Hiệu quả thực hiện 'mục tiêu kép' ở Diễn Châu

Thanh Thủy - Mai Giang 01/01/2022 08:19

(Baonghean.vn) - Cùng với cả nước và cả tỉnh, năm 2021 tình hình kinh tế - xã hội của Diễn Châu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, bằng sự chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao, các cấp ủy đảng, chính quyền đã ghi dấu ấn với những điểm sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân.

Chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch Covid - 19

Trước tình hình đó, để thực hiện thành công “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành nhiều văn bản để kịp thời chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm, quyết tâm khoanh vùng, không chế dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại tâm dịch Diễn Châu. Ảnh tư liệu Thành Cường
PGS.TS Dương Đình Chỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại tâm dịch Diễn Châu. Ảnh tư liệu Thành Cường

Từ đầu mùa dịch đến 12/12/2021, Diễn Châu ghi nhận tổng số 343 trường hợp dương tính với Covid-19 trên địa bàn 33 xã. Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của huyện đã khẩn trương chỉ đạo truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm để đảm bảo ngăn chặn, phát hiện và khống chế dịch trong thời gian nhanh nhất.

Huyện đã thành lập hàng nghìn tổ Covid-19 cộng đồng tại 37 xã, thị trấn. Thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các nội dung phòng, chống dịch Covid-19.

Lực lượng hóa học Quân khu 4 phun khử khuẩn các khu vực có liên quan đến bệnh nhân Covid-19 ở Diễn Châu. Ảnh tư liệu Lê Thắng

Tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 với hơn 1.200 tin bài, hơn 20 triệu lượt tiếp cận thông tin trên các trang mạng xã hội. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa như: Cuộc vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; Chương trình “1.000 bữa cơm yêu thương” phục vụ các điểm cách ly tập trung; Chương trình gian hàng không đồng, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu; Hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện…

Các tình nguyện viên tham gia nấu ăn phục vụ tại khu cách ly tập trung huyện Diễn Châu. Ảnh Mai Giang

Thông qua cuộc vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ huyện phát động, các cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá 12,8 tỷ đồng. Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện theo đúng quy định và hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Đưa sản xuất vụ đông phát triển theo hướng hàng hóa

Có thể thấy năm 2021 là một năm mà Diễn Châu nói riêng, cả tỉnh nói chung đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trước tình hình đó, Diễn Châu đã triển khai nhiều giải pháp cùng với nông dân đưa sản xuất vụ đông phát triển theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn.

Nông dân Diễn Thịnh (Diễn Châu) xuống đồng sản xuất vụ đông. Ảnh tư liệu Cảnh Yên

Tiêu biểu như xã Minh Châu sau sáp nhập có tới hơn 900 ha đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa. Để vận động bà con làm vụ đông là rất khó khăn do là vùng sâu trũng dễ ngập lụt. Do đó xã không triển khai đồng loạt mà chọn điểm để nhân rộng. Chọn 3 cánh đồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để quy hoạch thành vùng trồng hành tăm, vùng trồng rau giống và một vùng trồng dưa, bầu bí…Nhờ đó mà vụ Đông này Minh Châu có 60 ha cây trồng hàng hóa.

Vụ đông 2021 huyện Diễn Châu đã gieo trồng trước 15 ngày so với lịch thời vụ nên cây trồng đã sinh trưởng và phát triển khá tốt. Ảnh tư liệu Tiến Đông

Hay như xã Diễn Phong có 160 ha đất nông nghiệp, trong đó có tới 120 ha đất màu, còn lại đất lúa. Ông Phạm Thanh Vương - Chủ tịch UBND xã Diễn Phong cho biết: Điều mà ít xã làm được như Diễn Phong, đó là vụ Đông đều quy hoạch hết 100% diện tích đất sản xuất cho các loại cây trồng. Trong đó tập trung chuyển đổi các loại cây truyền thống giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây hàng hóa như đối với 40 hecta đất lúa trước đây chỉ trồng ngô hoặc khoai làng làm thức ăn chăn nuôi, nay chuyển sang trồng bí đỏ và ngô ngọt, còn đất màu tập trung cho các loại rau cao cấp như khoai tây và cây ớt cay. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Diễn Phong còn tích cực kết nối ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trong vụ đông cho bà con, nên có thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/sào.

Cây vụ đông tại cánh đồng thôn Vân Tập, xã Minh Châu (Diễn Châu)
Cây vụ đông tại cánh đồng thôn Vân Tập, xã Minh Châu (Diễn Châu). Ảnh Mai Giang

Với phương châm sản xuất vừa ăn chắc, vừa hiệu quả, nên UBND huyện chỉ đạo căn cứ thị trường, điều kiện, khả năng để xác định quy mô, vùng sản xuất gắn với quy hoạch cánh đồng thu nhập cao theo hướng liên kết, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, vừa đảm bảo sản xuất hết gần 3.800 hecta vụ đông theo đúng kế hoạch, vừa tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao thay thế cho các cây trồng truyền thống giá trị thấp.

Theo đó, Diễn Châu tăng diện tích rau màu hàng hóa lên 1.200 ha, tăng diện tích lạc lên gần 900 ha và gần 1.000 ha ngô sinh khối. Đặc biệt, có khoảng 100 hecta cây trồng hàng hóa như: khoai tây, ớt cay, dưa chuột được sản xuất theo mô hình liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Quyết liệt giải phóng mặt bằng đường cao tốc

Cùng với phòng chống dịch, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện xác định phải hoàn thành theo đúng tiến độ đó là giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam quốc lộ 1A.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án đầu tư trọng điểm quốc gia nhưng vướng mặt bằng, thu hồi đất rừng qua địa bàn Nghi Lộc. Ảnh Tư liệu

Được biết, dự án cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84 km, gồm 2 dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, đi qua thị xã Hoàng Mai và các huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.

Dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài 15,35 km trên địa bàn 8 xã: Diễn Đoài, Diễn Yên, Diễn Liên, Diễn Xuân, Diễn Đồng, Diễn Hạnh, Diễn Quảng và Diễn Cát (Diễn Cát tính từ Quốc lộ 7A trở ra).

Thời gian qua, xác định được tầm quan trọng của dự án, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện cùng cấp ủy, chính quyền các xã ở Diễn Châu đã tập trung công tác tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận.

Các nhà thầu đang thi công nền đường đoạn dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh tư liệu Phạm Bằng

Ông Nguyễn Xuân Huy - Chủ tịch xã Diễn Cát cho biết: Trên cả hai tuyến cao tốc đi qua xã gồm Diễn Châu – Bãi Vọt và Nghi Sơn – Diễn Châu, người dân Diễn Cát có tổng số hộ bị ảnh hưởng là trên 500 hộ. Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hiện nay 100% số hộ dân Diễn Cát đã nhận đất tái định cư, nhiều gia đình đã ra làm nhà để nhanh chóng nhường đất cho dự án. Để có được kết quả đó là nhờ tinh thần tự nguyện tự giác của bà con khi được tuyên truyền, vận động dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm.

Theo báo cáo của UBND huyện Diễn Châu: Đến ngày 10/11/2021, chiều dài đã giải phóng mặt bằng: 14,74 km/15,34 Km (còn lại 600 m). Toàn tuyến có 03 vị trí tái định cư, trong đó: Diễn Đồng 01 vị trí; Diễn Đoài 01 vị trí và Diễn Phúc 01 vị trí.

Hình ảnh mô phỏng cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. So với các dự án giao thông khác, cao tốc Bắc Nam có độ cao lớn hơn nền cần nguyên liệu đất đá san lấp lớn. Ảnh: Tư liệu

Thời gian qua huyện đã tập trung và ưu tiên tối đa thời gian và nhân lực để giải phóng mặt bằng, xử lý các vướng mắc, tồn tại. Bên cạnh đó tập trung giải phóng mặt bằng đất tái định cư, xây dựng khu tái định cư để bàn giao mặt bằng toàn tuyến, đáp ứng đúng tiến độ mà Bộ giao thông vận tải đề ra.

Ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, còn có nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn... Do vậy các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo quyết tâm thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Mới nhất
x
Hiệu quả thực hiện 'mục tiêu kép' ở Diễn Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO