Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 11/9
(Baonghean.vn) - Thu hút sự quan tâm, theo dõi của độc giả trong ngày 11/9 là sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại tỉnh Nghệ An liên quan đến Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng và chuẩn bị cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Trong ngày Huyện ủy Thanh Chương cũng công bố công tác điều động, luân chuyển cán bộ; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cư trú…
* Liên quan đến Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình cấp bách. Vì vậy, công tác hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải được thực hiện tích cực, khẩn trương.
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Dự án gồm 4 hợp phần. Theo thiết kế khu vực nước ngập của lòng hồ được xác định tại cao trình +76,4m.
Sau khi ngăn nước và xây dựng hệ thống tưới đập chính Bản Mồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ ảnh hưởng đến một phần diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các loại đất khác của 3 huyện và 7 xã, thị trấn của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Tổng diện tích rừng phải chuyển đổi là 1.131,23 ha (Nghệ An: 544,78 ha; Thanh Hóa: 586,45 ha). Bao gồm: 316,19 ha rừng phòng hộ; 679,5 ha rừng sản xuất và 135,53 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Thực hiện chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, tỉnh Nghệ An đã thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. Đồng thời, thành lập Hội đồng Thẩm định hồ sơ trình chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng dự kiến đến hết năm 2020 xây dựng hoàn thành đầu mối và 8 trạm bơm. Ảnh tư liệu |
* Cũng trong chuyến làm việc tại Nghệ An, sáng 11/9, đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã thống nhất: Chuỗi sự kiện “Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển” sẽ được diễn ra vào ngày 1/12/2020 tại Nghệ An.
Chương trình kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp gồm 5 nội dung chính: Lễ báo công, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ gắn biển công trình Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An; Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, giai đoạn 2021-2025 gắn với xúc tiến đầu tư Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An; Tổ chức triển lãm kết nối thành tựu ngành Lâm nghiệp; Lễ kỷ niệm “Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển”…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng |
* Sáng 11/9, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương tổ chức Lễ Công bố quyết định của Tỉnh ủy về bổ nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ.
Tại Lễ Công bố, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An bổ nhiệm, chỉ định đồng chí Nguyễn Hải Dương - Giám đốc Sở Ngoại vụ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn trao Quyết định bổ nhiệm Bí thư Huyện ủy Thanh Chương. Ảnh: Hữu Thịnh |
* Sáng 11/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 39 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Góp ý vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), ý kiến các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, nội dung, bố cục của dự án luật, nhất là về chủ trương thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang hình thức quản lý bằng số định danh cá nhân... Về điều khoản thi hành, đa số các đại biểu thống nhất chọn phương án, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2021) thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh :Thanh Lê |
* Sau khi Báo Nghệ An đăng bài: “Trồng hàng nghìn ha cây cao su, doanh nghiệp vẫn “chưa được" thuê đất” thông tin về những tồn tại, bất cập ở dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong, đến ngày 10/9/2020, Sở TN&MT phát hành 2 văn bản gửi UBND tỉnh và Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An.
Dự án trồng cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại các Quyết định số 1708/QĐ-UBND.NN ngày 29/4/2009; số 5990/QĐ-UBND ngày 11/11/2009; số 5334/QĐ-UBND ngày 6/12/2011 và số 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, với diện tích 10.759,6 ha.
Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ giao đất, cho thuê đất lưu tại Sở TN&MT cho thấy, đến thời điểm hiện nay Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An chưa tiến hành lập hồ sơ để thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trồng cây cao su theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, Sở TN&MT đề nghị Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An báo cáo về tình hình sử dụng đất của công ty trên địa bàn từng huyện, cụ thể: Diện tích quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; diện tích đã đưa vào sử dụng; thời điểm sử dụng đất đối với phần diện tích đã đưa vào sử dụng…
Vùng trồng cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An trên địa bàn xã Tiền Phong (Quế Phong). Ảnh: Nhật Lân |
* Nghệ An tiếp nhận 209 công dân từ nước bạn Lào về khu cách ly tập trung. Trong đó, 196 công dân là sinh viên và nghiên cứu sinh đang học tại các trường đại học ở Việt Nam và 13 công dân là người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống trên đất bạn Lào.
Tính đến 9 giờ ngày 11/9, thực hiện giai đoạn 2 phòng, chống Covid-19, trên địa bàn Nghệ An đã cách ly tập trung 6.431 công dân từ các nước và vùng có dịch trở về. Trong đó có 1.566 sinh viên và nghiên cứu sinh nước bạn Lào đang theo học tại các trường đại học ở Việt Nam. Đã có 5.979 công dân hoàn thành thời gian cách ly và có kết quả âm tính với Covid-19.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện tiến hành đo thân nhiệt cho các công dân. Ảnh: Trọng Kiên |
* Ở Nghệ An hiện có hàng chục di tích lịch sử gắn với phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930 - 1931). Mỗi di tích là một “địa chỉ đỏ” soi đường cho hậu thế tìm về phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi của người dân quê hương ngay từ khi mới thành lập Đảng. Chùm ảnh “Thăm những 'địa chỉ đỏ' ghi dấu phong trào Xô viết” là điểm nhấn về những hình ảnh ấn tượng trong ngày 11/9.
Quảng trường Xô viết Nghệ-Tĩnh ở thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên |