Miền Tây Nghệ An cần lắm những cầu vượt lũ

Văn Trường 26/05/2022 11:44

(Baonghean.vn) - Các huyện miền Tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn hiện nay còn thiếu khá nhiều cây cầu dân sinh. Vào mùa mưa lũ, nhiều người đang phải liều mình lội suối, hoặc dùng bè mảng, dây đu kéo nhau vượt suối.

Đường vào bản Khe Nóng xã Châu Khê, Con Cuông chỉ cần trận mưa lớn là nước khe suối dâng. Ảnh: Văn Trường

Men theo con đường rừng, chúng tôi vào bản Khe Nóng - xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Đây là bản khó khăn nhất của huyện bởi từ trung tâm xã, để vào được đây phải vượt qua 4 con suối. Theo người dân ở đây được biết, mùa khô thì dễ chứ mùa mưa, bản làng bị cô lập, người dân ở bản Khe Nóng muốn đi lại thì phải bơi hoặc dùng dây kéo nhau vượt qua khe suối.

Do giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa khe suối nước dâng cao nên các loại nông sản ở đây thường bị ách tắc không thể tiêu thụ. Bản Khe Nóng hiện có 50 hộ dân, chủ yếu người Đan Lai, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 100% và bản cũng chưa có điện lưới. Mong muốn của người dân nơi đây là được Nhà nước quan tâm để xây dựng những cây cầu dân sinh để lưu thông thuận lợi.

Người dân lưu thông qua cầu tràn huyện Con Cuông rất nguy hiểm khi nước dâng. Ảnh: Văn Trường.

Bản Diềm, xã Châu Khê hiện có 1 cụm dân cư gồm 15 hộ dân hiện đang sinh sống bên kia Khe Ít. Những ngày mưa vừa qua nước dâng ngập khe suối khiến các hộ dân bị cô lập.

Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: Các bản làng bị cô lập trong mùa mưa, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm vào cho bà con rất khó khăn.

Hiện nay xã đang đề xuất với UBND huyện Con Cuông khảo sát để có kế hoạch xây dựng tạm 5 cầu tràn vượt lũ cho dân đi qua khe suối bởi kinh phí xây dựng cầu cứng quá lớn nên khó thực hiện được.

Cầu tràn bản Quăn, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông đã xuống cấp. Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo của UBND huyện Con Cuông từ năm 2020 đến nay, bằng nguồn vốn xã hội hoá, toàn huyện xây dựng được 3 cầu dân sinh loại nhỏ ở bản Quẹ (xã Bình Chuẩn), bản Kẻ Ke, Kẻ Trai (xã Thạch Ngàn). Hiện nay toàn huyện đang còn thiếu khoảng trên 20 cầu dân sinh, chủ yếu tập trung ở các xã Chi Khê, Bình Chuẩn, Châu Khê, Môn Sơn, Thạch Ngàn.

Để giải quyết thực trạng khó khăn trên, huyện Con Cuông đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh. Hiện nay toàn huyện Con Cuông đang còn hàng chục vị trí qua khe, suối chưa có cầu. Huyện đang cho khảo sát, tính toán phương án làm cầu tràn tạm cho dân qua lại, một số vị trí ở Chi Khê, Bình Chuẩn, Cam Lâm nếu cân đối được nguồn vốn sẽ triển khai xây dựng thêm cầu treo dân sinh...

Cầu treo xã Chi Khê, huyện Con Cuông tải trọng thấp, trong khi vận chuyển keo nguyên liệu người dân phải đi đường vòng xuống huyện Anh Sơn gần 20 km. Ảnh: Văn Trường

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Con Cuông cho biết: Huyện hiện có 6 cây cầu treo bắc qua sông Lam, thực tế các cây cầu treo đều đã xuống cấp, tải trọng thấp, các xã tả ngạn Con Cuông vào mùa thu hoạch nông sản, keo nguyên liệu phải vận chuyển đường vòng xuống Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn thêm gần 20 km, tốn kém thêm nhiều chi phí vận tải cho bà con nông dân.

Hiện nay huyện Con Cuông đang khẩn trương thi công cây cầu Thành Nam (cầu bê tông vĩnh cửu) bắc qua sông Lam đoạn qua xã Bồng Khê. Sau khi đưa vào sử dụng cây cầu này sẽ rút ngắn được khoảng cách vận chuyển nông sản, keo nguyên liệu cho các xã phía tả ngạn sông Lam.

Người dân Kỳ Sơn vượt suối đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập. Ảnh: Văn Trường

Cũng nằm trong tình trạng trên, hiện nay huyện Kỳ Sơn có nhiều bản làng đang “khát” cầu dân sinh. Như tại xã Mỹ Lý hiện có 2 bản biên giới giáp với nước bạn Lào thường xuyên bị cô lập khi mưa lớn.

Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý chia sẻ: Hiện nay bản Chà Nga cách trung tâm xã 26 km rất khó khăn. Bản có 97 hộ dân, trên 400 nhân khẩu, để vượt suối xã huy động làm cầu tạm bằng tre, gỗ, vào mùa mưa nước dâng, cầu bị cuốn trôi, người dân lại bị cô lập.

Xã Mỹ Lý còn bản Nhọt Lợt có 36 hộ dân, trên 200 nhân khẩu, vào mùa mưa người dân phải dùng thuyền để qua lại khe Nhọt Lợt khá nguy hiểm. Hiện nay xã đã đề xuất với UBND huyện cần hỗ trợ người dân xây dựng cầu dân sinh để lưu thông vượt lũ.

Cầu tạm bằng gỗ qua suối Chà Nga ở bản Chà Nga, xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn vào mùa mưa thường bị cuốn trôi. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Nhiều xã ở huyện Kỳ Sơn hiện nay đang thiếu cầu dân sinh như Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Na Loi, Keng Đu… Từ năm 2020 đến nay bằng nguồn vốn của Nhà nước và các tổ chức từ thiện, huyện Kỳ Sơn đã xây dựng được 6 cây cầu dân sinh. Hiện nay, huyện đang cần xây dựng khoảng trên 20 cây cầu dân sinh miền núi để phục vụ cho nhân dân, chưa kể dọc sông Nậm Mộ hiện nay có 2 cây cầu treo đã xuống cấp.

Hiện nay, huyện đang tiếp tục thu hút đầu tư bằng các nguồn vốn của Nhà nước, các chương trình, dự án, doanh nghiệp, các tổ chức hảo tâm để hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh./.

Cầu dân sinh sạt lở 'đe dọa' người đi đường ​

23/02/2022

Người dân Nghệ An lội nước xếp đá làm cầu dân sinh

31/10/2019

Mới nhất
x
Miền Tây Nghệ An cần lắm những cầu vượt lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO