Pháp luật

Giữ núi Chợ Bùi

Nhật Lân 12/08/2024 14:14

Bắt đầu có tình trạng lún sụt, sạt lở năm 2020, nhưng núi Chợ Bùi ở xóm 2, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương với những cánh rừng thông xanh tốt là một cảnh quan thiên nhiên đẹp, bởi vậy, cùng với việc đảm bảo an toàn cho người dân thì nên quan tâm bảo vệ, phát triển rừng ở đây…

giunuichobui-cover.png

Nhật Lân • 11/08/2024
*****

giunuichobui-tit1.png

Chúng tôi biết đến tình trạng sụt lún, sạt lở núi Chợ Bùi ở xóm 2, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương năm 2020, vào đúng ngày ở vùng đồi Đồng Võ, xã Phú Mẫn (Quốc Oai, Hà Nội) xảy ra sự việc sập đổ 1 căn biệt thự do mưa lớn kéo dài. Ngày 24/7/2024, người nhắc lại tình trạng sạt lở núi Chợ Bùi đã lấy sự cố sập đổ căn biệt thự ở Đồng Võ để nói về nguy cơ trong mùa mưa bão của hàng chục hộ dân xóm 2, xã Quang Sơn đang sống dưới mái lở. Anh này nói: “Tôi đã lên đó đúng thời điểm sạt lở. Vết sạt lở to lắm. Trên núi lại có những khối đá mồ côi lớn mà giải pháp ngăn ngừa sạt lở chưa có nên thực sự rất đáng lo…”.

Núi Chợ Bùi, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Nguyễn Đạo
Núi Chợ Bùi, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Nguyễn Đạo

Những mong biết đủ đầy sự cố 4 năm trước, từ những thông tin được nghe chúng tôi kết nối với xã Quang Sơn và huyện Đô Lương. Thế rồi, ngoài trực tiếp trao đổi đã nhận được hơn chục văn bản của các cấp, ngành, đủ để tái hiện bức tranh sạt lở núi Chợ Bùi 4 năm trước. Đó là vào ngày 30/10/2020, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9, trên địa bàn xã Quang Sơn xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ngập úng diện rộng. Trong mưa bão, UBND xã Quang Sơn nhận được tin báo khu vực núi Chợ Bùi, ở vị trí tiếp giáp với xóm 2 xảy ra tình trạng lún sụt đất rất nặng có nguy cơ sạt lở. Trước tình hình nguy cấp này, UBND xã Quang Sơn đã tổ chức kiểm tra thực địa. Sau đó, đã xác định khoảng 15h30’ ngày 30/10, núi Chợ Bùi bị rạn nứt từ chân núi lên đỉnh núi với chiều dài khoảng 80m; gần đỉnh núi, phía trên cùng của vệt nứt còn có thêm vết nứt ngang dài khoảng 20m, rộng khoảng 1m, lún sụt với độ sâu đến 3m.

Ở thời điểm này, UBND xã Quang Sơn đánh giá, nếu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn tiến xấu, sẽ đe dọa trực tiếp đến an toàn của khoảng 13 hộ gia đình thuộc xóm 2 dưới chân núi, là các hộ gia đình Lê Thị Quy, Lê Thị Đoàn, Lê Hữu Quang, Lê Quang Cường, Lê Quang Võ, Lê Thị Mận, Lê Hữu Hà… Vì vậy, xã đã nhanh chóng phối hợp với Ban Cán sự xóm 2 đến trực tiếp từng gia đình trong phạm vi ảnh hưởng thông báo cho người dân chuẩn bị di dời khẩn cấp. Đồng thời, không quên đặt biển cảnh báo không để tình trạng người ra, vào khu vực có nguy cơ sạt lở và bằng Văn bản số 247/BC-UBND, khẩn trương báo cáo tình hình sạt lở tại khu vực núi Chợ Bùi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Tình trạng sạt lở đất trên núi Chợ Bùi hồi tháng 10/2020. Ảnh: C.T.V
Tình trạng sạt lở đất trên núi Chợ Bùi hồi tháng 10/2020. Ảnh: C.T.V

Lo lắng trước sự an nguy sinh mạng của người dân, nên sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Quang Sơn, UBND huyện Đô Lương liên tục có văn bản hỏa tốc chỉ đạo cấp ủy, chính quyền khẩn trương thực hiện những biện pháp trước mắt. Đó là, tổ chức di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn; bố trí nhân lực trực thường xuyên 24/24 giờ để theo dõi diễn biến thời tiết cũng như diễn biến sụt lún, sạt lở đất ở núi Chợ Bùi; tổ chức phương án “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó sự cố xảy ra. “Sẵn sàng và khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập lụt đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân...”, tại văn bản hỏa tốc UBND huyện Đô Lương nhấn mạnh.

Đồng thời, để có được sự hỗ trợ về mọi mặt của các cơ quan cấp trên, ngày 31/10/2020, UBND huyện Đô Lương có Báo cáo số 312/BC-UBND gửi lên UBND tỉnh, 2 sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh…

Sẵn sàng và khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập lụt đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân...”.

Trích văn bản hỏa tốc UBND huyện Đô Lương

Khu vực dân cư có nguy cơ ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở núi Chợ Bùi. Ảnh: Nhật Lân
Khu vực dân cư có nguy cơ ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở núi Chợ Bùi. Ảnh: Nhật Lân
giunuichobui-tit2.png

Sắp xếp thời gian, ngày 28/7/2024, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Phạm Hồng Sơn cùng 2 cán bộ huyện Đô Lương đưa đi thực tế điểm sạt lở núi Chợ Bùi, đến thăm dân cư xóm 2 nơi có 13 hộ bị ảnh hưởng. Từ trụ sở xã Quang Sơn đến núi Chợ Bùi chỉ một quãng ngắn chưa đến 1 cây số. Sau ít phút di chuyển đã có thể quan sát núi Chợ Bùi, thấy núi được ôm bọc bởi ngút ngàn xanh của những cánh rừng, và dưới chân núi, san sát vườn, công trình nhà ở của hàng trăm hộ dân bao quanh.

Từ chân núi nhìn lên, thấy rằng, để đến đỉnh chừng hơn trăm mét, có những triền dốc khá thoải. Nhưng theo ông Phạm Hồng Sơn, để đến vị trí sạt lở, phải theo vị trí dốc đứng, đường lên khá vất vả. Thật may, vì rừng thông trên núi Chợ Bùi được trồng dày nên cứ bám theo cây để đi, việc ngược lên vị trí sạt lở của chúng tôi không quá khó khăn. Khoảng chừng 20 phút, chúng tôi đến được vị trí sạt lở của năm 2020. Ở đó, vết nứt ngang trước đó được mô tả dài 20m, sâu 3m đã mất dấu vết do những mùa mưa của 4 năm qua đã khiến đất đá sụt lún chuyển thành mô, thành vách núi và đã được cây bụi cùng các loại cây họ dương xỉ che khuất. Còn vết nứt dọc dài 80m, qua thời gian đã thành khe núi có nhiều nhánh nhỏ kéo dài từ đỉnh xuống gần chân núi. Thực trạng này, khi có mưa lớn, sẽ là dòng chảy tống nước, đất, đá xuống công trình nhà ở của người dân. Lên tiếp đến gần đến đỉnh núi, xác định được 3 vị trí có những khối đá mà người dân quen gọi là đá mồ côi. Trong đó, có những khối đá rất lớn, có thể hình dung nếu xảy ra tình trạng lún sụt, sạt lở khiến đá lăn thì nguy hiểm vô cùng…

Những khối đá mồ côi trên núi Chợ Bùi. Ảnh Nguyễn Đạo
Những khối đá mồ côi trên núi Chợ Bùi. Ảnh: Nguyễn Đạo

Từ thực tế núi Chợ Bùi, hiểu vì sao tình trạng sạt lở là nỗi ám ảnh của những người đang sống dưới chân núi, là mối băn khoăn của những người có trách nhiệm ở huyện Đô Lương và xã Quang Sơn. Chúng tôi quan sát kỹ núi Chợ Bùi, và phát hiện thêm điều đáng lo ngại. Ấy là sau ít phút nghỉ ở đỉnh núi Chợ Bùi, trên đường xuống thăm cụm dân cư có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở, thì thấy xen kẽ trong rừng thông có rất nhiều khoảng đất trống lớn kéo dài không có thảm thực vật. Đến từng nơi để quan sát, thấy trên các khoảng đất trống có rất nhiều những cây keo non mới trồng một thời gian ngắn. Và đáng nói, thấy rõ những tác động xấu của con người. Đó là để tạo mặt bằng trồng cây keo non, người ta đã cố tình hạ đất núi, san gạt… Vì vậy, có không ít cây thông bị hổng gốc, hở rễ, rất dễ bị gãy đổ khi có mưa lũ…

Bởi nguy cơ lún sụt, sạt lở ở núi Chợ Bùi đang hiện hữu, và tình trạng cải tạo đất trên núi trồng keo sẽ gia tăng mối nguy, ngay khi đó, chúng tôi trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Phạm Hồng Sơn. Theo ông Sơn cho biết, rừng trên núi Chợ Bùi được giao khoán cho 1 hộ dân trong xã chăm sóc, bảo vệ; thời gian qua, khi hộ dân này tự ý cải tạo đất, UBND xã đã phát hiện lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng mọi hoạt động gây ảnh hưởng đến rừng…

Những khoảng đất trống trong vùng rừng trên núi Chợ Bùi có tình trạng hạ đất, tạo mặt bằng trồng cây keo non. Ảnh: Nhật Lân
Những khoảng đất trống trong vùng rừng trên núi Chợ Bùi có tình trạng hạ đất, tạo mặt bằng trồng cây keo non. Ảnh: Nhật Lân
giunuichobui-tit3.png

Sau chuyến thực tế, chúng tôi đã tìm hiểu về phương án chống sạt lở núi Chợ Bùi. Được cho hay, nhìn nhận tính chất cấp bách từ báo cáo của huyện Đô Lương, nên đã có đoàn công tác của tỉnh lên vị trí sạt lở để kiểm tra. Sau đó, UBND tỉnh có Văn bản số 7787/UBND-NN ngày 6/11/2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy), trong đó có nội dung: ”Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu phương án xử lý”; “Giao UBND huyện Đô Lương tiếp tục chỉ đạo UBND xã Quang Sơn và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hộ dân đang sống tại vùng sạt lở để kịp thời xử lý đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản”.

Thế rồi, phương án bóc dỡ đất, hạ thấp núi hạn chế nguy cơ sạt lở đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến công khai. Đó là vào tháng 5/2021, huyện Đô Lương và xã Quang Sơn đề xuất lựa chọn phương án cho phép khảo sát, lập quy hoạch bóc dỡ đất, hạ thấp núi để tránh sạt lở. Vì rằng, ngoài 13 hộ gia đình sát phía dưới chân đồi thì còn nhiều hộ gia đình phía ngoài có khả năng cao bị ảnh hưởng nếu có sạt lở xảy ra; trong khi đó, việc tái định cư cho các hộ gia đình thực hiện sẽ rất khó khăn, thời gian dài, mùa mưa lũ lại sắp đến gần. Từ đây, chủ trương đầu tư dự án cấp bách “Xử lý sạt lở núi Chợ Bùi tại xóm 2, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương” với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, thực hiện các nội dung “Bạt mái taluy ở những vị trí sạt lở nghiêm trọng, với tổng khối lượng khoảng 27.500m3. Di dời các hòn đá mồ côi kích thước lớn trên đỉnh đồi. Vận chuyển đất đến các điểm tập kết, san lấp trong phạm vi xã Quang Sơn” đã được UBND huyện Đô Lương phê duyệt hồi tháng 7/2021.

Những vị trí sụt lún, sạt lở trên núi Chợ Bùi ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Nguyễn Đạo
Những vị trí sụt lún, sạt lở trên núi Chợ Bùi ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Nguyễn Đạo

Thế nhưng, qua thời gian dài, không có đơn vị, doanh nghiệp nào dám nhận thực hiện dự án. Như các cán bộ huyện Đô Lương và xã Quang Sơn trao đổi, đã có một số doanh nghiệp tổ chức đi thực địa nhưng rồi đều “xin rút” vì nhận thấy việc thi công không đảm bảo an toàn, lại ảnh hưởng xấu đến môi trường…

Đã có một số doanh nghiệp tổ chức đi thực địa nhưng rồi đều “xin rút” vì nhận thấy việc thi công không đảm bảo an toàn, lại ảnh hưởng xấu đến môi trường…

Đặt câu hỏi: Phương án bóc dỡ đất, hạ thấp núi chống sạt lở đã không khả thi, liệu xã Quang Sơn và huyện Đô Lương đã tính đến phương án mới? Được trao đổi, vào ngày 27/8/2024, đoàn công tác của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã lên kiểm tra tình hình sạt lở núi Chợ Bùi. Sau khi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Đô Lương và xã Quang Sơn tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Còn về phía huyện và xã, đang tính đến việc thực hiện di dời tái định cư các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng...

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Phạm Hồng Sơn trò chuyện với cụ Lê Thị Quy, hộ dân có nhà ở bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở núi. Ảnh: Nhật Lân
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Phạm Hồng Sơn trò chuyện với cụ Lê Thị Quy, hộ dân có nhà ở bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở núi. Ảnh: Nhật Lân
giunuichobui-tit4.png

Sau lần thực địa núi Chợ Bùi, chúng tôi cũng đã liên hệ với một số chuyên gia địa chất, lâm nghiệp và được họ đưa ra gợi ý, để giảm thiểu tình trạng sụt lún, sạt lở đất nên nghiên cứu, tổ chức tăng dày các đai xanh trên núi Chợ Bùi. Như lời một chuyên gia đã trao đổi: “Từ trước tới nay, biện pháp chống sạt lở hữu hiệu nhất vẫn là trồng cây. Với núi Chợ Bùi, lựa chọn trồng các loại cây có tuổi thọ cao là biện pháp nên nghiên cứu thực hiện. Khi có những lớp đai xanh, giả sử có sự cố lở đất, đá lăn cũng giảm thiểu được tác động xấu…”.

Với núi Chợ Bùi, lựa chọn trồng các loại cây có tuổi thọ cao là biện pháp nên nghiên cứu thực hiện. Khi có những lớp đai xanh, giả sử có sự cố lở đất, đá lăn cũng giảm thiểu được tác động xấu…”.

Kết nối với UBND huyện Đô Lương ngày đầu tháng 8/2024, được thông báo huyện vừa có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương di dời các hộ sống tại khu vực giáp chân núi Chợ Bùi có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, sạt lở đất. Cụ thể là đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương, bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng về đất, tài sản trên đất và xây dựng khu tái định cư; để thu hồi đất ở, đất vườn của các hộ dân đang sinh sống gần dưới khu vực chân núi Chợ Bùi có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và giao đất tái định cư cho các hộ. Đồng thời, cho phép UBND huyện Đô Lương khảo sát địa điểm để lập quy hoạch xây dựng chi tiết chia lô đất ở khu tái định cư, để bố trí tái định cư cho các hộ dân với diện tích khoảng 2,2 ha tại vùng Đồng Quan, xã Quang Sơn...

Dưới chân núi Chợ Bùi, có một số hộ dân đầu tư xây cất nhà mới quy mô. Ảnh: Nguyễn Đạo
Dưới chân núi Chợ Bùi, có một số hộ dân đầu tư xây cất nhà mới quy mô. Ảnh: Nguyễn Đạo

Nhìn nhận, khi phương án bóc dỡ đất, hạ thấp núi chống sạt lở không khả thi thì phải tính đến biện pháp di dời dân. Nhưng đã nắm bắt tâm tư của một số hộ trong phạm vi ảnh hưởng, chúng tôi biết phương án này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì ngân sách Nhà nước eo hẹp, trong khi công trình nhà dân đã đầu tư quy mô, đất đai là sinh kế không thể tách rời… Bởi vậy, thiết nghĩ, song song với hướng đến thực hiện dự án di dân tái định cư, huyện Đô Lương và xã Quang Sơn cần tăng cường bảo vệ vùng rừng hiện có, và nghiên cứu đến gợi ý tăng dày các đai xanh trên núi Chợ Bùi…

Mới nhất
x
x
Giữ núi Chợ Bùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO