Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: “Không để những thế lực xấu lợi dụng lòng yêu nước của cử tri“
(Baonghean.vn) - Đó là những gửi gắm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu tới cử tri, khi trao đổi những nội dung liên quan đến Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Sơn, huyện Đô Lương.
Sáng 20/6, các đại biểu Quốc hội: Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh có buổi tiếp xúc với cử tri xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Mỹ Nga |
Thay mặt Đoàn ĐBQH, ông Lê Quang Huy thông tin đến cử tri kết quả của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV từ ngày 21/5 đến 14/6, và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2018.
Kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 7 dự án luật, 7 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án Luật khác.
Đại biểu Lê Quang Huy cũng thông báo, các kiến nghị của cử tri huyện Đô Lương đối với đoàn ĐBQH đã được chuyển đến các cơ quan chức năng, các ngành liên quan xem xét xử lý.
Đại biểu Lê Quang Huy thông tin đến cử tri kết quả của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cũng như hoạt động của đoàn ĐBQH Nghệ An tại kỳ họp. Ảnh: Mỹ Nga |
Tại hội nghị tiếp xúc, cử tri Đô Lương đã kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào các nội dung như: Những quy định về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật Phòng chống tham nhũng; chế độ trợ cấp cho các tổ chức chính trị xã hội cấp xã; tình hình bảo vệ chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển, đảo; những vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai; tình trạng dôi dư cán bộ cấp thôn, xóm sau khi sáp nhập khối, xóm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6; chế độ cho các giáo viên cấp mầm non; chế độ chính sách cho người có công; chấn chỉnh lại quy trình quản lý rừng, cũng như nâng cao chất lượng lực lượng ngành lâm nghiệp, để “rừng không bị chảy máu”...
Cử tri Đào Quốc Quỳnh bày tỏ sự đồng tình với báo cáo về chương trình kỳ họp Quốc hội, đồng thời kiến nghị các vấn đề quan tâm. Theo cử tri, người nông dân ở những vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong vấn đề tìm đầu ra cho nông sản. Do đó, cử tri mong muốn các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa, nhất là hỗ trợ về giá, giống, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Liên quan đến Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cử tri Nguyễn Công Thắng mong muốn với tư cách là cơ quan lập pháp cao nhất, Quốc hội cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó, cử tri còn bày tỏ sự lo lắng về tệ nạn buôn bán trái phép chất ma túy, cần đưa ra biện pháp mạnh, triệt tiêu những hành vi buôn bán, cũng như tuyên truyền đến người dân về “cái chết trắng”.
Cử tri Đô Lương tích cực tham gia kiến nghị tới các ĐBQH. Ảnh: Mỹ Nga |
Cử tri Nguyễn Tất Tình phản ánh hiện tại việc thành lập hội quá nhiều, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Cử tri đề nghị nên giảm cấp phó của các hội.
Cử tri Thái Khắc Thăng cho hay, Quốc hội đã đề ra nhiều Nghị quyết, chủ trương chính sách, nhưng trên thực tế, hiệu quả vận hành tại cơ sở chưa cao. Cử tri kiến nghị, song hành với phương thức đánh giá niềm tin của người dân, thì Quốc hội nên đánh giá nhận thức của cử tri đối với những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, đưa ra những giải pháp để người dân hiểu sâu và tiếp cận được, đẩy nhanh việc đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp giải trình những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trực tiếp giải trình các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Mỹ Nga |
Chia sẻ lo ngại của cử tri về những thông tin Quốc hội cho thuê đất 99 năm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu khẳng định, đây là những thông tin ngụy tạo, giả dối để kích động vào lòng tin, lòng yêu nước của người dân Việt Nam. “Từng tấc đất của quốc gia là bất khả xâm phạm” - đại biểu nhấn mạnh.
Về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, trên thế giới đã có nhiều nước ban hành như: Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, và xu hướng của nhiều nước là tiếp tục xây dựng nhiều đặc khu để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có 6 chương, 85 điều, tập trung vào 3 nội dung chính: quy hoạch, xây dựng thể chế chính sách ưu đãi và xây dựng thể chế chính trị.
Đại biểu đề nghị, cử tri phải tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, ngọn nguồn của Luật nhằm không để các thế lực xấu lợi dụng, và mong muốn cử tri ủng hộ xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo bước đột phá về mặt thể chế, tạo động lực cho kinh tế đất nước đi nhanh hơn, mạnh hơn. Đặc biệt, sắp tới, toàn bộ nội dung của Luật này sẽ được công khai rộng rãi, để cử tri có thể đóng góp những ý kiến tâm huyết.
Về Luật Phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, tham nhũng là quốc nạn. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đang vào cuộc quyết liệt, khẳng định không có vùng cấm. Tất cả những đối tượng tham nhũng sẽ được đưa ra ánh sáng, và xử lý nghiêm minh.
Ghi nhận về những kiến nghị của cử tri về việc các điều luật chưa được người dân hiểu sâu và rõ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, đây là một thực trạng phổ biến bởi trong khi luật có khối lượng lớn nhưng các ban, ngành chưa tuyên truyền kịp thời, đầy đủ. Đại biểu tiếp thu và phản ánh đến Quốc hội trong những kỳ họp sau.