Người phụ nữ khuyết tật truyền cảm hứng khởi nghiệp

Thu Hương 10/05/2023 16:49

(Baonghean.vn) - Chị Nguyễn Thị Thanh trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để làm chủ cơ sở kinh doanh hải sản, tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương. Và tấm gương của chị đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp.

Vượt lên số phận

Từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Thanh mắc căn bệnh quái ác u máu, u bạch mạch sàn miệng. Sau nhiều lần phẫu thuật cắt bỏ khối u, bệnh tình không đỡ mà còn tái phát, di căn... dẫn đến mất khả năng phát âm, nên mọi người gắn cho biệt danh “Thanh ngọng”.

Chị Nguyễn Thị Thanh được tặng Kỷ niệm chương tôn vinh nữ doanh nhân có trái tim vàng vì cộng đồng. Ảnh: Thu Hương

Bà Đào Thị Vinh (mẹ chị Thanh) cho biết: “Lúc đưa cháu đi viện, nhiều người đều cho rằng Thanh khó thoát được nguy hiểm, nhưng bằng nghị lực của cháu cũng như cố gắng của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ, Thanh may mắn thoát khỏi cửa tử, để lại khuyết tật ở vùng mặt. Khi các bạn cùng trang lứa hàng ngày cắp sách đến trường thì tuổi thơ của Thanh phải ròng rã đi chữa bệnh suốt 11 năm.

Lên cấp 2, gia đình động viên Thanh tiếp tục đi học nhưng do sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên cùng với sự miệt thị của bạn bè nên cháu không chịu được áp lực và bỏ học giữa chừng. Nghĩ thương cho hoàn cảnh của con nên gia đình ủng hộ và thường xuyên an ủi, tâm sự để cháu sớm vượt qua mặc cảm về bản thân, phấn đấu vươn lên”.

Nghỉ học, chị Thanh theo mẹ ra chợ phụ bán dưa, bán cà để có tiền nuôi các em ăn học. Mặc dù phải chiến đấu với bệnh tật, chịu những tổn thương tinh thần nhưng gánh trên vai trách nhiệm của người chị cả trong gia đình nghèo, năm 2015 chị Thanh quyết tâm khởi nghiệp. Với những kinh nghiệm trong thời gian “buôn thúng bán mẹt”, chị Thanh mạnh dạn vay vốn, mở cơ sở thu mua và chế biến hải sản mang tên “Thanh ngọng”.

Chị Thanh cùng Nhóm thiện nguyện trái tim xứ Nghệ thăm hỏi, ủng hộ nạn nhân trong vụ nổ ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Thu Hương

“Ngày đầu khởi nghiệp do chưa có kinh nghiệm cộng với khả năng giao tiếp hạn chế nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thị trường không ổn định. Sau đó, tận dụng mạng xã hội, tôi đã đăng bán sản phẩm trên Facebook cá nhân; đồng thời đi tìm kiếm thị trường từ Bắc vào Nam để thương hiệu hải sản địa phương ngày càng được khách hàng biết đến nhiều hơn. Khi có chỗ đứng trên thị trường, mỗi năm cơ sở thu mua hàng trăm tấn hải sản, góp phần giải quyết bài toán đầu ra sản phẩm cho bà con ngư dân vùng biển”, chị Thanh chia sẻ.

“Xương rồng vẫn nở hoa”

Với sự nỗ lực vươn lên trong kinh doanh, chị Thanh hiện có mức thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng từ nghề thu mua, chế biến hải sản. Theo chị, lúc mới khởi nghiệp rất chật vật do nhiều người còn nghi ngờ khả năng “làm chủ” của người khuyết tật, nhưng cách thuyết phục tốt nhất là quyết tâm thực hiện công việc thật hiệu quả và chị đã làm được. Hiện cơ sở thu mua và chế biến hải sản của chị Thanh đang tạo việc làm cho trên 20 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài tập trung phát triển nghề kinh doanh hải sản, chị Nguyễn Thị Thanh còn dành thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, hướng về những mảnh đời bất hạnh.

Chị Thanh cùng nhóm thiện nguyện tặng quà cho bà con Kỳ Sơn nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Ảnh: Thu Hương

Là người từng chịu nhiều áp lực và mặc cảm xã hội nên chị Thanh rất thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh của những phụ nữ yếu thế và trẻ em khuyết tật. Khi công việc kinh doanh thuận lợi, số nợ vay đã trả hết, mỗi năm chị Thanh trích ra hàng chục triệu đồng từ lợi nhuận kinh doanh để thăm hỏi, trao tặng các mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ tàn tật khởi nghiệp; động viên các chị em mạnh mẽ vượt qua đau thương, mặc cảm để vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống.

Bên cạnh đó, chị còn hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn... Hiện nay, chị Thanh còn là trưởng nhóm hải sản thiện tâm; thành viên nhóm kết nối yêu thương, trái tim xứ Nghệ và xe cứu thương “0 đồng”...

Chị Trần Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Với ý chí tự lực tự cường, vươn lên kinh doanh có hiệu quả và đặc biệt là tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, chị Nguyễn Thị Thanh vinh dự được nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Thị Mỹ Hoa tặng Kỷ niệm chương tôn vinh nữ doanh nhân có trái tim vàng vì cộng đồng. Ngoài ra, chị còn điển hình phụ nữ khuyết tật làm kinh tế giỏi, là tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được các cấp hội phụ nữ biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, ngày 14/4/2023, chị Thanh là một trong những phụ nữ khuyết tật vượt khó tiêu biểu được mời tham dự chương trình “Xương rồng vẫn nở hoa” do Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ về hoàn cảnh và hành trình vượt lên chính mình, nêu cao tinh thần “tàn nhưng không phế”.

Mới nhất
x
Người phụ nữ khuyết tật truyền cảm hứng khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO