Nghệ An: Giá bí đỏ giảm sâu, nhà nông thu hoạch cầm chừng
(Baonghean.vn) - Vụ xuân năm nay, bà con nông dân ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) trồng nhiều bí đỏ (còn gọi là bí hồ lô), mặc dù đạt năng suất cao, tuy nhiên do giá bí lên xuống thất thường khiến người dân chỉ thu hoạch cầm chừng.
Vụ xuân năm 2021 toàn huyện Anh Sơn, gieo trồng 337ha bí đỏ và bí xanh, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã dọc sông Lam như: Đỉnh Sơn 17ha, Cẩm Sơn 20ha, Tường Sơn 40ha, Hoa Sơn 25ha, Phúc Sơn 30ha, Lĩnh Sơn 20ha, Thọ Sơn 40ha.
Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch bí đỏ, mặc dù đạt năng suất cao, từ 1,5 đến 2 tấn/ha, tuy nhiên so với thời điểm trước đây, giá bí hiện nay xuống rất thấp. Trước đây, mỗi kg bí đỏ người dân bán tại ruộng có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg tùy chất lượng nhưng chỉ đạt 3.000-5.000 đồng/kg.
Do giá bí xuống thấp nên người dân chỉ dám thu hoạch cầm chừng. Ảnh: Tiến Đông |
Nhà chị Nguyễn Thị Giang, xóm Hội Lâm, xã Cẩm Sơn, năm nay trồng hơn 3 sào bí đỏ, mặc dù không tốn quá nhiều công chăm sóc, tuy nhiên cũng như các loại rau, quả vụ xuân khác, bí đỏ năm nay xuống giá rất thấp, chỉ 3.000 đồng/kg. Thậm chí nhiều thời điểm còn xuống thấp hơn nữa, thương lái tìm cách ép giá nên người dân cũng chỉ thu hoạch nhỏ lẻ.
Mỗi sào bí đỏ chi phí giống, phân bón người dân bỏ ra gần 1 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc và tiền thuê người thu hoạch,. Hiện do giá bí xuống thấp nên người nông dân đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: Tiến Đông |
Ông Hoàng Mạnh Hà, xóm trưởng xóm Hội Lâm, xã Cẩm Sơn cho biết: Toàn xóm Hội Lâm có khoảng 50 nhà trồng bí đỏ, đây là giống bí có năng suất cao, thời gian từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch là 3 tháng. Gia đình ông Hà cũng sản xuất 3 sào, chi phí giống, phân bón cho mỗi sào là gần 1 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc trong vòng 3 tháng và tiền thuê người thu hoạch. Nếu giá bí ổn định thì mỗi sào cũng cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá bí xuống thấp khiến người nông dân hết sức khó khăn.
Ông Hà cho rằng, do thời gian quả bí đỏ để trên ruộng được lâu hơn các loại cây trồng khác nên khi giá bí xuống thấp, người dân có thể thu hoạch cầm chừng để đợi giá lên cao hơn.
Người dân thu hoạch bí xong tập kết ven đường Quốc lộ 7A, sau đó sẽ có thương lái đến thu mua. Ảnh: Tiến Đông |
Ông Đặng Đình Luận - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn cho biết: Thông thường vào đầu mỗi vụ, các cơ sở thu mua vẫn về đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu với người dân, thế nhưng do giá hợp đồng thấp nên người dân không đồng ý mà chấp nhận theo giá thị trường.
Về vấn đề quy hoạch, ông Luận cho biết, hiện nay huyện cũng đã quy hoạch vùng trồng rau màu trên đất bãi, và thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích so với trước đây.