Thủ tướng Ukraine từ chức: Hy sinh hay cực chẳng đã?

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thông báo ông chính thức đệ đơn từ chức lên Quốc hội ngày 12/4. Quyết định của ông Yatsenyuk là sự hy sinh giúp đất nước tránh một ngưỡng bất ổn mới hay chẳng qua là “cực chẳng đã” phải từ bỏ quyền lực? Tương lai chính trường Ukraine liệu có ổn định hơn?

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thông báo việc từ chức. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thông báo việc từ chức. Ảnh: Reuters.

Sự ra đi được báo trước

Trong tuyên bố được phát trên truyền hình, Thủ tướng Yatsenyuk cho rằng bất ổn ở Ukraine, đặc biệt là ở miền Đông là "không thể tránh khỏi", nếu một chính phủ mới không được thành lập. Tuyên bố này có vẻ như ông Yatsenyuk đã “hy sinh” sự nghiệp chính trị vì cục diện chung. Bản thân ông Yatsenyuk nhận ra cuộc khủng hoảng chính trị đã khiến chính phủ bị tê liệt. Kế hoạch giải quyết khủng hoảng mà ông đưa ra không được chấp thuận.

Thế nhưng, thực chất không hẳn vậy. Sau gần 2 năm nhậm chức, ông Yatsenyuk phải chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình ngày càng sụt giảm. Hồi tháng 2, chính phủ của Thủ tướng Yatsenyuk “sống sót” khi vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng đó không phải là “chiến thắng” của ông, thậm chí nó còn khiến chính trường Ukraine thêm sôi sục.

Nhiều phe phái trong liên minh cầm quyền đã từ chối làm việc với nội các. Họ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận về việc thành lập liên minh và chính phủ mới bất chấp sự khước từ rời nhiệm sở của ông Yatsenyuk. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn “khó đội trời chung” của Thủ tướng Yatsenyuk và Tổng thống Petro Poroshenko trong mọi vấn đề từ cải cách nội bộ đến vấn đề miền Đông.

Sự chia rẽ và bất ổn khó lường ấy của Kiev đã khiến các nước phương Tây quan ngại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dọa sẽ giữ lại tiền viện trợ nếu chính phủ Ukraine không thực hiện cải cách. Trong bối cảnh như vậy, sự “ra đi” của Thủ tướng Yatsenyuk có lẽ là điều không thể tránh khỏi, chỉ là sớm hay muộn. Tất nhiên, lựa chọn từ chức sớm sẽ sáng suốt hơn việc bị bãi nhiệm.

Ngay sau kế hoạch từ chức của ông Yatsenyuk, một cuộc đua đến chiếc ghế Thủ tướng đã bắt đầu. Cựu Thủ tướng lâm thời Sergei Arbuzov ngay sau đó đã tuyên bố sẵn sàng trở lại nắm chiếc ghế này cùng với các cộng sự cũng như chương trình phục hồi kinh tế của mình. Cuộc đua còn có Chủ tịch quốc hội Volodymyr Groysman, người được Tổng thống Petro Poroshenko ủng hộ để ngồi vào ghế Thủ tướng sắp bị bỏ trống. Dự kiến, trong ngày 12/4, Ukraine sẽ công bố thành lập chính phủ liên minh mới, đồng thời quyết định người kế nhiệm ông Yatsenyuk là ai.

Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groysman, người được Tổng thống Petro Poroshenko ủng hộ ngồi vào ghế Thủ tướng sắp trống. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groysman, người được Tổng thống Petro Poroshenko ủng hộ ngồi vào ghế Thủ tướng sắp trống. Ảnh: Reuters.

Những sóng gió mới

Câu hỏi được đặt ra là sự ra đi của ông Yatsenyuk và việc một chính phủ mới được thành lập có giúp Ukraine trở nên yên ổn? Nhiều nhà phân tích cho rằng, sẽ rất khó. Chính trường Ukraine đã trong tình trạng rối ren từ lâu, các phe phái đã bộc lộ mâu thuẫn, hục hặc, tranh giành quyền lực quyết liệt từ nhiều tháng qua.

Trong bối cảnh đó, những khó khăn về đối nội cũng như đối ngoại của Ukraine chẳng những không được giải quyết mà còn trở nên trầm trọng hơn. Kinh tế tiếp tục khủng hoảng, vùng miền Đông vẫn ở ngoài vòng kiểm soát của Kiev, Liên minh châu Âu và Mỹ đã phát đi những tín hiệu thể hiện sự thất vọng về bảng thành tích màu xám của chính quyền Ukraine.

Bất cứ ai đứng lên chèo lái bộ máy chính phủ sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn mà Ukraine đang hứng chịu. Trước hết là thành lập được một chính phủ liên minh, tập hợp đoàn kết giữa các phe phái, giải quyết những bất ổn dai dẳng ở miền Đông…

Không riêng chính phủ của Thủ tướng Yatsenyuk mà Tổng thống Poroshenko cũng mất uy tín trên chính trường cũng như trong dư luận Ukraine. Đặc biệt, hiện nay Tổng thống Petro Poroshenko đang hứng chịu một cú sốc liên quan tới tài liệu bị rò rỉ Hồ sơ Panama có liên quan tới việc trốn thuế của công ty kẹo của ông từ trước khi ông giữ chức Tổng thống.

Việc ông Poroshenko dính vào các cáo buộc liên quan tới công ty ở nước ngoài đã làm mất đi ảnh hưởng của Khối Poroshenko trong Quốc hội Ukraine, và cả người gánh vác trách nhiệm sắp tới sau khi Thủ tướng Yatseniuk từ chức.

Rõ ràng, việc thay đổi ghế lãnh đạo chính phủ và một số cơ quan khác trong những ngày này không phải là giải pháp căn cơ để thay đổi tình hình. Nhiều người cho rằng, cuộc đấu quyền lực này sẽ chỉ là một “màn trình diễn” để các chủ nợ, các nhà tài trợ phương Tây giám sát và chắc chắn nó diễn ra trong chừng mực mà các chủ nợ đó chấp nhận.

Điều đó cũng có nghĩa việc “thay máu” bộ máy chính phủ chưa chắc sẽ mang đến sự ổn định cho Ukraine. Một nhà phân tích từng ví von: “Thật không khôn ngoan khi đập phá ngay căn nhà của mình mà chưa có nguồn lực để dựng nên căn nhà mới và cũng chưa có bản thiết kế chi tiết thích hợp cho căn nhà trong tương lai. Như thế thì phải đội mưa, phơi nắng là chuyện tất nhiên”.

Thanh Huyền

tin mới

Chiến sĩ Nga kể về việc Ukraine biến bệnh viện tâm thần Kharkov thành cứ điểm

Chiến sĩ Nga kể về việc Ukraine biến bệnh viện tâm thần Kharkov thành cứ điểm

Quân đội Ukraine đã biến tòa nhà của bệnh viện tâm thần khu vực Kharkov ở làng Strelechya thành một cứ điểm và trong quá trình rút lui, chúng đã phá hủy tòa nhà - một tay súng cơ giới của cụm quân phía Bắc với biệt hiệu “Hunter” (Thợ săn), người đã tham gia giải phóng khu định cư này, nói.

Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi?

Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi?

(Baonghean.vn) - Fox News cho rằng, Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi. Theo đó, Nga đang tạo ra sức ảnh hưởng về mặt chính trị, còn Trung Quốc thâm nhập về kinh tế. Đây không chỉ là lời cáo buộc từ các đối thủ chính trị của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mà là thực tế. 

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Belousov mang lại gì cho Nga?

Thay chỉ huy cao nhất của quân đội, Tổng thống Putin tính toán gì?

(Baonghean.vn) - Giới phân tích quân sự cho rằng, việc bổ nhiệm ông Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng là một quyết định “đặc biệt thành công”, bởi ông có tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận phi tiêu chuẩn để giải quyết một loạt các vấn đề phức tạp và cấp bách nhất, nếu muốn giành chiến thắng.

Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc trong các ngày 16 - 17/5

Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc trong các ngày 16 - 17/5

(Baonghean.vn) - Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi tái đắc cử tổng thống Nga, và như Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov nói trước đó, sẽ là "bước đi tương ứng với chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào năm ngoái sau khi ông tái đắc cử".

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh

(Baonghean.vn) - CNN nhận định, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cùng với thông điệp nêu bật sự chia rẽ trong lòng "lục địa già", rằng: bất chấp những mâu thuẫn với phần lớn lục địa, Trung Quốc vẫn thiện cảm ở một số quốc gia châu Âu.