Xã hội

Truông Bồn trong trái tim người trẻ

Thanh Quỳnh 31/10/2024 10:49

Trong chiến tranh, lớp lớp thanh niên đã hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất Truông Bồn. Khi đất nước đã hòa bình, những người trẻ trên mảnh đất thiêng tiếp bước các thế hệ đi trước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, và thắp sáng tình yêu với Truông Bồn bằng nhiều việc làm ý nghĩa.

truông bồn 2

Ươm mầm xanh nơi “tọa độ lửa”

Từng được ví là “tọa độ lửa” khi phải oằn mình hứng chịu sự cày xới của hàng chục nghìn quả bom, đạn, tuyến đường 15A đi qua Truông Bồn năm xưa nay đã được mở rộng, trở thành tuyến quốc lộ quan trọng, mang lại sức sống mới cho cả một vùng quê thanh bình.

Trên con đường ấy, những vết tích chiến tranh dường như đã lùi xa, nhường chỗ cho những dãy nhà khang trang, những trang trại xanh tươi, trù phú và cả những khu kinh doanh dịch vụ sầm uất.

truông bồn 4
Tuyến đường 15A đi qua Truông Bồn huyền thoại nay rộng rãi, phẳng phiu, dẫn về mảnh đất Mỹ Sơn đầy trù mật. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ông Đặng Văn Tú – Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn chia sẻ, Truông Bồn ngày nay không chỉ được nhớ đến với quá khứ hào hùng, mà còn là nơi khởi nguồn cho những đổi thay tích cực. Đặc biệt, điều đó càng thể hiện rõ ở thế hệ trẻ khi ngày càng có nhiều cá nhân tiêu biểu lập thân, lập nghiệp thành công trên chính mảnh đất từng gánh bao đau thương, mất mát.

Điển hình là mô hình trang trại của anh Nguyễn Hoàng Tư (sinh năm 1992), diện tích rộng hơn 15.000 m2, mang đến một vẻ thanh bình cuốn hút từ sắc xanh của hơn 200 gốc bưởi da xanh và bưởi Diễn.

Những cây bưởi phát triển đều đặn, cho trái ngọt mỗi mùa, là kết quả của kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ và sự hiểu biết sâu sắc của Nguyễn Hoàng Tư về các phương pháp canh tác hiện đại.

Anh Nguyễn Hoàng Tư (SN 1992) bên mô hình trồng bưởi của mình tại xóm 6, Mỹ Sơn, Đô Lương
Nguyễn Hoàng Tư (SN 1992, bìa trái) cùng Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Sơn bên mô hình trồng bưởi - một phần của trang trại tổng hợp do mình làm chủ tại xóm 6, Mỹ Sơn (Đô Lương). Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong căn nhà khang trang, Tư cho biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đậu chuyên ngành Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm tại một tập đoàn chuyên về lĩnh vực chăn nuôi lợn. Nhờ quá trình làm việc tại đây, anh đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành đã học được gần như áp dụng vào thực tiễn.

Năm 2020, khi đã tích lũy được một ít vốn và kinh nghiệm cần thiết, anh quyết định nghỉ việc để quyết tâm biến giấc mơ kinh tế nông nghiệp thành hiện thực trên chính mảnh đất Truông Bồn nơi mình sinh ra.

Tận dụng diện tích đất canh tác kém hiệu quả của gia đình, anh dồn toàn bộ số vốn đã tích lũy được và vay mượn thêm người thân, bạn bè đầu tư xây dựng hệ thống các chuồng nuôi lợn thịt, lợn nái, với tổng diện tích 550m2.

Thời gian đầu, không chỉ đối mặt với bài toán quay vòng vốn, Nguyễn Hoàng Tư còn phải vượt qua nỗi lo thường trực về dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, hầu hết thức ăn của gia đình đến từ các loài gia cầm chăn nuôi trong trang trại. Cùng với đó, việc ra, vào chuồng trại gần như hạn chế tối đa.

Chính trong những thời điểm thử thách ấy, Nguyễn Hoàng Tư càng thấm thía giá trị của những kiến thức anh học được và áp dụng mọi biện pháp phòng dịch, sát trùng chuồng trại, giúp giảm thiểu chi phí và đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Nhờ thế, từ vài chục con giống ban đầu, đến nay, mô hình đã có tổng đàn lợn hơn 300 con gồm lợn nái, lợn thịt... Vậy là ước mơ về một trang trại bền vững và mô hình kinh tế nông nghiệp khép kín của Nguyễn Hoàng Tư trên mảnh đất Truông Bồn đầy nắng gió đã trở thành hiện thực.

Cùng với đó, với vai trò là Bí thư Chi đoàn và cán bộ Thú y của xã, Tư đã đồng hành, hướng dẫn nhiều người dân và các bạn trẻ tại địa phương xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế.

Tuổi trẻ trên mảnh đất Mỹ Sơn ngày càng năng động trong làm ăn kinh tế. Nhiều thanh niên địa phương đã mạnh dạn tìm kiếm các cơ hội việc làm theo hình thức xuất khẩu lao động. Sau khi có nguồn vốn tích lũy được, những thanh niên này lại quay về xây dựng quê hương.

Bên cạnh đó, có những thanh niên lại quyết tâm cải tạo những diện tích đất kém hiệu quả của địa phương để gây dựng các mô hình kinh tế xanh thành công như Đặng Công Bình (SN 1993), với mô hình chăn nuôi gia cầm kết hợp đào ao thả cá tại xóm 3; Nguyễn Đức Lễ (SN 1992) với mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả tại xóm 7…

Anh Nguyễn Văn Ngũ – Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Sơn

Có thể thấy, người trẻ ở Truông Bồn dù ở bất kỳ đâu, độ tuổi nào thì vẫn luôn mang trong mình tình yêu quê hương và quyết tâm xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, cho cộng đồng, xã hội.

ảnh huy thư
Nơi từng là "hố bom, chảo lửa" nay khoác lên mình màu xanh tràn đầy sức sống. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Thắp sáng tình yêu với Truông Bồn

Theo dòng người nối nhau về với Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, trong không khí thiêng liêng, nhiều người dành sự chú ý tới một cặp đôi đặc biệt, đó là chú rể Nguyễn Đình Vinh (SN 1993), quê xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương và cô dâu Hoàng Thanh Nga, quê ở tỉnh Quảng Ninh, đang làm việc tại thành phố Vinh. Bằng tấm lòng thành kính, họ đã cùng dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm 1.240 liệt sĩ và ngôi mộ chung của 13 Thanh niên xung phong "Tiểu đội thép" anh hùng.

Không giấu được nỗi niềm xúc động, anh Nguyễn Đình Vinh cho biết, trước lễ cưới, hai bên gia đình đã lên kế hoạch tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Truông Bồn. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Truông Bồn, hơn ai hết anh thấu hiểu những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ cung đường huyết mạch 15A. Đã có những liệt sĩ hy sinh khi bao ước mơ còn dang dở, hoặc thậm chí ngay trước ngày cưới của mình. Bởi thế, anh và vợ luôn mong muốn được tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống để mình được hưởng hạnh phúc trọn vẹn như ngày hôm nay.

Truông bồn trọng lộc
Nhiều bạn trẻ đã chọn Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn là điểm dừng tri ân trong hành trình rước dâu của mình. Ảnh: Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn

Gửi lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ, ông Phan Trọng Lộc – Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn cho biết, thời gian qua, rất nhiều cặp đôi chọn Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn là điểm dừng tri ân trong hành trình rước dâu của mình. Điều này được các bạn lên kế hoạch chu đáo với một tấm lòng thành kính nhất, không chỉ thể hiện sự tri ân với lịch sử mà còn cho thấy một cách nhìn mới mẻ về tình yêu và cuộc sống, nơi mà những giá trị văn hóa và lịch sử được kết nối với những khoảnh khắc hạnh phúc hiện tại.

Truông BỒn trung ươn gĐoàn
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương dâng hương tưởng niệm 13 liệt sĩ Thanh niên xung phong của "Tiểu đội thép" anh hùng. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Theo ước tính, mỗi năm, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đón khoảng 400.000 lượt khách về thăm, dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Riêng tháng cao điểm có khoảng 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó có nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.

Các bạn trẻ Nghệ An trong hành trình tri ân các anh hùng, liệt sỹ trên mảnh đất Truông Bồn. Ảnh tư liệu Huyện đoàn Anh Sơn cung cấp.
Các bạn trẻ Nghệ An trong hành trình tri ân các anh hùng, liệt sỹ trên mảnh đất Truông Bồn. Ảnh tư liệu: Huyện đoàn Anh Sơn

Không lãng quên quá khứ, nhiều bạn trẻ đã chọn Truông Bồn làm điểm về nguồn. Họ đến để tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc và những chuyến đi thường đi có thêm các hoạt động ý nghĩa như thuyết trình, dâng hương và tham gia các chương trình tìm hiểu về lịch sử. Những hoạt động này đã nhen nhóm, nuôi dưỡng tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc trong lòng họ.

Tình yêu ấy, như những mầm xanh vươn lên từ mảnh đất đã trải qua bao gian khổ, để rồi tiếp tục nảy nở, tô thắm thêm cho tình đoàn kết và sự giàu mạnh của quê hương...

Truông Bồn trong trái tim người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO