toàn diện đất nước”. Đảng bộ thành phố đã kịp thời nắm bắt đường lối, lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đảng bộ Thành phố đã tiến hành 8 kỳ Đại hội (từ Đại hội XVI tiến hành từ ngày 7/10/1986 đến Đại hội XXIII vào tháng 7/2015). Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thành phố Vinh đã có nhiều khởi sắc - Thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An, được khẳng định trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, đoàn thể...

Thành phố Vinh trang hoàng các tuyến đường chào mừng đại hội lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Lâm Tùng
Thành phố Vinh trang hoàng các tuyến đường chào mừng đại hội lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Lâm Tùng

Từ ngày 15 đến 17/7/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức với sự tham dự của 300 đại biểu, đại diện cho hơn 24.000 đảng viên toàn đảng bộ. Đại hội diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020; Thông báo số 55 về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26; Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 “Phê chuẩn Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Mới đây, ngày 12/6/2020, ban hành Quyết định số 827/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Với phương châm "Đoàn kết - Đổi mới - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội lần thứ XXIV sẽ là Đại hội của những khởi sắc mới, hướng tới xây dựng một thành phố Vinh văn minh, hiện đại, trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ./.

Theo (Ban Tuyên giáo Thành ủy Vinh)
Copy Link
Thành phố Vinh: Lịch sử hào hùng qua các kỳ Đại hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO