Dự án treo, chậm tiến độ: Cần kiên quyết xử lý

Mai Hoa 13/07/2022 14:23

(Baonghean.vn) - Công tác thu hút đầu tư thời gian qua trên địa bàn Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều dự án được thu hút; trong đó có nhiều chủ đầu tư, dự án lớn mang tính động lực, dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chưa phát huy hiệu quả, treo, chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.

1. Hệ lụy đối với sự phát triển

Dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn tỉnh đã, đang để lại nhiều hệ lụy đối với sự phát triển chung của tỉnh, mỗi địa phương và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.

THI CÔNG “BÔI TRÉT” Ở VỊ TRÍ “VÀNG”

Cùng tham gia nhiều diễn đàn tiếp xúc cử tri, chúng tôi (PV) ghi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri từ kỳ này sang kỳ khác; kiến nghị từ đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Trọng Huệ - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Cửa Lò nêu tâm tư: Người dân bức xúc về tình trạng dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích và phản ánh liên tục, nhiều lần đến các cấp, nhưng đến nay vẫn chưa có gì chuyển biến, dự án bỏ hoang, dự án thi công “bôi trét” dang dở vẫn đang tồn tại ở những vị trí đất “vàng” của thị xã, gây nhếch nhác cho bộ mặt đô thị biển. Điều này dẫn đến sự hoài nghi, giảm sút lòng tin trong Nhân dân!

Dự án Tổ hợp sân Golf, khách sạn và biệt thự Cửa Lò vẫn chỉ là bãi đất trống. Ảnh: Thành Cường - Mai Hoa

Ông Nguyễn Trọng Huệ cũng cho rằng: Bức xúc nhất của người dân là các dự án có quy mô diện tích lớn, thu hồi đất sản xuất của người dân, thậm chí là cưỡng chế để thực hiện dự án vì mục tiêu phát triển của thị xã, nhưng đến nay, thực tế có nhiều dự án vẫn còn bỏ hoang diện tích khá lớn, trong khi người dân không có đất sản xuất. Điển hình như Dự án Tổ hợp sân Golf, khách sạn và biệt thự Cửa Lò (hơn 130 ha); Dự án Trường Đại học Vạn Xuân (50 ha); Dự án Hồng Thái Ship (15 ha) sau hơn 20 năm triển khai, thay đổi qua mấy chủ đầu tư cũng chưa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ở địa bàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, cử tri Bùi Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã cũng phản ánh có quy hoạch xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò kéo dài 12 năm và quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái Hải Thịnh được giải phóng mặt bằng 14 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được đầu tư, xây dựng; ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cuộc sống của người dân liên quan đến việc xây dựng nhà cửa. Đất bỏ hoang hóa, nhưng người dân muốn có đất để đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế, dịch vụ lại không có.

Ở thành phố Vinh, ông Nguyễn Xuân Toàn - Chủ tịch UBND phường Quán Bàu cũng thông tin, trên địa bàn phường có 10 dự án chậm tiến độ, trong đó có những dự án bỏ hoang kéo dài năm này qua năm khác, trở thành bãi rác thải, gây nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.

Liên quan đến dự án treo, dự án chậm tiến độ, chính quyền nhiều địa phương, đặc biệt là thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò cũng đã nhiều lần kiến nghị tỉnh kiểm tra, quyết liệt xử lý các dự án không đủ điều kiện triển khai nhằm tạo động lực phát triển cho các địa phương thông qua thu hút các nhà đầu tư mới có năng lực, tạo ra nguồn lực xã hội, đồng thời khắc phục sự cản trở phát triển đô thị do các dự án treo bỏ hoang, dự án chậm tiến độ triển khai dang dở.

Toàn cảnh dự án Khu đô thị Dầu khí Nghệ An tại phường Vinh Tân (thành phố Vinh). Ảnh: Thành Cường

Từ bức xúc của cử tri, Nhân dân và kiến nghị, đề xuất của một số địa phương, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh để đánh giá tổng thể bức tranh dự án treo, dự án chậm tiến độ, trên cơ sở đó tìm giải pháp xử lý hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2021, Nghệ An thu hút tổng 739 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 107.000 tỷ đồng và diện tích sử dụng đất khoảng 48.500 ha.

DỰ ÁN “TREO” CẢ THỜI GIAN GIA HẠN

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến năm 2019, UBND tỉnh đã thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Riêng 2 năm 2020-2021, do dịch Covid-19, dù không thành lập các đoàn liên ngành, nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tiến hành rà soát, báo cáo tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ; các dự án quá 12 tháng chưa triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành thủ tục đất đai để triển khai xây dựng; các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/lựa chọn địa điểm/phê duyệt quy hoạch nhưng đến nay đã quá 2 năm không triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành thủ tục đất đai.

Đến nay Dự án Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân mới thực hiện giai đoạn 1, vi phạm tiến độ giai đoạn 2, được cơ quan chức năng đề nghị thu hồi. Ảnh: Thành Cường

Kết quả kiểm tra, rà soát 489 lượt dự án và tổng dự án được kiểm tra là 391 dự án, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động toàn bộ dự án, thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực các văn bản pháp lý có liên quan đối với 92 dự án (lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã chấm dứt hoạt động 220 dự án với tổng diện tích quy hoạch hơn 120.816ha); gia hạn tiến độ đối với 179 dự án; tiếp tục thực hiện theo tiến độ đã được cho phép đối với 30 dự án; 90 dự án còn lại được xử lý tạm dừng để rà soát lại quy hoạch có liên quan, tạm ngừng thực hiện để xử lý vấn đề môi trường, xử lý tài sản công, hay yêu cầu nhà đầu tư rà soát, báo cáo, hoàn thành nghĩa vụ tài chính…

Trong số 391 dự án được kiểm tra, rà soát thì có 133 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất và 258 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; trong số được giao đất, cho thuê đất có 13 dự án được chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và đã xử lý vi phạm 5 dự án.

Một điều đáng nói và gây bức xúc nhiều trong dư luận Nhân dân lâu nay là nhiều dự án treo, chậm tiến độ, mặc dù đã được gia hạn, thậm chí gia hạn nhiều lần, nhưng khi hết thời gian gia hạn vẫn chưa hoàn thành. Thực tiễn này cũng đã được minh chứng qua số liệu mà UBND tỉnh báo cáo với đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, trong tổng số 179 dự án được gia hạn qua các đợt kiểm tra, rà soát thì có 86 dự án dù hết thời gian gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng.

Dự án Khu DVTM và văn phòng cho thuê tại phường Hưng Dũng từ 1 chủ đầu tư chuyển thành 3 chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Thành Cường

Trong đó, những dự án nằm ở vị trí trung tâm đô thị, như Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC tại số 92, đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, qua 2 lần được kiểm tra và được gia hạn đến ngày 30/11/2019, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành; hay Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (trên Đại lộ Lênin), từ 1 dự án, 1 chủ đầu tư, nay được chuyển nhượng thành 3 dự án, 3 chủ đầu tư và qua 3 lần kiểm tra, hiện vẫn đang 2.606/4.056 m2 chưa được xây dựng.

Hoặc Dự án Văn phòng làm việc và Trung tâm Giới thiệu sản phẩm tại xã Nghi Phú (nằm ở mặt đường Xô viết - Nghệ Tĩnh) qua 3 lần kiểm tra, 3 lần gia hạn và lần gia hạn thời gian gần nhất đây là đến ngày 18/01/2022, nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chỉ mấy cọc trụ bê tông. Các địa phương có nhiều dự án hết thời gian được gia hạn nhưng chưa hoàn thành, như thành phố Vinh 48/83 dự án; thị xã Hoàng Mai 19/24 dự án; huyện Diễn Châu 6/7 dự án...

Một số dự án được giao đất, cho thuê đất sử dụng sai mục đích và vi phạm trật tự xây dựng, như Dự án Khu chung cư cao cấp Lộc Châu tại thị xã Cửa Lò, chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng diện tích đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đất sân vườn, cây xanh công cộng) để xây dựng trung tâm thương mại, đất ở nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; Dự án Công viên Trung tâm thành phố Vinh, chuyển mục đích từ đất công cộng có mục đích kinh doanh sang mục đích thương mại, dịch vụ; Dự án Mở rộng Nhà máy may Xuất khẩu tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất nhưng đã xây dựng một số hạng mục công trình (nhà 1 tầng 248m2 không có trong quy hoạch).

Dự án Văn phòng làm việc và Trung tâm Giới thiệu sản phẩm trên đường Xô viết - Nghệ Tĩnh qua 3 lần gia hạn vẫn đang chậm tiến độ. Ảnh: Mai Hoa

2. Yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng

Dự án treo, dự án chậm tiến độ và sử dụng đất sai mục đích có nhiều nguyên nhân gồm cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì cũng cần có sự phân tích, đánh giá thấu đáo và có giải pháp, thái độ rõ ràng trong xử lý.

NĂNG LỰC CỦA NHÀ ĐẦU TƯ “CÓ VẤN ĐỀ”

Trong quá trình giám sát, thông qua làm việc với các địa phương, các sở, ngành cấp tỉnh và UBND tỉnh, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án treo, dự án chậm tiến độ và khó khăn trong xử lý đối với các dự án này được phân tích làm rõ. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, muốn dự án triển khai nhanh và đúng tiến độ, yếu tố đầu tiên là năng lực của nhà đầu tư, bao gồm năng lực tài chính, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án. Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho rằng, khi nhà đầu tư có năng lực và có quyết tâm làm thì dự án sẽ được triển khai trôi chảy và nhanh hơn. Như Dự án Ecopark tại xã Hưng Hòa với quy mô 200 ha, nhưng trong 1 năm đã giải phóng mặt bằng xong để triển khai.

Tuy nhiên, có một thực tế, theo đồng chí Hồ Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang thiếu cơ sở pháp lý để thẩm định, yêu cầu năng lực của nhà đầu tư. Trong Luật Đầu tư năm 2005, năm 2014, năm 2020 đều không đề cập đến việc thẩm định năng lực tài chính, tiêu chí nào thì đủ năng lực tài chính của chủ đầu tư mà chỉ trong Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, nhà đầu tư chỉ phải chứng minh từ 15% đến 20% vốn chủ sở hữu trong tổng mức đầu tư dự án. Đây là vấn đề khó khăn trong quá trình tham mưu cho tỉnh về quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án trên địa bàn từ sở chuyên môn. Và trong thực tiễn triển khai thời gian qua, việc thẩm định, xác định năng lực tài chính của chủ đầu tư chủ yếu căn cứ vào báo cáo tài chính do chủ đầu tư tự lập và tự chịu trách nhiệm.

Dự án Khu nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở cán bộ, công nhân viên và nâng cấp dây chuyền đóng mới, sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ đầu tư dang dở. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến năng lực điều hành, quản lý, tổ chức triển khai dự án, đồng chí Chu Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, qua kiểm tra các dự án, nhiều chủ đầu tư trình độ quản lý, điều hành yếu và thiếu chuyên nghiệp, chưa có phương án hiệu quả huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, máy móc, thiết bị để triển khai dự án; không lường trước những rủi ro, sự cố xảy ra. Nhiều chủ đầu tư khi kiểm tra nhận thức về các dự án đô thị thì họ chỉ nghĩ là xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện, nước xong là phân lô, bán nền mà không nhận thức đúng trách nhiệm xây dựng hạ tầng xã hội và nhà ở trong đó.

Bên cạnh năng lực của nhà đầu tư, thì công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; thủ tục đấu nối giao thông; điều chỉnh quy hoạch nhiều lần ở nhiều dự án… cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, ý kiến của nhiều ngành cũng cho rằng, quy định thời gian thực hiện dự án đầu tư hiện nay đang áp dụng chung cho tất cả các dự án là chưa phù hợp với thực tế. Theo phản ánh của các ngành, quy định thời gian thực hiện dự án trong vòng 24 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư (Luật Đầu tư) và 24 tháng kể từ ngày giao đất trên thực địa (Luật Đất đai) đối với dự án đơn giản như làm trạm xăng chỉ có vài trăm mét vuông thì thực hiện được, còn dự án đô thị, nhà ở có diện tích hàng chục, hàng trăm héc-ta với nhiều hạng mục đầu tư thì không khả thi, chưa triển khai đã biết là không thể hoàn thành trong khoảng thời gian đó. Mà theo một số ý kiến nêu với đoàn giám sát HĐND tỉnh, quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ nhiều dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa làm đã biết sẽ chậm tiến độ.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát trực tiếp một số dự án chậm tiến độ. Ảnh: Mai Hoa

Quá trình thực hiện giám sát, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến các nguyên nhân mà các sở, ngành cấp tỉnh, các địa phương phân tích, trong đó có năng lực của các chủ đầu tư. “Khi năng lực chủ đầu tư yếu có trách nhiệm của các sở, ngành trong khâu xem xét, thẩm định hồ sơ để chủ đầu tư “yếu” lọt vào” – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh, đồng thời cũng nêu băn khoăn về hiệu quả thực hiện việc ký quỹ đầu tư. Ký quỹ đầu tư theo quy định là biện pháp để chủ đầu tư “xót” tiền mà thực hiện dự án đầu tư, tuy nhiên, vẫn có nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ.

Mặt khác, trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh; giữa các sở, ngành với các địa phương, giữa các sở, ngành với các chủ đầu tư chưa chặt chẽ, hiệu quả trong rà soát, kiểm tra, đốc thúc dự án triển khai cũng như kịp thời và quyết liệt tham mưu tỉnh xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng sai mục đích.

KIÊN QUYẾT ĐỂ TẠO CHUYỂN BIẾN THỰC SỰ

Nhận thức rõ hệ lụy từ dự án treo, dự án chậm tiến độ, thời gian qua, các địa phương, các sở, ngành và UBND tỉnh cũng đã quan tâm rà soát, kiểm tra và xử lý nhiều dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ dự án thu hồi, chấm dứt hoạt động còn thấp. Theo phản ánh của 3 sở được giao làm trưởng các đoàn kiểm tra liên ngành thời gian qua, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, việc xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ hiện nay đang rất khó khăn. Lý do nằm ở chỗ, các quy định của pháp luật về xử lý các dự án chậm tiến độ chưa rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo. Như theo Luật Đầu tư năm 2014 có quy định chấm dứt hoạt động đối với dự án quá 12 tháng không thực hiện; tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2020 đã bỏ quy định này nên để chấm dứt hoạt động dự án trong trường hợp này cần kiểm tra, xử phạt, lập biên bản; trường hợp nhà đầu tư không khắc phục được thì mới chấm dứt hoạt động. Hay còn chồng chéo giữa các quy định, như tại Khoản 4, Điều 41, Luật Đầu tư năm 2020 quy định dự án không được điều chỉnh tiến độ quá 24 tháng so với tiến độ tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu; nhưng tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 lại quy định các dự án chậm tiến độ 24 tháng được gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng. Như vậy, thời gian gia hạn đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai là 48 tháng so với 24 tháng của Luật Đầu tư kể từ ngày chấp nhận chủ trương đầu tư, không tính đến yếu tố dự án đó đã được giao đất, cho thuê đất.

Bìa một số bài viết trên Báo Nghệ An về dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, hầu hết các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân năng lực của nhà đầu tư, trong khi đó, Luật Đầu tư và Luật Đất đai không quy định trường hợp chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất do nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính. Bên cạnh đó, việc xử lý sau thu hồi đối với các dự án mà chủ đầu tư đã chuyển nhượng một phần diện tích đất, hình thành nhà đầu tư thứ cấp hay chuyển nhượng cho người dân làm nhà như Dự án Minh Khang đang khó khăn. Hay xử lý dự án đã hình thành tài sản trên đất như Dự án Khu nhà ở thương mại do Công ty CP Xây dựng 16-Vinaconex là chủ đầu tư; Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza do Ngân hàng Đại Dương làm chủ đầu tư…; mặc dù, theo quy định, nhà đầu tư tự thanh lý mà nhà đầu tư không thanh lý được thì cơ quan Nhà nước phải thành lập tổ thanh lý, nhưng thanh lý như thế nào thì hiện chưa có hướng dẫn của luật.

Nếu nói khó, vướng mắc để không xử lý là chưa làm hết trách nhiệm, đặc biệt, khi vấn đề dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích đang là vấn đề bức xúc trong Nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra “căn bệnh” thờ ờ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân. Nếu việc bức xúc về dự án treo, dự án chậm tiến độ không được giải quyết một cách triệt để, thì đồng nghĩa, các cấp, các ngành đang thừa nhận “căn bệnh” của mình mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.

Tín hiệu đáng mừng, là tại cuộc làm việc giữa đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh với UBND tỉnh vào ngày 20/5 vừa qua, người đứng đầu UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh quan điểm và quyết tâm chính trị: UBND tỉnh sẽ tập trung rà soát, xử lý ngay những dự án đang treo, dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích đã có báo cáo trên cơ sở rà soát, phân loại các dự án; trong đó, những dự án do vướng mắc khách quan như về giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư có tâm huyết, quyết tâm triển khai thì sẽ đồng hành tháo gỡ để triển khai dự án; còn những dự án mà các thủ tục, mặt bằng đã được giải quyết mà không triển khai thì kiên quyết thu hồi. UBND tỉnh cũng sẽ ban hành bộ thủ tục để xem xét, xử lý các dự án treo, chậm tiến độ trên cơ sở quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đối với nhà đầu tư ngay từ thời điểm nghiên cứu, khảo sát.

Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh “về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An với mục tiêu sẽ trình nội dung này vào phiên họp thường kỳ tháng 9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng tình quan điểm nêu trên, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh: Xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An là việc nhạy cảm, thách thức, rất khó khăn; yêu cầu các ban, sở, ngành liên quan như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam phải bắt tay triển khai ngay, quán triệt cho cán bộ quan điểm của tỉnh để thực hiện và tạo chuyển biến thực sự trong lĩnh vực này, chứ không chờ Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thời gian tới.

Dự án treo, chậm tiến độ: Cần kiên quyết xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO