Cô giáo ở Kỳ Sơn được vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc: 'Làm nghề phải chăm lấy nghề'

Mỹ Hà 18/11/2023 07:19

(Baonghean.vn) - Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với cô giáo Trương Thị Lan (SN 1975) - giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn, 1 trong 200 giáo viên tiêu biểu của cả nước năm 2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương.

P.V: Chị là giáo viên người Thái và lớn lên tại huyện Quỳ Hợp. Điều gì khiến chị đến với rẻo cao biên giới Kỳ Sơn và gắn bó với mảnh đất này từ năm 1998 đến nay?

Cô giáo Trương Thị Lan: Năm 1998, tôi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ và sau đó, tôi nghĩ rằng mình là người miền núi thì sẽ lên Kỳ Sơn để phục vụ đồng bào miền núi quê hương mình. Lúc bấy giờ tôi mới 23 tuổi, nên mọi suy nghĩ đơn giản lắm và tin rằng mọi khó khăn,trở ngại do khác biệt về văn hóa, về lối sống mình có thể nhanh chóng hòa hợp được.

Những giờ học của cô giáo Trường Thị Lan luôn tạo sự hứng khởi cho học trò. Ảnh - Đào Thọ.JPG
Cô giáo Trương Thị Lan được vinh danh là Nữ giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Đào Thọ

Năm đầu tiên lên Kỳ Sơn, đường đi còn vất vả lắm, chưa mở rộng như bây giờ và phải 2 đến 3 ngày mới có một chuyến xe. Tuy nhiên, có lẽ bản thân mình cũng sinh ra ở vùng khó nên những trở ngại này chưa từng làm tôi nản chí và quyết tâm ở lại với Kỳ Sơn.

P.V: Những năm 1990, việc một nữ sinh người Thái chọn và theo đuổi ngành sư phạm chắc chắn gặp không ít khó khăn?

Cô giáo Trương Thị Lan: Tôi lớn lên ở xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) trong một gia đình có 5 anh chị em và tôi là con út, là đứa con duy nhất được học hết lớp 12, vào đại học và sau này có nghề nghiệp ổn định.

Trước đó, các anh tôi đều học theo chương trình 10 năm nhưng chỉ học đến lớp 7 (hết cấp II) là nghỉ học. Người dân nơi tôi ở thuần nông, có những người lớn lên chưa bao giờ đi ra khỏi bản nên đều nghĩ, học lên cũng không xin được việc làm. Lứa thanh niên chúng tôi đa phần cũng đều như vậy. Hơn nữa, hoàn cảnh ngày đó, hầu hết các gia đình đang khó khăn nên để chu cấp cho một người con đi học rất vất vả... Bố tôi không học nhiều, nhưng ông là đảng viên nên có tư tưởng tiến bộ, luôn muốn tôi học thật tốt để có cái chữ, cái nghề và hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Để đến được giảng đường đại học, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những năm còn học ở trường làng, nơi tôi ở chưa có điện, nhiều đêm phải thắp đèn dầu để học. Ngày đó, dù mong tôi học tốt nhưng tôi cũng nhận ra được sự nghi ngại của bố mình, có lẽ đôi lúc ông nghĩ việc một đứa con gái ở vùng sâu, vùng xa có thể học lên cao là điều xa vời. Hiểu bố, thương bố nên tôi lại xem đó là động lực để cố gắng học tập.

Những giờ học của cô giáo Trường Thị Lan luôn tạo sự hứng khởi cho học trò. Ảnh - Đào Thọ (2).JPG
Những giờ học của cô giáo Trương Thị Lan luôn tạo sự hứng khởi cho học trò. Ảnh: Đào Thọ

P.V: Sư phạm tiếng Anh cho đến thời điểm này vẫn được nhiều sinh viên lựa chọn vì khá “hot”. Nhưng cách đây hơn 20 năm, việc chọn ngành ngoại ngữ không nhiều, nhất lại là với một học sinh người dân tộc thiểu số. Chị hãy chia sẻ về điều này?

Cô giáo Trương Thị Lan: Ngày ấy, học xong cấp II trường làng, tôi thi đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An và cả xã chỉ có mình tôi về tỉnh học. Đây có lẽ là may mắn của tôi trong chặng đường đầu tiên của mình. Mái trường Dân tộc nội trú để lại cho tôi nhiều kỷ niệm dù ngày ấy còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự quan tâm, sự yêu mến của các thầy cô giáo, chúng tôi đã trưởng thành.

Bản thân tôi, trước đây từng nghĩ mình nên theo ngành Y cho đúng nguyện vọng của gia đình, rồi lại nghĩ nên theo ngành Tài chính – Kế toán. Nhưng rồi, tôi lại chọn sư phạm bởi tôi chịu ảnh hưởng từ cô giáo của mình, đó là cô giáo dạy tiếng Nga tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Tôi vốn học tiếng Nga. Đến khi đăng ký vào trường sư phạm cũng chỉ đăng ký chung chung là vào ngành Ngoại ngữ. Vậy nhưng, giấy báo về lại là Sư phạm tiếng Anh. Tôi gắn bó với nghề dạy môn tiếng Anh từ cái duyên như vậy.

Những ngày mới đi học có nhiều bỡ ngỡ vì mình chưa biết chữ nào tiếng Anh. Như từ nỗ lực lớn, đến năm cuối thì tôi là một trong những sinh viên học khá của lớp để đi thi sinh viên tiếng Anh giỏi của khoa.

bna_Cô giáo Trương Thị Lan và các học trò. 3. Ảnh - Đào Thọ.jpg
Cô giáo Trương Thị Lan và các học trò. Ảnh: Đào Thọ

P.V: Tiếng Anh là môn học không dễ dàng với học sinh Nghệ An, nhất là ở các huyện miền núi cao và nó vẫn còn khó cho đến thời điểm này. Vậy, 25 năm trước khi lần đầu lên với Kỳ Sơn và dạy môn tiếng Anh, việc dạy và học hẳn còn gian nan hơn nhiều?

Cô giáo Trương Thị Lan: Tôi có một người bạn thân đã từng dạy ở Kỳ Sơn và trước khi tôi lên đây dạy học, bạn ấy đã nhắn tôi rằng, trên này khó khăn, vất vả lắm. Thực tế, lần đầu lên nhận công tác cũng là lần đầu tiên tôi lên Kỳ Sơn. Thời điểm đó, trước tôi có một giáo viên tiếng Anh ở miền xuôi lên tăng cường nhưng chỉ ở một thời gian ngắn rồi về.

Trường chúng tôi khi đó gồm cả trường cấp II và cấp III và tôi được giao chủ nhiệm lớp 6B. Trong năm đầu tiên tôi dạy học, nhà trường đang tạm dừng dạy tiếng Anh nên tôi được phân công chuyển sang dạy môn Giáo dục công dân, rất khó khăn...

bna_Cô giáo.jpg
Việc dạy học tiếng Anh với học sinh vùng cao gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Thọ

Nhiều người đã hỏi tôi, trước những khó khăn ấy, đã khi nào tôi muốn quay về quê chẳng hạn. Nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ vậy cả. Tôi muốn ở đây để được khám phá, được trải nghiệm và đơn thuần hơn cả đó là muốn được đi dạy, được làm giáo viên.

Tôi cũng có tình cảm đặc biệt với học sinh ở đây. Các em đa phần là người dân tộc thiểu số nên việc truyền tải tiếng Anh cần một quá trình, có những em nói tiếng phổ thông còn chưa sõi.

Ngày mới làm quen với môn tiếng Anh, có những tiết học, nghe cô giáo đọc tiếng Anh, các em còn cười vang vì thấy lạ quá. Những lúc ấy, tôi nghĩ khó khăn sẽ đến với mình vì mình đang là người truyền tải kiến thức, nhưng các em lại không sẵn sàng tiếp thu kiến thức mà giáo viên truyền tải.

Để các em hiểu được môn học, tôi luôn cố gắng nói rằng, nếu các em làm quen với môn học mới, các em sẽ yêu thích. Tôi cũng không tạo áp lực cho học trò mà còn động viên các em, khuyên các em nếu nói tiếng phổ thông tốt thì sau này cũng sẽ nói được tiếng Anh thuận lợi.

Có thể, việc dạy tiếng Anh ở các trường miền xuôi, ở các vùng thuận lợi, sẽ có nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng ở trường chúng tôi từ nhiều năm nay đã kiên trì với việc lấy học sinh làm trung tâm và dạy học sinh sao cho đúng đối tượng và kết quả chính là sự tiến bộ của học trò... Sau 4 năm về trường, tôi đã có học sinh đạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Dù đây là kết quả rất khiêm tốn nhưng là quả ngọt để cả cô và trò cùng cố gắng.

P.V: Ngoài đảm nhiệm bộ môn tiếng Anh, chị còn là Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Ở một ngôi trường vùng khó, hẳn các chị có rất nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực?

Cô giáo Trương Thị Lan: Là một trường THPT có hơn 90% là học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng đầu vào rất thấp, do vậy, để đảm bảo kiến thức cho các em vững vàng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng năm trường chúng tôi luôn xây dựng các biện pháp phù hợp nhằm bổ trợ kiến thức cho các em thông qua các buổi phụ đạo miễn phí.

Thường bắt đầu, từ tháng 3 đến khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tôi và các đồng nghiệp đã phối hợp với các tổ chuyên môn tổ chức các buổi học đêm miễn phí cho học sinh khối 12. Công đoàn nhà trường cũng đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức liên tục 7 năm chương trình “Đồng hành cùng các sĩ tử” bằng các bữa cơm miễn phí cho thí sinh và người nhà dự thi.

bna_Giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh vào các buổi tối. Ảnh - NTCC.jpg
Giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh vào các buổi tối. Ảnh: Đào Thọ

Ngoài ra, chúng tôi còn nhiều hoạt động khác như Đền ơn đáp nghĩa; các hoạt động xã hội, tương thân, tương ái trong cán bộ, nhà giáo, lao động thông qua các chương trình “Mái ấm công đoàn”, “Hỗ trợ đoàn viên công đoàn và học sinh khó khăn”...

P.V: Năm nay, chị là một trong ít giáo viên trên cả nước được Công đoàn ngành Giáo dục chọn và tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Với chị, điều này có ý nghĩa như thế nào?

Cô giáo Trương Thị Lan: Tôi nghĩ đó là một sự ưu ái dành cho mình và cả niềm vinh dự, vì giữa hàng nghìn đoàn viên công đoàn trên cả nước những việc mà mình đã làm được còn thật sự nhỏ bé và mình làm được, người khác cũng có thể làm được.

Giải thưởng đối với tôi là động lực trong chặng đường sắp tới và là món quà rất lớn không chỉ cho cá nhân, cho gia đình và cho cả nhà trường. Giải thưởng cũng là sự ghi nhận cho tôi sau gần 30 năm gắn bó với nghề. Người giáo viên là người truyền đạt tri thức cho học sinh và đến nay bằng suy nghĩ, bằng tâm huyết của mình, tôi đã góp được một phần nhỏ cho các học trò.

Cô giáo Trương Thị Lan và các học trò. Ảnh - Đào Thọ.JPG
Cô giáo Trương Thị Lan là giáo viên đầu tiên ở Trường THPT Kỳ Sơn được công nhận Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Đào Thọ

Trong nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, tôi cũng không đặt mục tiêu cho giải thưởng này hay giải thưởng kia. Với tôi, đã làm nghề thì phải chăm lấy nghề, tâm huyết với nghề. Người giáo viên đối với học trò phải vừa là cô giáo, vừa là mẹ, người chị, người thân trong gia đình. Ngoài dạy kiến thức, người giáo viên còn phải dạy cho các em kỹ năng trong cuộc sống, phải biết chia sẻ, đồng cảm với học trò, nhất là với học sinh vùng cao. Khi các em gần với giáo viên, các em sẽ thấy như ở nhà và khi đó các em sẽ thực sự xem trường học là ngôi nhà thứ hai của mình.

P.V: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Mới nhất
x
x
Cô giáo ở Kỳ Sơn được vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc: 'Làm nghề phải chăm lấy nghề'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO