Mùa mưa lũ cận kề, các huyện miền núi Nghệ An lên phương án ứng phó thiên tai

Xuân Hoàng - Quang An 23/07/2023 09:39

(Baonghean.vn) - Tại một số huyện như Tương Dương, Kỳ Sơn đã xuất hiện những cơn mưa khá lớn, gây xói mòn khiến đất đá lăn từ đỉnh núi xuống, nhiều nhà dân bị thiệt hại. Hiện nay, các địa phương đang xây dựng phương án phòng, chống thiên tai khi mùa mưa lũ cận kề. 

Nơm nớp lo sạt lở núi

Trở lại huyện rẻo cao Kỳ Sơn sau gần một năm xảy ra trận lũ ống, lũ quét lịch sử tại xã Tà Cạ, trên các tuyến đường huyết mạch từ thị trấn Mường Xén đi Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải; Hữu Lập, Bảo Thắng, Bảo Nam, Mường Xén đi xã Tây Sơn… vẫn xuất hiện hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở cao.

bna-6-2320.jpg
Tại bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ - tâm lũ năm ngoái, nhiều hộ dân chưa được tái định cư vẫn phải tiếp tục bám trụ tại những căn nhà tạm. Phía sau là các vết sạt lở nguy hiểm. Ảnh: Quang An

Bà Lô Thị Liên, chủ ngôi nhà nằm sát địa điểm nguy cơ sạt lở cao ở bản Hòa Sơn không khỏi lo lắng, nói: Ngay phía sau nhà là một điểm sạt lở từ trận lũ lịch sử năm ngoái. Do nắng hạn lâu ngày, đất đá khô nứt nẻ xuất hiện thêm nhiều vết nứt, do vậy khi có mưa to là nơm nớp lo...

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường từ thị trấn Mường Xén qua các bản Hòa Sơn, Sơn Hà của xã Tà Cạ, lên xã Tây Sơn, anh Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hòa Sơn băn khoăn: Những ngày đầu tháng 7, trên địa bàn xã xuất hiện những cơn mưa to, nước từ khe suối đổ về bản nhiều; lo sợ sạt lở núi, nhiều hộ dân đã phải lánh nạn. Đáng lo hơn, do cống nước đặt qua khe Huồi Cọm quá nhỏ, khó thoát nước khi có mưa to khiến nước tràn lên mặt đường, chảy ào ào về bản, làm hư hỏng mặt đường và tài sản, hoa màu của người dân.

“Hiện trên địa bàn bản Hòa Sơn có 3 điểm có nguy cơ sạt lở cao, sát đó là nhiều hộ dân đang sinh sống. Do vậy, những lúc có mưa to, cán bộ bản hướng dẫn bà con phòng tránh bằng cách không ở trong nhà mà sang ở nhờ người khác tại vị trí an toàn”, anh Vi Văn Truyền cho hay.

bna-8-4275.jpg
Tuyến Tỉnh lộ 543D từ thị trấn Mường Xén đi Mường Típ, Mường Ải bị sạt lở nguy hiểm, địa phương đã phải cắm biển cảnh báo người dân khi qua đoạn đường này. Ảnh: Quang An

Tuyến đường tỉnh lộ 543D nối từ thị trấn Mường Xén đi vào trung tâm xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải cũng xuất hiện hàng loạt điểm có nguy cơ sạt lở cao. Tại một số điểm, chính quyền địa phương đã phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại. Người dân xã Tà Cạ cho hay, sau những cơn mưa to vừa qua, đã xảy ra một số điểm sạt lở ta luy dương trên tuyến đường tỉnh này, cơ quan chức năng đã san gạt, tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ cao, bởi phía trên có nhiều đất, đá nứt toác, có thể rơi xuống bất cứ khi nào.

Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, do ảnh hưởng của mùa mưa năm trước, đặc biệt là trận lũ lịch sử đầu tháng 10/2023, hiện nay trên địa bàn Kỳ Sơn có hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở cao. Đáng lo ngại là các điểm này nằm trong khu dân cư, đặc biệt là tại các bản Hòa Sơn, Sơn Hà (xã Tà Cạ) và trên các tuyến đường huyết mạch.

Trên địa bàn huyện Tương Dương, tình trạng sạt lở đất đá vào nhà dân và nguy cơ sạt lở núi khi có mưa to cũng khiến chính quyền địa phương lo ngại. Vào ngày 24/6 vừa qua, trong lúc trời mưa to, một khối đá lớn rơi từ đỉnh núi xuống, lăn vào nhà của gia đình anh Lương Văn Giáp ở bản Vẽ, xã Yên Na. Hậu quả, làm hư hỏng nền nhà, cửa, giường, tủ… của gia đình anh Giáp.

Anh Lương Văn Đông – Trưởng bản Vẽ, xã Yên Na cho hay, bản có khoảng 40 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Trong những trận mưa to vừa qua, ngoài gia đình anh Lương Văn Giáp, còn có gia đình bà Vi Thị Tuyết cũng bị đá rơi từ trên núi xuống làm hư hỏng tường nhà và cửa sổ.

Theo đánh giá của huyện Tương Dương, hiện tại, trên địa bàn huyện hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở cao: Các hộ dân của các bản Lả, Minh Phương, Xốp Mạt và bản Côi đang ở dọc tuyến đường từ Cửa Rào – bản Vẽ; tuyến đường 48C; dọc tuyến từ Tam Thái – Tam Hợp; tuyến Xốp Kho – Na Ngân, Xốp Kho – Na Kho; tuyến Xiêng Nứa – Bản Xàn; tuyến Xốp Mạt – Chằm Puông; khu vực bản Xốp Nặm xã Tam Hợp; khu vực bản Tùng Hương, Tân Hương xã Tam Quang; bản Phá Kháo, xã Mai Sơn; các hộ dân nằm ven hồ thủy điện Khe Bố, thủy điện Nậm Nơn; các khu tái định cư có địa hình dốc và mái taluy cao.

Chủ động phương án ứng phó thiên tai

Trước thực trạng đáng lo ngại về sạt lở núi vào mùa mưa sắp tới, các địa phương vùng miền núi Nghệ An đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai một cách cụ thể.

bna-hoang-6-1332.jpg
Nhà của cụ Vi Thị Tuyết, xã Yên Na cũng bị đá rơi từ trên núi vào nhà, làm hư hỏng tường và nhiều vật dụng. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Kỳ Sơn, Tương Dương là những địa bàn có nguy cơ sạt lở núi cao nhất. Bởi vậy, từ tháng 6, các địa phương này đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT – TKCN. Khi có tin cảnh báo xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, các cấp, các ngành theo dõi diễn biến thời tiết thường xuyên thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết để triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời. Cùng với đó, thông báo các bản tin dự báo, cảnh báo, công điện chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên hệ thống loa phát thanh của các thôn bản.

Ban Chỉ huy PCTT – TKCN các địa phương cũng tập trung huy động mọi lực lượng triển khai các biện pháp đối phó với mưa, lũ, tổ chức cứu hộ, cứu nạn; phân công các thành viên trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo người dân triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Khi mưa lũ xảy ra, chủ động kiểm tra và có phương án di dời các hộ dân đang ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

bna-hoang-3-5074.jpg
Điểm sạt lở kéo dài khoảng 50 mét trên tuyến đường từ ngã ba Cửa Rào vào thuỷ điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương. Ảnh: Xuân Hoàng

Khi mưa to kéo dài nhiều ngày, nước ở các khe suối bắt đầu dâng cao và dự báo mưa vẫn tiếp tục kéo dài, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát và sơ tán các hộ dân ở những vùng có nguy cơ bị ngập, sạt lở đất. Các địa phương trực tiếp chỉ huy công tác sơ tán; kiểm soát giao thông để hướng dẫn người, phương tiện qua lại an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tương Dương cho biết: Rút kinh nghiệm từ các mùa mưa lũ trước, năm nay, Tương Dương xác định rõ những điểm có nguy cơ sạt lở cao nhằm lên phương án ứng phó cụ thể. Đặc biệt là khi có dự báo về áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN sẽ thực hiện ngay các biện pháp ứng phó tại các địa phương, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và các công trình trọng điểm trên địa bàn./.

Mới nhất

x
Mùa mưa lũ cận kề, các huyện miền núi Nghệ An lên phương án ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO