Xã hội

Xây dựng Con Cuông xứng với 'nôi cách mạng miền Tây xứ Nghệ'

Thành Chung 01/09/2024 14:09

Những ngày này, con đường dẫn về xã Môn Sơn, huyện Con Cuông rực rỡ sắc cờ đỏ. Nắng như dát vàng ruộng đồng và những dãy núi, dòng sông. Đi trên vùng quê “nôi cách mạng miền Tây xứ Nghệ” này, thấy rõ không khí vui tươi, náo nức đón chào Quốc khánh 2/9 - ngày hội lớn của non sông.

Một góc cánh đồng Môn Sơn và thắng cảnh Đập Phà Lài. Ảnh Thành Chường
Một góc cánh đồng Môn Sơn và thắng cảnh Đập Phà Lài. Ảnh Thành Chường


Nuôi dưỡng lòng yêu nước

Có mặt tại Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Nhà cụ Vi Văn Khang (bản Thái Hòa, xã Môn Sơn) trong một ngày tháng Tám lịch sử, đã thấy có khá nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã đến tìm hiểu mạch nguồn về tinh thần yêu nước, cách mạng của đất và người Con Cuông.

Di tích lịch sử Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh Thành Cường
Di tích lịch sử Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh: Thành Cường

Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang đã được những trang sử vàng của quê hương khắc ghi: Năm 1931, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử các đồng chí Lê Xuân Đào, Nguyễn Hữu Bình, Lê Mạnh Duyệt về vùng Mường Quạ - Môn Sơn gây dựng phong trào cách mạng. Tại đây, các đồng chí đã giác ngộ lý tưởng cách mạng cho đồng chí Vi Văn Khang.

Đoàn viên thanh niên xã Môn Sơn tham gia dọn dẹp vệ sinh ở Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh Thành Chung
Đoàn viên, thanh niên xã Môn Sơn tham gia dọn dẹp vệ sinh ở Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Vi Văn Khang đã vận động, giác ngộ thêm nhiều thanh niên giàu lòng yêu nước và tâm huyết với quê hương. Các đồng chí đã phát huy tinh thần đoàn kết, vận động quần chúng nhân dân kết thành một khối sức mạnh để đấu tranh chống bọn thực dân, tay sai phong kiến.

Xã Môn Sơn nơi chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại khu vực miền núi Nghệ An. Ảnh Thành Cường
Xã Môn Sơn nơi Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại khu vực miền núi Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Tháng 3/1931, ở Mường Quạ đã diễn ra cuộc đấu tranh chống bọn cường hào, ác bá và giành được thắng lợi. Khoảng 1 tháng sau, tại nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang, Chi bộ Đảng Môn Sơn chính thức thành lập, gồm 5 đảng viên, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Đây chính là Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở địa bàn miền núi vùng cao của Nghệ An.

Chi bộ Đảng ra đời đã bắt tay ngay vào công tác lãnh đạo đấu tranh cách mạng. Từ tháng 7 đến tháng 8/1931, trên ngọn cây đa Cồn Chùa, xã Môn Sơn, lá cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân Mường Quạ nói chung và xã Môn Sơn nói riêng giành được nhiều thắng lợi.

Một góc cánh đồng Môn Sơn và thắng cảnh Đập Phà Lài. Ảnh Thành Chường
Một góc cánh đồng Môn Sơn và thắng cảnh Đập Phà Lài. Ảnh: Thành Chường

Chị Hà Thị Hướng – Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Môn Sơn chia sẻ: Nhà cụ Vi Văn Khang và cây đa Cồn Chùa là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ trẻ đến học tập, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng. Trong năm, Đoàn xã đã tổ chức nhiều hoạt động như dâng hương, chào cờ ở địa chỉ này, đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ở vùng quê cách mạng Môn Sơn, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ rất được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các trường học quan tâm thực hiện. Thầy Nguyễn Văn Vỹ - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho hay: Nhà trường rất coi trọng công tác giáo dục truyền thống cho học sinh và xem đây là hoạt động trọng tâm để hình thành, phát triển nhân cách cho các em. Liên đội trường thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt ngoại khóa tại Nhà cụ Vi Văn Khang, cây đa Cồn Chùa, Đài liệt sĩ xã...

Đoàn viên thanh niên xã Môn Sơn tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường trên sông Giăng
Đoàn viên, thanh niên xã Môn Sơn tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường trên sông Giăng.

Đồng chí Lê Thanh Hải – Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho biết: Những năm qua, công tác xây dựng Đảng của địa phương được quan tâm. Tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu, dẫn đầu huyện. Công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội thu được nhiều kết quả tốt. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng. Đến nay, đã có 7/14 bản về đích nông thôn mới.

Thời gian tới, xã Môn Sơn đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 68 – CTr/TU của Tỉnh ủy Nghệ An về thực hiện Nghị quyết số 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị để xây dựng và phát triển Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch. Theo đó, xã sẽ thực hiện những quy hoạch của huyện như phát triển du lịch khu vực Phà Lài, du lịch trải nghiệm trên sông Giăng, du lịch về với tộc người Đan Lai, du lịch ẩm thực, sinh thái...

Sông Giang - Đập Phà Lài ở xã Môn Sơn. Ảnh Thành Cường
Sông Giang - Đập Phà Lài ở xã Môn Sơn. Ảnh: Thành Cường

Xã Môn Sơn cũng sẽ tập trung xây dựng "Đảng bộ 4 tốt", "Chi bộ 4 tốt"; tích cực nâng cao các tiêu chí nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; xây dựng những điểm du lịch trải nghiệm riêng và các sản phẩm đặc sản của vùng “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”.

Tiếp nối truyền thống

Nay đi trên miền Trà Lân - Con Cuông, chứng kiến những đường làng, ngõ xóm rộng rãi, được trải nhựa, bê tông hóa kiên cố. Nhiều công trình trọng điểm về cầu, đường của huyện như cầu Thành Nam qua sông Lam; Đường giao thông Quốc lộ 7A đi thác Khe Kèm; Đường giao thông Bồng Khê đi Môn Sơn.. đang được đầu tư thi công đồng bộ. Bức tranh của huyện miền núi cao này được xác định là một trung tâm khu vực miền Tây Nghệ An dần dáng dấp lên một sự văn minh, hiện đại.

bna_1047-f49283d752ff900c9f6d130375bdc4eb.jpg
Đồng chí Nguyễn Hoài An – Bí thư Huyện ủy Con Cuông.

Đồng chí Nguyễn Hoài An – Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: Thực hiện mục tiêu "Xây dựng và phát triển huyện Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch”, huyện đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển nhanh, bền vững, phát triển mạng lưới đô thị theo hướng sinh thái; Phát triển vùng nông thôn theo hướng văn minh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các thôn, bản...

Cụ thể, từng bước chuyển dịch và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, đặc biệt là du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, tài chính; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tại các khu cụm công nghiệp như công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm, lâm sản...

Non nước Trà Lân. Ảnh Thành Cường (2)
Non nước Trà Lân. Ảnh: Thành Cường

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, chỉ đạo phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, xây dựng một nền nông, lâm nghiệp đa dạng gắn kết với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện nay, huyện Con Cuông đang tập trung đẩy nhanh công tác lập và phê duyệt quy hoạch vùng; phát triển theo hướng hiện đại, gắn với vành đai nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xóa đói, giảm nghèo và các tệ nạn xã hội; giảm dần sự chênh lệch giữa vùng nông thôn với vùng đô thị.

Huyện cũng tập trung quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư; huy động nội, ngoại lực để xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển...

Huyện Con Cuông hôm nay đang bước vào vận hội mới. Chắc chắn với truyền thống cách mạng Chi bộ Đảng đầu tiên ở miền núi vùng cao Nghệ An sẽ là sức mạnh để huyện Con Cuông sớm về đích mục tiêu phát triển thành đô thị sinh thái, du lịch, là một trung tâm khu vực miền Tây tỉnh nhà.

Xây dựng Con Cuông xứng với 'nôi cách mạng miền Tây xứ Nghệ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO