Kinh tế

Hương vị Tết trong mật mía làng Găng

Gia Huy 01/02/2025 10:12

“Chàng ơi ngoảnh mặt ra ngoài, sớm mai đi chợ thiếp mua mật với khoai mài cho mình ăn". Đối với nhiều người dân xứ Nghệ mật mía là món không thể thiếu dùng để kho cá, nấu chè, làm bánh... nhất là vào dịp Tết. Trong đó, mật mía làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, thanh ngọt.

img_5456(1).jpg
Nghề làm mật mía ở làng Găng, xã Nghĩa Hưng có từ những năm 1960 và được công nhận là làng nghề vào năm 2013. Từ khoảng giữa tháng 11 âm lịch, khi cây mía đã tích đủ lượng đường cần thiết, người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn đã bắt đầu thu hoạch mía để ép mật. Ảnh: Gia Huy
img_5500(1).jpg
Những cây mía sau khi thu hoạch được bó gọn thành từng bó chờ vận chuyển về các lò ép. Ảnh: Gia Huy
img_5472(1).jpg
Nghề làm mật mía truyền thống đã tạo việc làm, nâng thu nhập cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Hiếu (42 tuổi) ở xóm Nghĩa Nhân, xã Nghĩa Hưng cho biết, thợ chặt mía như ông có thể kiếm được 200.000 đồng/ngày nhờ công việc thời vụ này. Ảnh: Gia Huy
Lá mía được người dân làng Găng tận dụng để phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Gia Huy
Lá mía được người dân làng Găng tận dụng để phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Gia Huy
img_5521(1).jpg
Lãnh đạo xã Nghĩa Hưng cho biết, toàn xã có khoảng gần 500 ha mía. Trong đó, chỉ một phần ít được người dân nhập cho nhà máy sản xuất đường, phần lớn sẽ bán cho các cơ sở chế biến mật mía làng Găng. Trong ảnh: Mía được tập kết về các lò chuẩn bị cho công đoạn ép.Ảnh: Gia Huy
img_5713(1).jpg
Sau khi được lựa chọn và sơ chế, những cây mía mập mạp, rắn, ngọt được cho vào máy ép lấy nước.Thay vì ép thủ công mất nhiều thời gian và khá vất vả, theo ông Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Hợp tác xã làng nghề chế biến mật mía Làng Găng: Công đoạn ép mía đã được cơ giới hóa bằng việc sử dụng máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất ép, lấy triệt để lượng nước đường trong thân mía và giảm tối đa sức lao động cũng như nhân công. Hiện HTX làng nghề có 71 hộ thành viên. Nghề ép mía, nấu mật đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động ở làng Găng với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ảnh: Gia Huy
img_5567(1).jpg
Bã mía sau khi phơi khô được người dân tận dụng làm chất đốt, tro dùng để bón cây. Ảnh: Gia Huy
img_5516(1).jpg
Nhiều hộ thành viên Hợp tác xã làng nghề chế biến mật mía Làng Găng (xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) đã đầu tư hệ thống lò và chảo gang liên hoàn để phục vụ nấu mật mía. Ảnh: Gia Huy
5-2-.jpg
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, những lò nấu mật mía làng Găng lại đỏ lửa, khói bay nghi ngút, mang theo những hương thơm ngọt ngào, phảng phất lan tỏa khắp nơi. Ảnh: Gia Huy
img_5687(1).jpg
Nước mía sau khi ép cho lên bể lóng xong, sẽ được đưa lên nấu trên hệ thống bếp lò có các chảo gang to, có thể nấu đồng thời 5 chảo cùng lúc. Theo những người thợ lâu năm giàu kinh nghiệm: Việc duy trì lửa để đảm bảo nhiệt độ trên lò hết sức quan trọng. Mỗi mẻ mật sẽ được nấu trong khoảng 1,5 tiếng. Trong thời gian ấy, phải liên tục bổ sung chất đốt và duy trì nhiệt độ của bếp. Tiếng sôi sùng sục của nồi mật quyện trong mùi thơm ngọt bốc lên thơm nức cả vùng. Ảnh: Gia Huy
img_5613(1).jpg
Khi mật sôi, sủi bọt, người nấu phải canh chừng, liên tục dùng chiếc muỗng dài để vớt bọt, loại bỏ những cặn bã, đặc biệt, phải căn chỉnh lửa phù hợp để mật không bị trào ra ngoài, cũng như cháy khét bén đáy, để cho ra những mẻ mật trong, vàng óng, chất lượng. Quá trình nấu mật, luồng lò các chảo mật đều phải đượm nhưng nếu để quá lửa bọt sẽ bị nhão bọt, mật không đẹp. Ảnh: Gia Huy
Người dân làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn ép mía, nấu mật. Clip: Gia Huy
img_5678(1).jpg
Khi nước mía đã được cô đặc thành mật, việc vớt bọt sẽ được thực hiện thêm một lần nữa trước khi để nguội, bơm vào các thùng phi để bảo quản. Công đoạn lọc cặn vẫn tiếp tục được thực hiện trong quá trình bảo quản mật để đảm bảo mật có chất lượng tốt và màu sắc đẹp. Ảnh: Gia Huy
img_5660(1).jpg
Từng giọt mật sánh mịn là kết tinh của cả một quá trình lao động miệt mài. Mỗi giọt mật không chỉ là sản phẩm của tự nhiên mà còn là tâm huyết, tình yêu mà người thợ gửi gắm vào đó. Từ khâu chọn mía, ép mía, đến quá trình đun nấu, lóng và đóng chai, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. Bí quyết để có một mẻ mật ngon, là phải chọn được loại mía già, ngọt và giữ lửa thật đều, vớt bọt kỹ. Ảnh: Gia Huy
img_5652-1-.jpg
Mật mía làng Găng có hương vị riêng, màu cánh gián sánh mịn, trong, mùi thơm ngọt thanh, nguyên chất, không tạo màu, không phụ gia. Theo ông Võ Đình Lượng - Giám đốc Hợp tác xã làng nghề chế biến mật mía làng Găng: Thời điểm Tết, mỗi phi mật 200 lít có giá 4 - 4,2 triệu đồng. Vụ này dự kiến gia đình ông sản xuất 60 phi mật, sau khi trừ chi phí sản xuất, nguyên liệu, công lao động, ông lãi trên 60 triệu đồng. Cứ 2-3 ngày, khi đủ nguyên liệu, người làm mật sẽ sản xuất 1 lần. Thời gian nấu mật thường kéo dài từ 4 - 20 giờ. Từ trung tuần tháng Chạp, các lò nấu mật hầu như đỏ lửa suốt ngày mới đủ hàng cung cấp cho thị trường. Ảnh: Gia Huy
cfd59dfc3d31826fdb20(1).jpg
Ngoài sản phẩm mật mía được cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán, người làm mật ở làng Găng thường dành lại một phần, bảo quản trong các thùng phi để kết tinh thành đường phèn. Quá trình kết tinh mật thành đường phèn mất 8-9 tháng. Cứ 1 phi mật 200 lít sẽ kết tinh được khoảng 40 kg đường phèn. So với bán mật, đường phèn có giá trị kinh tế cao hơn 1,2-1,5 triệu đồng/thùng phi. Hiện tại, 2 sản phẩm chủ đạo là mật mía và đường phèn đều đã được đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao vào năm 2023. Ảnh: Gia Huy
fotojet-2-(1).jpg
Nức tiếng xa gần bởi hương vị thơm ngon, sánh mịn, sản phẩm của làng nghề chế biến mật mía làng Găng sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Nghề làm mật mía không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công mà còn là một phần hồn cốt của dân tộc được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.Từ việc duy trì nghề ép mật truyền thống, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Ảnh: Gia Huy
172f66c4ca0975572c18(1).jpg
Mật mía làng Găng thường được dùng để kho cá, kho thịt, chế biến thức ăn, nhất là trong dịp Tết, mật mía như một thứ gia vị tự nhiên, tinh túy của đất trời để nấu chè, làm các loại bánh cúng gia tiên. Nhiều người còn ưa thích món xôi, bánh chưng, bánh gio, bánh nếp, khoai lang, sắn... chấm mật mía với hương vị thơm ngon, thanh ngọt đặc trưng. Mật mía cũng là món quà đặc biệt được người thân, bạn bè gửi biếu nhau trong dịp Tết mong một năm mới ngọt ngào như mật. Khi trời đất chuyển mình vào Xuân: “Đi qua lò mía thơm đường/Muốn vô kết nghĩa can thường với ai”. Đó là mùi hương của đất trời hòa quyện, thấm đẫm nỗi vất vả, công sức một nắng, hai sương của người lao động, đã và đang được người dân làng Găng duy trì, phát triển. Ảnh: Gia Huy

Mới nhất

x
Hương vị Tết trong mật mía làng Găng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO