Nghệ An: Hạn hán khốc liệt, cá chết khô như sấy, nông dân cắt lúa cho trâu ăn

Ngọc Phương 25/07/2019 06:39

(Baonghean.vn) - Nắng nóng liên tục trong tháng 7 này đã làm 1.200 ha lúa và cây trồng ở Đô Lương thiệt hại nặng nề, trong đó 381 ha lúa bị chết. Ruộng đồng cháy vàng, nứt nẻ, cá chết khô trên đáy các hồ đập.

Toàn xã Đại Sơn - Đô Lương có 366 ha lúa thì có đến 254 ha bị hạn, nhiều diện tính lúa không thể khôi phục. Xã có 14 hồ đập lớn, nhỏ thì có đến 13 hồ đập cạn kiệt nước. Đập Khe Mua các năm trước luôn tích trữ nhiều nước, nay trơ đáy. Tại đập Chọ Ràn, do mực nước rút thấp dần, trời nắng nóng, nhiệt độ 38 độ C đến 39 độ C nhiều ngày liên tục đã làm cá chết khô nằm rải rác trên lòng đáy hồ đập.

Hồ đập khô cạn cá không sống nổi ở Đại Sơn - Đô Lương. Ảnh: Lê Ngọc Phương

Lúa là cây trồng chủ lực nhưng cũng đang chết dần. Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Nhường ở xóm 2 xã Đại Sơn - Đô Lương đã ra đồng cắt lúa về cho trâu ăn. Nỗi vất vả, nhọc nhằn từ khi làm đất, gieo lúa, bón phân, nay mất trắng khi lúa chuẩn bị đứng cái, làm đòng. Nắng hạn hơn một tháng nay đã làm ruộng đồng khô khốc.

Bà Nguyễn Thị Nhường hái lúa héo khô về làm thức ăn cho trâu. Ảnh: Ngọc Phương

Toàn bộ 7 sào lúa của gia đình bà Nhường cứ chết dần. Để trồng được 7 sào lúa này bà phải bỏ ra hơn 1 triệu tiền máy dập, 1,1 triệu tiền mua phân đạm, rồi tiền giống, bảo vệ đồng…

Gương mặt buồn rượi, bà Nhường nói: “Nắng hạn làm lúa chết hết, gia đình tui và bà con trong xóm mong cấp trên hỗ trợ cho một phần kinh phí bù lại lúc đầu tư gieo trồng…”.

Để cứu lúa, bà con nhân dân đã dùng máy bơm dầu bơm liên tục cả ngày lẫn đêm. Anh Nguyễn Văn Thái - Xóm phó xóm 8 xã Đại Sơn- Đô Lương cho biết, chúng tôi đã phải huy động bà con đào mương dẫn nước từ giữa đáy đập vào gần thân đập để bơm nước. Đây là lần thứ 4 kể từ đầu vụ chúng tôi đã phải bơm nước suốt ngày đêm để cứu cây lúa.

Để cứu lúa, nông dân Đô Lương đã phải dùng máy bơm dầu hút nước từ đáy hồ đập. Tuy nhiên các hồ đập trên địa bàn huyện đều ở mực nước chết. Ảnh: Ngọc Phương

Tại xã Hiến Sơn, tình trạng hạn hán cũng đang diễn ra khốc liệt, 465 ha lúa hè thu thì có đến 115 ha bị khô hạn, cây lúa quắt queo không phát triển được. Thiệt hại nặng nhất là ở các xóm Rú Hối, Hòa Long, Hòa Phú.

Toàn xã có 3 đập nước lớn thì trong đó có đập Lách đã cạn nước, 2 đập còn lại là Ba Thi, Trọt Lũy cũng đang ở mực nước chết.

Tính đến thời điểm cuối tháng 7 này, toàn huyện Đô Lương có hơn 1.200 ha lúa và hoa màu bị khô hạn thiếu nước gần 1 tháng nay, trong đó có trên 851 ha bị ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, 381 ha lúa bị chết.

Diện tích cây trồng vụ hè thu bị khô hạn chủ yếu tập trung ở các xã 2 đầu huyện, nước tưới phụ thuộc vào hệ thống hồ đập như: Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bài Sơn, Hiến Sơn, Trù Sơn, Nhân Sơn, Đại Sơn, Mỹ Sơn… Theo các địa phương thì hiện tại rất khó khăn trong việc chống hạn, do hồ đập đã cạn kiệt nước.

Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 81,5 ha, cá chết khô như sấy giữa nền đất khô cằn nứt nẻ.

Mức nước tại các hồ đập xuống thấp khi hạn hán kéo dài. Ảnh: Ngọc Phương
Mức nước tại các hồ đập xuống thấp khi hạn hán kéo dài. Ảnh: Ngọc Phương

Toàn huyện Đô Lương có 90 hồ đập lớn, nhỏ. Các hồ đập chủ yếu ở các xã miền núi và xã thuộc vùng hai đầu huyện. Hầu hết hồ đập trên địa bàn hiện nay đã khô cạn chỉ còn dưới 10%, không cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất hè thu.

Tình hình hạn hán đang diễn ra khốc liệt, nắng nóng năm nay dự kiến còn kéo dài đến tháng 9, lượng mưa ít và dự kiến số diện tích lúa, cây màu chết sẽ còn tăng thêm.

Mới nhất

x
Nghệ An: Hạn hán khốc liệt, cá chết khô như sấy, nông dân cắt lúa cho trâu ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO