Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Quỳ Châu
(Baonghean.vn) - Khảo sát việc thực hiện chính sách phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Quỳ Châu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và kịp thời phát hiện, can thiệp và xử lý kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình; đồng thời quan tâm giúp đỡ, bảo vệ các nạn nhân bạo lực gia đình, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em.
Tiếp tục chương trình khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, chiều 28/7, Đoàn đại biểu Quốc hội đã trực tiếp khảo sát tại xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Bà Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng tham gia có đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và Sở Văn hoá - Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Khảo sát trực tiếp tại xã Châu Thuận và qua báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng hương ước, quy ước làng bản gắn với cam kết thực hiện bình đẳng giới; thông qua sinh hoạt các câu lạc trong cộng đồng dân cư.
Tại xã Châu Thuận đã thành lập và duy trì hoạt động 4 câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình tại 4 thôn; tổ chức tuyên truyền trong các trường học về phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tìm hiểu về một số khó khăn trong việc nhận diện các hành vi bạo lực gia đình. Ảnh: Mai Hoa |
Xã Châu Thuận nói riêng và huyện Quỳ Châu nói chung cũng đã phát huy tốt vai trò các tổ hoà giải, các tổ tự quản và đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở khối, xóm, thôn, bản trong phát hiện và vào cuộc hoà giải các mâu thuẫn, các hành vi bạo lực gia đình tại từng địa bàn dân cư.
Theo số liệu tổng hợp, trong 3 năm 2019 - 2021, toàn huyện Quỳ Châu có 12 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 2 vụ bị xử lý hành chính.
Bà Lục Thị Liên - Phó trưởng ban Văn hoá và Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm cách thức tiếp cận, giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình. Ảnh: Mai Hoa |
Tuy nhiên, qua trao đổi thẳng thắn từ chính quyền huyện và xã, việc nhận diện các hành vi bạo lực gia đình còn có những khó khăn, một mặt do tâm lý “đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ ai” cũng gây khó khăn trong việc nắm bắt được con số thực về bạo lực gia đình trên địa bàn.
Đây là những yếu tố làm ảnh hưởng đến việc ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực gia đình ở một số địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa…
Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu nêu một số thực tiễn trong phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng với đó là một số tư tưởng, nếp nghĩ mang tính nội bộ gia đình; tư tưởng bất bình đẳng giới và một số tệ nạn xã hội… cũng tác động ảnh hưởng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bạo lực gia đình, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.
Quan tâm các nạn nhân bị bạo lực gia đình
Trên cơ sở khảo sát, bà Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận sự quan tâm của xã Châu Thuận và huyện Quỳ Châu đối với việc triển khai chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bà Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện Quỳ Châu và xã Châu Thuận quan tâm các nạn nhân bạo lực gia đình. Ảnh: Mai Hoa |
Chia sẻ một số khó khăn đang đặt ra liên quan đến nhận thức, về con người, về kinh phí; Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần quan tâm lấy phòng ngừa là chính, cho nên đề nghị huyện Quỳ Châu và xã Châu Thuận tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi mỗi thành viên trong xã hội. Nếu có hành vi bạo lực gia đình thì kịp thời phát hiện, can thiệp và xử lý kịp thời; đồng thời quan tâm giúp đỡ, bảo vệ các nạn nhận bạo lực gia đình, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng mong muốn huyện Quỳ Châu và xã Châu Thuận tiếp tục nghiên cứu, góp ý kiến vào dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp và tham gia vào quá trình xây dựng luật của Quốc hội trong thời gian tới.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tìm hiểu hiệu quả hoạt động câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại bản. Ảnh: Mai Hoa |