Vì sao khó thuyết phục lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước?
(Baonghean.vn) - 3 địa phương ở Nghệ An là thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc và Hưng Nguyên lại tiếp tục bị liệt kê vào danh sách ngừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc.
Nguyên nhân là bởi 3 địa phương này có số người cư trú bất hợp lên tới 70 người trở lên, và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Việc tìm giải pháp để đưa những lao động này về nước quả thực rất khó khăn, khi đa phần những lao động đã đi được đều mong muốn được ở lại lâu dài.
Tiếc nuối vì phải về nước sớm hơn dự định
Lao động Nguyễn Văn Hiếu Khối 1, thị trấn Hưng Nguyên (bên phải) trăn trở việc làm sau khi hết hạn về nước. Ảnh: Thanh Nga |
Anh Nguyễn Văn Hiếu trú tại Khối 1, thị trấn Hưng Nguyên vừa về nước vào tháng 1/2023 vì bố anh mất, mẹ lại đau yếu, vợ Hiếu là y tá bệnh viện nên bận rộn không thể chăm con. Hiếu nói rằng: Anh là lao động hiếm hoi về nước đúng 4 năm 10 tháng theo diện hợp đồng EPS và anh tiếc nuối rất nhiều khi về nước sớm hơn dự định. “Những lao động đi cùng với tôi có ai về đâu, bởi nếu đi 4 năm 10 tháng thì chỉ dư được chút đỉnh, tầm 500 triệu là nhiều, như thế chưa cất được căn nhà”. Hiếu nói chắc như đinh đóng cột rằng, ai về nước đúng hạn cũng sẽ bị cha mẹ la mắng, vợ cằn nhằn, vì đi chưa được bao nhiêu, có khi còn cắm sổ đỏ để vay tiền chi phí, nhưng tiền kiếm ra sau cuộc hành hương vất vả đó chỉ được vài trăm triệu thì uổng phí quá.
Rồi Hiếu giãi bày, không phải chúng tôi không muốn chấp hành nhưng quả thật về quê không có việc làm, đồng tiền bên kia kiếm ra vất vả nhọc nhằn, về nhà lại tiêu hết thì tiếc lắm.
Tác giả bài viết và anh Nguyễn Văn Thắng ở phường Nghi Hải, TX.Cửa Lò, anh về nước đúng hạn sau một tai nạn nặng. Ảnh: P.V |
Cũng như Hiếu, anh Nguyễn Văn Thắng SN 1982 ở Nghi Hải, thị xã Cửa Lò cũng về nước đúng thời hạn khi chưa kiếm được là bao. Sở dĩ phải về nước đúng hạn là bởi anh gặp phải một tai nạn nặng khi đang vận chuyển khối bê tông thép từ trên cao. “Tai nạn đúng lúc hợp đồng chỉ còn lại 2 tháng, và tôi nằm trong diện được chuyển đổi visa sang G1 (là chế độ visa ưu đãi đối với người bị tai nạn đau ốm phải vào viện), và hết hạn tôi phải về ngay thì mới được thanh toán tiền bảo hiểm”, Thắng ngậm ngùi rằng, khi tại nạn xong anh bị khủng hoảng tinh thần, hơn nữa với thương tích của anh có ở lại cũng không ai nhận.
Đó là những trường hợp về nước đúng hạn hiếm hoi mà 2 trong 3 địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp bị đình chỉ việc tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, lý do mà họ buộc phải về nước cũng là bất đắc dĩ chứ họ không mong muốn về nước khi hết hạn. “Chỉ cần hết hạn là nhiều anh em đồng loạt trốn ra ngoài vì về nhà kiếm đâu ra việc làm chỉ bằng 1/4 số lương bên này kiếm được, một lần đi là một lần khó, về đúng hạn là đánh mất cơ hội của bản thân” anh Nguyễn Văn Hiếu ở thị trấn Hưng Nguyên nói.
Biết sai nhưng vẫn làm
Trần Mạnh Phúc là lao động làm việc tại Hàn Quốc từ năm 2011, anh về nước từ tháng 1/2023. Ảnh: Thanh Nga |
Trần Mạnh Phúc là một trong số những trường hợp chịu hợp tác khi nói chuyện về việc trốn ra ngoài và cư trú bất hợp pháp trong thời gian dài tại xứ sở kim chi. Phúc nói rằng, chỗ làm của anh hầu như mọi người đều là lao động cư trú bất hợp pháp, chỉ những ai bị bắt mới phải về.
Ở lại quá hạn mang tiếng là trốn tránh sự kiểm tra của giới chức Hàn Quốc nhưng Phúc lại thấy ở chỗ anh cư trú khá thoải mái. Nếu không vi phạm an toàn giao thông, không gây gổ đánh nhau khiến người Hàn tố cáo lên lực lượng chức năng, thì chẳng bao giờ bị bắt. Hơn nữa doanh nghiệp phía Hàn lại rất ưu ái trong tuyển dụng lao động có tay nghề sau hợp đồng.
Thế nhưng may rủi trong khi cư trú bất hợp pháp thì cũng vô vàn. Nghĩa là lao động nếu quá hạn vẫn làm việc tại một công ty nào đó chẳng may bị tai nạn sẽ mất kinh phí vô cùng lớn. Đơn cử như Phúc, anh bị tai nạn trong lúc sử dụng máy cưa khiến một ngón tay út gần như bị đứt lìa. Với thương tích này lao động cư trú bất hợp phải chịu hoàn toàn chi phí nằm viện. Và Phúc có thể phải chi trả tới 300 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn ở trong những ngày phải điều trị. “Nhưng may cho em ông chủ sống rất trách nhiệm, tình cảm nên đã bỏ ra hầu hết số tiền viện phí, em chỉ phải chịu phần nhỏ thôi”', Phúc kể. Vậy là sau 13 năm sống tại Hàn Quốc, Phúc chờ đợt ân xá mà mỗi năm chỉ diễn ra 2 lần để đăng ký về nước vì lý do con đã lớn cần người cha kèm cặp, chỉ bảo.
Trường hợp khác tại thị trấn Hưng Nguyên đang cư trú bất hợp pháp có anh Cao Văn Khánh. Anh Khánh đi lần thứ 2 theo diện EPS và hiện đang cư trú với công việc lao động phổ thông ngành xây dựng. Vì công việc khá vất vả nhưng bù lại lương cao nên dù vợ con và cha mẹ rất mong muốn anh về, nhưng Khánh vẫn tự gia hạn thêm cho mình ít năm nữa, với mong muốn kiếm thêm đồng vốn rồi về hẳn.
Theo ông Nguyễn Văn Long - cán bộ chính sách thị trấn thì mấy năm nay cán bộ huyện và thị trấn đã có nhiều đợt tổ chức vận động những lao động còn cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng không thành công. Những trường hợp về nước đều là có những người có vấn đề đột xuất nằm ngoài mong muốn. “Đến nay thị trấn có 30 người đang làm việc tại Hàn Quốc thì có 10 người đang cư trú bất hợp pháp. Tỷ lệ này so với địa phương khác còn khá thấp nhưng hầu hết lao động đi Hàn Quốc đều tìm cách ở lại, nên con số 10 chưa chắc đã dừng lại”, ông Long cho hay.
Cán bộ chính sách thị xã Cửa Lò thăm hỏi các gia đình có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Nga |
Cũng tương tự như thế, phường Nghi Hải - TX. Cửa Lò hiện nay có tới 700 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc thì phần nhiều trong số này đang cư trú bất hợp pháp. Với Nghi Hải, lượng kiều hối mỗi năm hơn 25 tỷ đồng là nguồn thu không hề nhỏ. “Chúng tôi dù luôn mong muốn lao động về nước đúng thời hạn để tạo điều kiện cho những người khác đi, tránh được việc bất bình đẳng trong tạo cơ hội giải quyết việc làm, nhưng xem ra rất khó, vì tuyên truyền mấy, người lao động cũng không chịu về”, ông Nguyễn Mạnh Cường - cán bộ chính sách P. Nghi Hải - TX. Cửa Lò cho biết.
Tìm giải pháp
Các lao động Hàn Quốc nếu đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước sẽ có cơ hội nhập cảnh lần thứ 2 theo diện hợp đồng EPS. Ảnh: Tư liệu |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 10.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Bình quân hàng năm có từ 500 - 700 người lao động của tỉnh được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc, với mức tiền lương hấp dẫn từ 1.000 - 1.500 USD/người. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011 xuất hiện nhiều tình trạng người lao động bỏ trốn ra ngoài sau khi hết hạn hợp đồng theo diện EPS. Năm 2017 có 11 huyện, thành, thị của Nghệ An bị đình chỉ việc tuyển chọn lao động theo diện EPS thì đến năm 2022, 2023 chỉ còn 3 huyện, thị.
Nguyên nhân khiến các lao động không về nước đúng thời hạn là do: Các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn né tránh, giảm các khoản chi phí tuyển dụng mới lao động và muốn sử dụng lại những người lao động Việt Nam đã làm việc thành thạo công việc đã làm trước đó nên đã tạo điều kiện cho người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp. Hơn nữa, công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc từ phía Hàn Quốc chưa chặt chẽ; các chế tài xử phạt chưa nghiêm nên người lao động Việt Nam dễ lợi dụng sơ hở để trốn tránh.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp cấp huyện tổ chức nhiều cuộc, nhiều hình thức vận động lao động về nước theo quy định. Các địa phương trực tiếp làm việc với các gia đình có người lao động, đồng thời không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc khi những lao động này có anh, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này...
Lao động đăng ký tại các sàn giao dịch việc làm. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Thế nhưng xem ra những giải pháp này cũng không mấy hiệu quả, vì thực tế lợi ích của việc ở lại lớn hơn rất nhiều những bất cập rủi ro mà phía lao động và gia đình lao động có thể phải chịu. Như anh Nguyễn Văn Hiếu một công dân về nước đúng thời hạn cho biết, anh từng kỳ vọng khi về nước anh sẽ được nhận vào các công ty ở Khu công nghiệp VSIP, nhưng tại đây họ chỉ tuyển dụng anh như một lao động phổ thông bình thường với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng. "Như vậy thì quá bất công cho những lao động có tay nghề qua đào tạo như chúng tôi. Thế nên tạo việc làm tương xứng với lao động qua đào tạo tại Hàn Quốc là một giải pháp để lao động trở về nước đúng hạn. Điển hình như ở Bắc Giang ngay sau khi về nước lao động được các đơn vị doanh nghiệp ở các khu công nghiệp nhận vào làm với chế độ lao động đã có tay nghề và kinh nghiệm", anh Hiếu nói thêm.
Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động và Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Để đảm bảo giải quyết việc làm cho lao động về nước chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tạo điều kiện tiếp nhận người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước vào làm việc", và ông Hùng nêu quan điểm giải quyết việc làm tại chỗ là yếu tố mấu chốt để thu hút lao động về nước./.