Một năm sau lũ, nhiều giáo viên huyện vùng cao Nghệ An vẫn chưa thể 'an cư'

Minh Quân 28/08/2023 07:03

(Baonghean.vn) - Trận lũ kinh hoàng vào đầu tháng 10/2022 đã khiến nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bị mất nhà hoặc thiệt hại tài sản. Đến nay, dù việc khắc phục hậu quả vẫn còn rất bộn bề nhưng hầu hết các thầy, cô  vẫn bám trường, bám lớp, vì sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao.

Vẫn phải ở nhờ, ở tạm

Trước thềm năm học mới 2023 – 2024, chúng tôi về lại huyện Kỳ Sơn, gặp những giáo viên bị có nhà bị lũ cuốn hoặc bị sập trong trận lũ lịch sử vào tháng 10/2022.

Một trong số đó là trường hợp của thầy Mùa Bá Tủa – giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Huồi Tụ và cô Dềnh Y Dở - giáo viên Trường Mầm non Huồi Tụ. Trong đêm xảy ra lũ, gia đình 5 người của đôi vợ chồng giáo viên người dân tộc Mông này may mắn sơ tán kịp thời, nhưng ngôi nhà cạnh khe, suối cùng toàn bộ đồ đạc đã bị cuốn phăng theo nước lũ.

Sau khi nước lũ rút, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng cùng thanh niên tình nguyện, gia đình thầy Tủa đã dọn dẹp bùn, đất, đá rồi dựng một căn nhà tạm bằng tôn trên nền đất cũ.

bna_Vợ chồng thầy Mùa Bá Tủa - cô Dềnh Y Dở trước ngôi nhà tạm trên nền đất cũ ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ.JPG
Vợ chồng thầy Mùa Bá Tủa - cô Dềnh Y Dở trước ngôi nhà tạm trên nền đất cũ ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ. Ảnh: Minh Quân

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nóng hầm hập dưới cái nắng tháng 8, thầy Mùa Bá Tủa cho biết, trận lũ năm ngoái đã khiến gia đình thầy bị thiệt hại gần 140 triệu đồng. Sau lũ, gia đình thầy là một trong số những hộ dân ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén phải di dời khẩn cấp, do nhà ở ngay cạnh khe Huồi Cạn, nền đất yếu, nguy cơ sạt lở rất cao vào mùa mưa. Tuy nhiên, đến nay, thầy, cô và các cháu nhỏ vẫn phải bám trụ lại trong căn nhà tạm chỉ với một số đồ đạc thiết yếu mà họ sắm được từ tiền hỗ trợ của chính quyền, ngành Giáo dục và một số nhà hảo tâm.

bna_Cô Dềnh Y Dở chuẩn bị bữa trưa trong ngôi nhà tạm nóng bức.JPG
Cô Dềnh Y Dở chuẩn bị bữa trưa trong ngôi nhà tạm nóng bức. Ảnh: Minh Quân

Cùng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, cô La Thị Vân – giáo viên Trường Mầm non Bảo Nam và cô La Thị Coóng - giáo viên Trường Mầm non Chiêu Lưu 2 cũng là những giáo viên bị mất nhà trong đợt lũ. Chồng mất, cô La Thị Vân một mình nuôi 2 con nhỏ. Năm 2022, cô vay 300 triệu đồng để xây một ngôi nhà gạch lợp tôn, mới ở 3 tháng thì lũ ập về, cuốn trôi toàn bộ tài sản, chỉ để lại 2 bức tường xiêu vẹo. Còn gia đình cô La Thị Coóng thì bị lũ cuốn trôi không chỉ toàn bộ ngôi nhà mà cả nền đất để dựng nhà, vị trí ngôi nhà cũ giờ nằm giữa suối. Từ giữa tháng 10 năm ngoái đến nay, 2 cô phải ở tạm trong Trường Mầm non cũ của thị trấn Mường Xén.

Ngoài những giáo viên là người Thái, người Mông bản địa, trong số các giáo viên bị thiệt hại nhà cửa, tài sản, có nhiều thầy, cô là người miền xuôi lên Kỳ Sơn công tác, đã xây dựng nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp với vùng cao. Tuy nhiên, lũ ập về đột ngột, việc an cư của các thầy, cô trở nên bấp bênh.

Ví như trường hợp thầy Đinh Nho Thành (Trường THPT Kỳ Sơn), quê ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), lên Kỳ Sơn công tác từ năm 2004. Năm 2009, thầy Thành kết hôn với cô Nguyễn Thị Hoài – giáo viên Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, là người cùng quê, lên công tác từ năm 2007. Trong 12 năm chung sống, đôi vợ chồng giáo viên này cần mẫn tích góp dựng được được ngôi nhà kiên cố ở bản Hòa Sơn.

Đợt lũ năm 2022, ngôi nhà của thầy, cô tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước lũ, nhưng đã bị sụt lún nghiêm trọng, khiến cả nhà phải di dời khẩn cấp. Sau khi ở tạm tại một số gia đình bạn bè, đồng nghiệp, từ cuối tháng 10 năm 2022, gia đình thầy, cô chuyển vào ký túc xá giáo viên của Trường THPT Kỳ Sơn.

bna_Ngôi nhà cũ của thầy Đinh Nho Thành - cô Nguyễn Thị Hoài có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.jpg
Ngôi nhà cũ của thầy Đinh Nho Thành (Trường THPT Kỳ Sơn) - cô Nguyễn Thị Hoài (Trường Tiểu học Nậm Cắn 1) có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Minh Quân

Còn cô giáo Ngũ Thị Bích Ngọc (quê ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên) theo chồng là người cùng quê lên công tác tại huyện Kỳ Sơn từ năm 2017. Trong trận lũ năm 2022, gia đình cô giáo của Trường Mầm non Tà Cạ này có một ngôi nhà, 2 mảnh đất nằm ven đường cùng 1 trang trại gà ở bản Sơn Hà đều bị lũ cuốn trôi hết. Gần 1 năm qua, cả gia đình 4 người của cô đang tá túc trong một căn phòng chưa đầy 30m2 của khu tập thể Huyện ủy Kỳ Sơn.

“Sau trận lũ, gia đình em cũng như gia đình các giáo viên bị thiệt hại trên địa bàn huyện đã nhận được những sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của ngành Giáo dục, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của gia đình là có được một nơi ở mới an toàn để vợ chồng yên tâm công tác”, cô Ngọc tâm sự.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, sau đợt mưa lũ vào tháng 10/2022, toàn huyện có 80 gia đình của giáo viên có nhà bị thiệt hại, gồm 79 giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS và 1 giáo viên của Trường THPT Kỳ Sơn. Trong đó, có đến 24 nhà của các thầy, cô giáo (chủ yếu ở 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà, xã Tà Cạ) bị nước lũ cuốn trôi hoặc bị sập hoàn toàn, chiếm gần một nửa của toàn huyện (54 nhà); còn lại bị nước, bùn đất tràn vào nhà, bị nước cuốn trôi hoặc làm hư hỏng một phần tài sản.

Để các thầy, cô yên tâm gắn bó sự nghiệp “trồng người”

Theo khảo sát sơ bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, trước năm học mới 2023 – 2024, trong số 24 giáo viên có nhà bị lũ cuốn trôi hoặc làm sập hoàn toàn, chỉ có 2 trường hợp hiện đã ổn định chỗ ở là cô Lô Thị Trang – giáo viên Trường Mầm non Huồi Tụ và cô Lô Thị Lai – giáo viên Trường Mầm non Tây Sơn.

Cô Lô Thị Trang trước đây là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất của bản Hòa Sơn khi có chồng bị chấn thương sọ não, mất khả năng lao động, 1 đứa con 5 tuổi bị bệnh tan máu bẩm sinh. Trong trận lũ, ngôi nhà gỗ của cô cùng toàn bộ tài sản bị cuốn trôi. Biết được hoàn cảnh khó khăn của cô, các nhóm thiện nguyện từ một số huyện như Diễn Châu, Đô Lương… đã kêu gọi ủng hộ giúp đỡ gần 200 triệu đồng để cô xây dựng ngôi nhà mới tại bản Keo Lực 2, xã Phà Đánh.

bna_Ngôi nhà mới của cô Lô Thị Trang (giáo viên Trường Mầm non Huồi Tụ) tại xã Phà Đánh.jpg
Ngôi nhà mới của cô Lô Thị Trang ở bản Keo Lực 2, xã Phà Đánh. Ảnh: Minh Quân

Còn gia đình cô Lô Thị Lai dù bị sập một phần nhà nhưng may mắn không thuộc diện phải di dời nên từ sự giúp đỡ của họ hàng, người thân đã sửa chữa nhà, thay thế một số đồ dùng đã trôi, hư hỏng.

Tuy nhiên, hiện có 22 giáo viên hiện đang phải ở tạm tại khu tập thể, ký túc xá của một số cơ quan, trường học trên địa bàn huyện hoặc ở dựng nhà tạm trên nền đất cũ trong lúc chờ di dời. Ngoại trừ khu ký túc xá của Trường THPT Kỳ Sơn, hầu hết những nơi ở tạm điều kiện sinh hoạt chật hẹp, thiếu thốn đối với những gia đình 4-5 người. Một số gia đình thầy cô đang dựng nhà tạm trên nền đất cũ như vợ chồng thầy Mùa Bá Tủa – cô Dềnh Y Dở, cô La Thị Den Ca (Trường Mầm non thị trấn Mường Xén), cô Nguyễn Thị Danh (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tà Cạ), thầy Nguyễn Quốc Khánh (Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén)… đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục bị lũ quét hoặc sạt lở nếu có mưa lớn.

Dẫu vậy, để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, các thầy, cô vẫn bám trường, bám lớp, tích cực làm các công việc chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, từ đầu tháng 8 đến nay, sau khi giáo viên trên địa bàn toàn huyện tựu trường, vợ chồng thầy Mùa Bá Tủa – cô Dềnh Y Dở hằng ngày gửi con sang nhà bố mẹ thầy Tủa, sáng sớm chở nhau đi, chiều tối chở nhau về hơn 30 cây số giữa nhà và 2 ngôi trường ở xã Huồi Tụ.

bna_HuoiTU2.jpg
Các cô giáo Trường Mầm non Huồi Tụ trang trí lớp học, tu sửa đồ dùng, đồ chơi để chuẩn bị đón trẻ vào năm học mới. Ảnh: Minh Quân

Ngoài dọn dẹp vệ sinh và tu sửa cơ sở vật chất trường lớp, thầy, cô còn có thêm nhiệm vụ đến các bản để rà soát, nắm bắt các trường hợp học sinh đang đi thăm bố mẹ đi làm ăn xa để lập kế hoạch tuyên truyền, vận động đưa các em trở về địa phương trước khi bước vào năm học mới theo chỉ đạo của huyện. “Dù khó khăn như thế nào thì vợ chồng em vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà các nhà trường đã giao phó”, cô Dềnh Y Dở tâm sự.

bna_dieutraphocap.jpg
Các giáo viên Trường Mầm non Huồi Tụ phối hợp với Ban Quản lý các bản thực hiện điều tra phổ cập. Ảnh: Minh Quân

Còn cô Ngũ Thị Ngọc cho biết, dù gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ, cô vẫn chưa từng có ý định rời bỏ vùng cao, rời bỏ bản, làng và những em thơ ở đây. Cô vẫn đi dạy ở Trường Mầm non Tà Cạ, đem con chữ đến với trẻ em vùng cao. Những ngày này, hằng ngày cô đến trường để dọn dẹp, trang trí lớp học, tu sửa đồ dùng, đồ chơi để chuẩn bị đón trẻ vào năm học mới. “Chưa bao giờ tôi muốn rời bỏ mảnh đất này, những đứa trẻ ở đây đang rất cần mình. Dù lên đây được hơn 6 năm nhưng với tôi, mảnh đất này là duyên, là nghiệp rồi”, cô Ngọc chia sẻ.

Hầu hết các giáo viên bị mất nhà, sập nhà do lũ đều mong muốn sớm có nơi tái định cư để ổn định cuộc sống. Và đó không chỉ là mong muốn của các thầy, cô mà cũng là mong muốn của 200 hộ dân của xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén. Được biết, từ cuối tháng 12/2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ”. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 94 tỷ đồng, bao gồm nguồn hỗ trợ từ vốn ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng, từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh 25 tỷ đồng, từ doanh nghiệp 10 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, đến nay, sau gần 8 tháng, do những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chậm chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên sang đất ở, đến thủ tục giải ngân…, dự án vẫn chưa thể triển khai.

Theo nhu cầu hiện tại của 3 cấp học, ngành Giáo dục Kỳ Sơn thiếu hơn 100 giáo viên. Do đó, để giải quyết bài toán này, bên cạnh các giải pháp tạm thời như sáp nhập, dồn ghép điểm lẻ... cũng cần quan tâm đến các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các giáo viên bị mất nhà, thiệt hại nặng nề trong trận lũ lịch sử vào tháng 10/2022, bởi đến nay sau gần 1 năm rất nhiều giáo viên vẫn chưa thể “an cư”. Rất mong dự án tái định cư cho người dân vùng lũ sớm được triển khai để người dân vùng lũ nói chung và các thầy, cô giáo bị mất nhà cửa nói riêng sớm ổn định cuộc sống, từ đó yên tâm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở huyện vùng cao này”.

Ông Phạm Viết Phúc - Quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn

Mới nhất
x
Một năm sau lũ, nhiều giáo viên huyện vùng cao Nghệ An vẫn chưa thể 'an cư'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO