Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 có 20.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Nguyễn Hải 17/05/2021 17:12

(Baonghean.vn) - Nhằm cụ thể hóa chương trình hành động của tỉnh về phát triển doanh nghiệp, chiều 17/5, tại TP. Vinh, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc để nghe và cho ý kiến vào Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đại diện các ban, sở, ngành và trung tâm cấp tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và một số huyện, thành, thị.

Toàn cảnh buổi làm việc, góp ý kiến của các ban, sở ngành và hội doanh nghiệp vào Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025. Ảnh: Nguyễn Hải
Toàn cảnh buổi làm việc, góp ý kiến của các ban, sở, ngành và hội doanh nghiệp vào Đề án Phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025. Ảnh: Nguyễn Hải

Đề án Phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025 được Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và được các sở, ngành, huyện, thị góp ý đến vòng thứ 3. Đến tháng 5/2021, toàn tỉnh có 13.400 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 10 cả nước.

Tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký từ năm 2016 đến năm 2020 là 60.152 tỷ đồng; doanh thu 170.700 tỷ đồng, doanh thu thuần và tốc độ tăng bình quân đạt 9,2%/năm, tăng 35,14% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; năm 2020, đóng góp của doanh nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 37,86%, tạo việc làm mới cho 15.835 lao động.

Bên cạnh nét tích cực trên, thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19và hội nhập quốc tế, doanh nghiệp Nghệ An bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp đứng vào tốp 10 cả nước, nhưng số doanh nghiệp/dân thì Nghệ An đứng ở thứ 51; quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 50 tỷ đồng/doanh nghiệp) chiếm tới 98%; công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp thực tế hoạt động chỉ chiếm 56,48% số doanh nghiệp đăng ký.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An đề xuất lộ trình chính sách cụ thể để thực hiện Đề án. Ảnh: Nguyễn Hải
Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An đề xuất lộ trình chương trình cụ thể để thực hiện đề án. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, thời gian qua, mặc dù tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng do năng lực nội tại của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; các cơ chế, chính sách của tỉnh và hạ tầng của tỉnh còn bất cập; các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chưa thực sự tương xứng; hạ tầng thiết yếu của tỉnh còn thiếu thốn, chưa đồng bộ.

Nâng cấp hạ tầng thiết yếu là ưu tiên để thúc đẩy kinh doanh và môi trường cho các doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: thi công nạo vét cảng biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải
Nâng cấp hạ tầng thiết yếu là giải pháp hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp bằng tạo điều kiện môi trường để các doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Thi công nạo vét Cảng biển Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo đề án, Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 30.000 doanh nghiệp, trong đó 20.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Để thực hiện tỉnh đề ra 7 nhóm giải pháp hỗ trợ gồm: tuyên truyền phát triển doanh nghiệp, phát triển số lượng và nâng cao chất lượng doanh nghiệp; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Cũng theo đề án, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ riêng về phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến, mở rộng thị trường, tiếp cận tín dụng, thông tin tư vấn pháp lý; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và doanh nghiệp khi tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị mới; hỗ trợ về kho bãi, phí vận chuyển...

Đại diện Đảng ủy Doanh nghiệp tỉnh đề xuất trên cơ sở Đề án gốc này, từng loại hình doanh nghiệp và từng thời điểm cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Nguyễn Hải
Đại diện Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh nhất trí phải có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và vượt khó. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại buổi làm việc, trên cơ sở gợi ý định hướng của chủ trì hội nghị, các đại biểu bổ sung thêm về cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ các hộ kinh doanh hay doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; hỗ trợ hợp tác đào tạo nhân lực lao động...

Đồng chí Lê Ngọc Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì kết luận nội dung buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận nội dung buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đây là đề án cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh nên cần phải chuẩn bị chu đáo, chất lượng; nắm rõ số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hiệp, hội doanh nghiệp để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Hiện tỉnh đang xem xét sửa đổi chính sách về hỗ trợ thu hút đầu tư, quy trình tiếp nhận dự án đầu tư… nên sẽ tiếp tục rà soát để chỉnh sửa cho đồng bộ và bao quát. Thống nhất với bố cục chung của dự thảo đề án này, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành hoàn thiện đề án; trong đó, xây dựng bảng biểu, phụ lục kèm theo; có lộ trình cụ thể thực hiện. Trên cơ sở đề án chung, tỉnh sẽ có các cơ chế hỗ trợ theo nhóm giải pháp để phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp./.

Mới nhất

x
Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 có 20.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO