Xây dựng Đảng

Để thành Vinh xứng tầm cực tăng trưởng Bắc Trung bộ Kỳ 2: “Bức bối” không gian phát triển

Linh Mạnh 31/12/2024 17:00

Cả thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò đều cảm nhận rõ sự “bức bối” không gian, trở thành điểm yếu dẫn đến khó thu hút các dự án lớn, có tính động lực để tạo bước đột phá phát triển.

ky 2
2

Bước vào thời kỳ Đổi mới của đất nước, Vinh phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, với không gian đô thị hạn chế, chỉ gần 105km2, thành phố rất khó để gánh vác sứ mệnh không chỉ là thủ phủ của tỉnh, mà còn là trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ. Còn Cửa Lò, sau 30 năm thành lập, với diện tích vỏn vẹn chưa đầy 30km2, đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước là “thị xã nhỏ nhất Việt Nam trong tỉnh rộng nhất nước”. Cả thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò đều cảm nhận rõ sự “bức bối” không gian, trở thành điểm yếu dẫn đến khó thu hút các dự án lớn, có tính động lực để tạo bước đột phá phát triển.

“Chiếc áo quá chật”

Tháng 9/2013, tức là chỉ sau 2 tháng Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, ông Võ Viết Thanh khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được điều động, luân chuyển về giữ chức Bí thư Thành ủy Vinh. Trong hơn 6 năm là người đứng đầu Đảng bộ địa phương quan trọng bậc nhất của cả tỉnh trước khi nghỉ hưu vào năm 2019, ông là người trực tiếp lãnh đạo thực hiện nhiều chiến lược, định hướng cho sự phát triển của đô thị Vinh nhằm thực hiện tầm nhìn của Trung ương, tỉnh đối với thành phố.

Cum 1.2
Không gian đô thị Vinh đã chật hẹp, trở thành “chiếc áo quá chật” hạn chế sự phát triển. Ảnh: Thành Duy

Nhìn lại lịch sử thành phố Vinh, có thể thấy Trung ương và tỉnh đều đặt rất nhiều kỳ vọng, thể hiện qua việc sớm vạch định hướng phát triển. Kết luận số 20-KL/TW của Bộ Chính trị khoá IX vào năm 2003 về một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2005 và năm 2010 đã đề cập đến sự phát triển thành phố Vinh. Tiếp đó, ngày 30/9/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Đặc biệt, vào năm 2013, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 20-KL/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng với kỳ vọng mở ra đường hướng cho Nghệ An và cả thành phố Vinh.

Lần đầu tiên, một Nghị quyết của Bộ Chính trị chỉ rõ xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ trên 10 lĩnh vực gồm: tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo và cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Trên cơ sở Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 phê chuẩn Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với phạm vi quy hoạch lên đến 250km2, tức là lớn gấp hơn 2,3 lần diện tích thành phố Vinh lúc đó; bao gồm toàn bộ thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và một phần của các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Thành phố Vinh được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh Nghệ An; đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ; có quy mô dân số đạt gần 1 triệu người vào năm 2030.

bna_img_8282-2cae410050698e791e430de52f2f09d1.jpg
Ông Võ Viết Thanh – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh giai đoạn 2013 - 2019 trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

“Được Bộ Chính trị giao sứ mệnh trở thành trung tâm khu vực nhưng Vinh dù là đô thị loại I song lại đang mặc một chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh và cần phải lớn nhanh hơn nữa. Do đó, việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị là rất cấp thiết”, ông Võ Viết Thanh trao đổi với chúng tôi trong không gian quán cà phê nhỏ, phía sau là những bức ảnh về khu Quang Trung, thành phố Vinh những năm 80 của thế kỷ trước và cho biết thêm rằng: Việc lập quy hoạch được thực hiện bởi tư vấn của nước ngoài đảm bảo khoa học, bền vững, xứng tầm.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt ban hành 2 quyết định phê duyệt Đề án phát triển Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Đó là Quyết định số 2468/QĐ-TTg vào năm 2015, có hiệu lực đến năm 2020; sau tiếp nối bằng Quyết định số 827/QĐ- TTg vào năm 2020, có hiệu lực thực hiện đến năm 2023.

Như vậy, đến nay, trải qua hơn 2 thập kỷ, với một Kết luận, một Nghị quyết của Bộ Chính trị và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Vinh đều được xác định là đô thị có vai trò rất quan trọng không chỉ của Nghệ An mà còn của khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, kết quả đạt được của thành phố Vinh chưa như kỳ vọng, ngoài các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính đã định hình thành trung tâm khu vực, thì đô thị lớn nhất Nghệ An vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để xứng tầm đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An nhìn nhận: Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, vai trò, sứ mệnh vùng của Vinh chưa rõ; chưa định hình chức năng vùng của đô thị trung tâm, trình độ hiện đại hóa chưa đáp ứng vai trò “hội tụ, dẫn dắt, lan tỏa” phát triển vùng; vai “thủ phủ tỉnh” trội hơn vai “trung tâm vùng”. Theo ông, một trong những điểm yếu của thành phố Vinh chính là địa giới hành chính quá nhỏ hẹp, tạo nên “bức bối” không gian phát triển, dẫn đến chưa thu hút được các dự án lớn, có tính động lực để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cum 3.2
Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh luôn dành quan tâm rất lớn đến sự cần thiết mở rộng địa giới hành chính của thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

Đồng nhất với ý kiến trên, lãnh đạo tỉnh, thành phố cũng nhận thấy rằng, việc thu hút đầu tư vào thành phố rất khó khăn do không gian hạn chế, không đáp ứng được mặt bằng cho các dự án lớn. “Hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thiếu nguồn lực, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phù hợp, không gian phát triển chậm được mở rộng để thành phố phát triển xứng tầm với vai trò là đầu tàu hội nhập, tiên phong phát triển và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu của khu vực”, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vinh Phan Đức Đồng nhìn nhận tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vào ngày 16/9/2023.

Kể từ năm 1963 đến năm 2008, đô thị Vinh trải qua 7 lần sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có 2 lần mở rộng địa giới hành chính với việc sáp nhập thêm một số xã của các huyện: Hưng Nguyên và Nghi Lộc để mở rộng diện tích từ lớn hơn gấp khoảng 10 lần, đạt gần 105km2.

Cụ thể, năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 148/CP thành lập thành phố Vinh. Năm 1970, chuyển các xã: Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Đông, Hưng Vĩnh, Vinh Hưng và Vinh Tân thuộc huyện Hưng Nguyên; xã Nghi Phú thuộc huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh quản lý.

Năm 1975, Vinh là tỉnh lỵ tỉnh Nghệ Tĩnh, gồm 5 phường: Hồng Sơn, Lê Mao, Quang Trung I, Quang Trung II, Trung Đô và 10 xã: Hưng Bình, Hưng Đông, Hưng Dũng, Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Thủy, Hưng Vĩnh, Nghi Phú, Vinh Hưng, Vinh Tân.

Năm 1979, giải thể 3 xã Hưng Bình, Hưng Thủy, Vinh Hưng để thành lập 9 phường: Cửa Bắc, Tân Vinh, Hưng Bình, Lê Lợi, Cầu Cảng, Bến Thủy, Trường Thi, Đội Cung, Cửa Nam; hợp nhất 2 xã Hưng Vĩnh và Hưng Đông thành xã Đông Vĩnh.

Năm 1982, hợp nhất phường Quang Trung I vào phường Quang Trung II thành phường Quang Trung; sáp nhập phường Tân Vinh vào phường Lê Mao; tách phường Hưng Bình thành 2 phường: Hưng Bình và Hà Huy Tập.

Ngày 13/8/1993, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận thành phố Vinh là đô thị loại II. Năm 1994, chia xã Đông Vĩnh thành phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông; sáp nhập phường Cửa Bắc vào phường Cửa Nam; sáp nhập phường Cầu Cảng vào phường Bến Thủy; chuyển xã Hưng Dũng thành phường Hưng Dũng.

Ngày 23/3/2005, thành lập các phường: Hưng Phúc, Quán Bàu. Năm 2008, thành phố Vinh được mở rộng thêm trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Nghi Kim, Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Ân thuộc huyện Nghi Lộc và xã Hưng Chính, một phần xã Hưng Thịnh thuộc huyện Hưng Nguyên; chuyển xã Vinh Tân thành phường Vinh Tân.

Ngày 5/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thành phố Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An. Thành phố Vinh hoạt động ổn định từ đó với 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 phường: Bến Thủy, Cửa Nam, Đội Cung, Đông Vĩnh, Hà Huy Tập, Hồng Sơn, Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Phúc, Lê Lợi, Lê Mao, Quán Bàu, Quang Trung, Trung Đô, Trường Thi, Vinh Tân và 9 xã: Hưng Chính, Hưng Đông, Hưng Hòa, Hưng Lộc, Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Phú.

Thị xã nhỏ nhất Việt Nam

Những ngày cuối năm, trước thềm Lễ công bố sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh, chúng tôi gặp ông Lê Trường Danh - nguyên Bí thư Thị ủy đầu tiên của thị xã biển. Ông kể: Năm 1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương phát triển ngành kinh tế mới, đó là du lịch. Tỉnh đã thành lập Ban Quy hoạch thị xã Cửa Lò do ông Phạm Văn Huân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ông Danh lúc đó đang là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghi Lộc được tỉnh điều động làm Phó Trưởng ban Thường trực.

bna_img_6899.jpg
Ông Lê Trường Danh - nguyên Bí thư Thị ủy đầu tiên của thị xã biển Cửa Lò trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Nhận nhiệm vụ lịch sử được tỉnh giao, lãnh đạo ban và thành viên đại diện các sở, ngành đã bắt tay phác thảo nên hình hài của một thị xã biển của tỉnh Nghệ An với hạt nhân là thị trấn Cửa Lò thuộc huyện Nghi Lộc và một số xã lân cận. Ngày 29/8/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định số 113-CP của Chính phủ thành lập thị xã Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An với 5 phường, 2 xã trên cơ sở thị trấn Cửa Lò và các xã Nghi Thu, Nghi Hưng, Nghi Hoà, Nghi Hải và một phần của xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Ngày 15/9/1994 ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã lâm thời và công bố các quyết định công tác cán bộ, ông Lê Trường Danh được chỉ định giữ chức Bí thư Thị ủy Cửa Lò. Tháng 10/1994 ra mắt UBND thị xã Cửa Lò, đồng chí Phạm Văn Thìn được bầu làm Chủ tịch UBND thị xã. Từ ngày 1/10/1994, bộ máy hệ thống chính trị thị xã bắt đầu đi vào hoạt động.

Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên, ông Danh nói Cửa Lò đối mặt với muôn vàn thách thức: Trụ sở phải đi thuê, đi mượn; cả thị xã chỉ có một con đường độc đạo rộng 3m, dài 6km nối Cửa Hội đến Cửa Lò là đường Bình Minh ngày nay; còn lại toàn đường đất cát, cán bộ đi làm phải gửi xe gần cơ quan chứ không thể đạp về nhà vì cát lún. Cơ sở vật chất gần như chưa có gì, các xã hầu như tranh tre nứa lá, trình độ dân trí thấp. Toàn thị xã còn khoảng 400 người trong độ tuổi lao động mù chữ; kinh tế thuần nông, thuần ngư nhưng nông nghiệp năng suất thấp, ngư nghiệp chỉ đánh bắt ven bờ, chưa vươn khơi.

Bắt đầu từ công tác quy hoạch, thị xã vẽ đô thị theo ô bàn cờ rất bài bản với 3 đường chính chạy song song, mỗi đường cách nhau 300m, tuyến sát biển nhất là đường Bình Minh hiện nay và 25 đường ngang từ Cửa Lò đến Cửa Hội. Dọc bãi biển cũng không cho phép hình thành các ốt buôn bán mà sẽ bố trí phía Tây đường Bình Minh. Độ cao các công trình xây dựng cũng được yêu cầu cao dần theo hình “mái nhà”, tức là thấp ở phía trước gần biển và cao dần ở phía sau để tránh tạo “bức tường” chắn gió từ biển vào và cũng là cách để đảm bảo các khách sạn ở những lối sau đều nhìn thấy biển.

Để từng bước đưa Cửa Lò phát triển, lãnh đạo thị xã Cửa Lò lúc bấy giờ xác định: Phát triển hạ tầng, phát triển dịch vụ du lịch và ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, nâng cao trình độ dân trí thông qua việc xây trường học, chăm lo đội ngũ giáo viên. Đồng thời, thị xã phối hợp với bộ đội biên phòng xóa mù chữ cho người dân. Trên lĩnh vực kinh tế, khi Nhà nước có chủ trương đánh bắt xa bờ, thị xã đã tập trung đầu tư cho Nghi Thủy và Nghi Tân 2 tàu; cùng với đó, phát triển dịch vụ du lịch để nâng cao đời sống của người dân.

Thời gian đầu kiến thiết, thị xã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh. Năm 1995, giữa bộn bề khó khăn, Cửa Lò vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về thăm, làm việc; còn tỉnh thì thông qua các cơ chế, chính sách như để lại 100% tiền đấu giá đất để thị xã đầu tư xây dựng hạ tầng.

Gắn bó những năm đầu khó khăn nhất khi thành lập thị xã trước khi chuyển lên tỉnh công tác, rồi quay trở lại thị xã biển sinh sống lúc về hưu, gần như chứng kiến hành trình 30 năm đổi thay của Cửa Lò, ông Danh phấn khởi trước sự phát triển vượt bậc, từ một thị trấn nhỏ trở thành thị xã biển đầu tiên của Nghệ An, từ những đụn cát hoang sơ vươn mình mạnh mẽ và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước.

Cum 5.2
Sau 30 năm, Cửa Lò có hạ tầng tương đối đồng bộ, là trung tâm thu hút khách du lịch của Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Đạo

Nhưng xen lẫn còn đó những điều nuối tiếc, khi nhiều ý tưởng quy hoạch ban đầu không thực hiện được; đặc biệt, Cửa Lò nhẽ ra phải rộng hơn để có không gian phát triển, chứ không chỉ dừng lại ở quy mô như ba thập kỷ qua. Ông Lê Trường Danh cho biết: Lúc lập đề án thành lập thị xã, Ban Quy hoạch tỉnh không chỉ dừng lại ở 7 phường mà còn mở rộng thêm một số địa phương khác của Nghi Lộc nhưng vì để đảm bảo tiêu chí đô thị nên quá trình duyệt ở Trung ương phải giảm lại. Lần khác, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm, làm việc đã cho chủ trương mở rộng địa giới hành chính thị xã nhưng sau vì nhiều lý do nên không hiện thực hóa được. Do quỹ đất ít nên càng về sau, Cửa Lò càng khó thu hút được các dự án lớn để phát triển.

0f379bdb8461393f6070.jpg
Nguồn: Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2022 của Văn phòng Chính phủ sau chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nghệ An trong các ngày 23,24/7/2022.
Để thành Vinh xứng tầm cực tăng trưởng Bắc Trung bộ Kỳ 2: “Bức bối” không gian phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO