'Nghệ nhân' vá nồi giữa lòng thành Vinh

Diệp Thanh 06/09/2022 07:11

(Baonghean.vn) -  Trong nhịp sống ngày càng nhộn nhịp, những người thợ làm nghề hàn nồi, vá chảo ngày càng vắng bóng. Với rất nhiều ưu ái, tôi gọi họ là “nghệ nhân” – vì tính chất thủ công của công việc, vì sự khéo léo của đôi tay và sự gắn bó với nghề.

“Nghệ nhân” bên vỉa hè

Ông Chu Sỹ Hùng có một không gian làm việc "như mơ": trên vỉa hè, dưới tán cây, sát cạnh công viên. Qua 20 gắn bó với vỉa hè lộng gió, ông xây dựng cho mình "tệp" khách hàng thân tín không chỉ ở trên địa bàn thành phố Vinh mà còn ở các huyện lân cận và ở cả các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh.

"Xưởng" của ông Hùng nằm bên vỉa hè, cạnh hồ Goong. Ngoài nghề vá nồi, ông còn là một thợ cắt khóa nhiều kinh nghiệm. Ảnh: Diệp Thanh

Tôi gặp ông Hùng lần đầu tiên khi ông đang vá chiếc chảo cũ. Ông ngồi trên dải phân cách ven công viên, bên thùng đồ nghề khá lớn đựng ti tỉ các loại dụng cụ, từ búa sắt, búa gỗ, đục, đột, chạm, đe sắt (tròn, xẹt), đe gỗ, kìm, kéo… đến những tấm nhôm dùng để vá hay những chiếc nồi đang làm dở. Chiếc chảo nhôm được sản xuất từ thời “bao cấp” làm bằng hợp kim nhôm dày dặn bị thủng một lỗ dưới đáy chảo. Nhiệm vụ của ông Hùng là vá nó lại một cách thẩm mỹ, chắc chắn nhất có thể.

Dựa trên lỗ thủng ông Hùng sẽ chọn cách gò, hàn phù hợp. Để xử lý vết thủng đường kính khoảng 2cm của chiếc chảo trên tay, ban đầu ông khoét tròn lỗ thủng thành một hình thật tròn rồi đập lõm các mép của lỗ thủng bằng một chiếc búa và một chiếc đục. Không chỉ một lần, thao tác này được thực hiện nhiều lần, cho đến khi lỗ thủng thành một hình tròn hoàn hảo rộng tầm 5cm và phần mép của nó đủ mỏng để gấp loe ra phía ngoài.

Công việc vá nồi không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo với nhiều công đoạn. Ảnh: Diệp Thanh

Lúc này, ông Hùng dùng compa để đo kích thước của lỗ thủng và vẽ lại một hình lớn hơn trên một tấm nhôm phẳng. Hình tròn này được cắt ra, đập mỏng ở viền và gấp đứng ở các mép. Công đoạn tiếp theo đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo và bí quyết nghề nghiệp. Ông Hùng mài mịn các mép và úp tấm nhôm vừa khớp với lỗ thủng của nồi, dùng một chất keo đặc biệt do ông tự chế quết lên bề mặt tiếp xúc của 2 mép gấp rồi dùng đục và búa để khớp các 2 mép gấp này bọc lấy nhau một cách hoàn hảo. Chỉ trong 30 phút, vết vá cơ bản hoàn chỉnh và chiếc chảo “thương binh” lấy lại được chức năng của mình. Cuối cùng, sau khi miếng vá vừa khớp, ông hùng dùng một miếng gỗ cứng để đập cho các đường nét, hình dáng của chiếc chảo trở nên hoàn chỉnh và “phong độ” nhất. Đó chỉ là một phần trong rất nhiều thao tác khác của ông.

Những xoong, chảo đưa đến ông Hùng vá, sửa thường có tuổi đời nhiều chục năm. Ảnh: Diệp Thanh

Chứng kiến cách ông làm việc, dù rất ngại cái âm thanh chan chát chói tai của kim loại nhưng tôi thật sự bị thu hút bởi sự tài tình, khéo léo. Sau một lúc đục đục, gõ gõ, mồ hôi ông ướt xẹp cả tóc, trên lưng áo cũng thấm ướt. Xong chiếc chảo này, ông phải xử lý một chồng cao những nồi niêu, chảo, chậu bên cạnh nữa. Một khách hàng là đầu bếp lâu năm gọi điện hỏi thăm tiến độ hoàn thành và vui mừng khi biết bộ “đồ nghề” của mình có thể quay lại nhiệm vụ đúng thời gian dự kiến. Với người đầu bếp này, không một bộ nồi niêu đắt đỏ, xịn sò nào “đáng tiền” hơn những chiếc nồi niêu cũ kỹ của mình.

Vá víu những kỷ niệm

Ông Hùng kể, ông từng tốt nghiệp khoa Cơ khí Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và phục vụ nhiều năm trong quân ngũ. Sau khi về hưu, với thế mạnh kỹ thuật của mình, ông Hùng chọn công việc này để vừa có thêm tiền trang trải cuộc sống vừa có thời gian chăm sóc cho gia đình. Có lẽ vì đã gắn bó với màu áo lính rất lâu nên trang phục thường ngày của ông cũng là màu áo ấy, dù có sờn hơn, bạc hơn. Và có lẽ cũng nhờ những năm tháng trong quân đội nên ông vô cùng am hiểu và trân trọng những chiếc nồi từ thời chiến tranh.

Ông Hùng khớp miếng vá lên chỗ thủng của chảo. Ảnh: Diệp Thanh.

“Mọi người vẫn gọi nó là nồi gang nhưng kỳ thực chất liệu chủ yếu của nó là hợp kim nhôm. Một số trong số đó được tự đúc thủ công nguyên khối và vì thế chúng có dấu hiệu nhận biết rất riêng, rất đặc biệt. Có chiếc nồi được khắc tên theo gia chủ, có chiếc nồi được đặt bằng tên riêng, có chiếc nồi khắc ngày đám cưới để đem làm quà tặng… Chúng đều có những câu chuyện riêng rất thú vị và đáng trân trọng” – ông Hùng thổ lộ.

Trong hành trình làm nghề của mình, ông Hùng có cơ may “gặp lại” rất nhiều kỷ vật mang dấu ấn một thời xưa cũ, được lắng nghe những kỷ niệm, những câu chuyện rất riêng. Và ông vui với điều đó, ông thấy công việc của mình mới ý nghĩa, thú vị làm sao. Dù biết, niềm vui đó sẽ ít dần theo thời gian, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghiệp sản xuất hàng hoá. Nhìn dòng xe hối hả trước mặt, ông trầm ngâm: “Hiếm khi người ta mang những chiếc nồi mới đi sửa lắm, có chăng là đi dán lại đáy cho những chiếc chậu nhôm thôi, nhưng cũng không nhiều. Có khi dăm năm nữa, chẳng còn ai đi vá những chiếc nồi niêu, xoong chảo cũ kỹ này. Rồi nghề này sẽ biến mất như một lẽ tất nhiên thôi”.

Công việc giản dị, niềm vui giản dị của một "nghệ nhân" vá nồi vỉa hè. Ảnh: Diệp Thanh.

Tâm sự của ông cũng là nỗi niềm của nhiều người thích hoài niệm. Biết chẳng thể thay đổi được thời thế, tôi vẫn mong rằng ông sẽ được làm công việc này thật lâu. Và với tôi, ông sẽ mãi là một “nghệ nhân”, cả khi không ai công nhận.

Mới nhất
x
'Nghệ nhân' vá nồi giữa lòng thành Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO