Nhớ về cuộc đời cô Thanh - Bạch Liên nữ sĩ
Ngoài thân sinh, thân mẫu là ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, thì người có ảnh hưởng nhiều đến Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chị gái - cô Nguyễn Thị Thanh.
Gia đình là cái nôi đầu tiên của mỗi người để hình thành những tình cảm tốt đẹp, cá tính tuổi thơ góp phần nuôi dưỡng nhân cách. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ, thì tấm gương của những người thân trong gia đình đã có ảnh hưởng mạnh mẽ sâu sắc đến việc hình thành nhân cách cao đẹp của Người.
Ngoài thân sinh, thân mẫu là ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, thì người có ảnh hưởng nhiều đến Người chính là người chị gái - cô Nguyễn Thị Thanh.
Cũng như hai người em trai của mình, cô Thanh được sinh ra trên chính mảnh đất Hoàng Trù quê mẹ (1884), được sống trong tình yêu thương, sự dạy bảo của cha mẹ, ông bà ngoại và dì An (tức bà Hoàng Thị An em gái bà Hoàng Thị Loan). Từ nhỏ cô Thanh đã được dạy cho điều hay lẽ phải, biết yêu lao động, sống yêu thương. Là con gái đầu lòng, cô sớm bộc lộ những đức tính tốt đẹp, hiếu thảo của một người con, người cháu, người chị cả trong gia đình.
Năm 1895, khi cha mẹ và hai em đi vào Huế, cô Thanh phải ở lại với bà ngoại để bà cháu sớm tối bên nhau, đỡ đần việc nhà và chăm sóc bà lúc ốm đau. Vừa lên 11 tuổi, cô đã sớm phải rời xa vòng tay bố mẹ, xa tiếng nói cười của các em. Ở tuổi đó tránh sao những buồn tủi, những đêm khóc vì nhớ mẹ. Để rồi xa mẹ năm ấy cho đến ngày mẹ ra đi mãi mãi ở đất kinh thành, cô cũng không được một lần gặp lại mẹ. Có lẽ đó chính là nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn để rồi sau này ở thời gian bị quản thúc ở Huế, trong một chuyến xin về thăm quê vào năm 1922, cô đã bí mật mang hài cốt mẹ trèo đèo lội suối hàng trăm cây số trở về quê nhà an táng. Đó là nghị lực phi thường của một người con gái chí hiếu. Sau này người em trai của cô là cậu Nguyễn Sinh Khiêm đã tìm được vị trí đẹp trên núi Động Tranh, xã Nam Giang làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho người mẹ kính yêu.
Khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, gia đình về Làng Sen “vinh quy bái tổ”. Lúc này, cô Thanh đã là thiếu nữ tuổi 17, cô thông thạo chữ Hán, đặc biệt cô có vốn hiểu biết về nền y học dân tộc. Các chàng trai trong làng, ngoài xã ngấp nghé muốn dạm hỏi cô về làm vợ. Lẽ thường người con gái ở lứa tuổi đẹp nhất ấy, cô cũng sẽ có một ước mơ về một tổ ấm hạnh phúc riêng. Thế nhưng, với tấm lòng hiếu thảo với cha, tình yêu thương với em mà cô đều từ chối, tạm gạt bỏ đi hạnh phúc riêng tư. Cô đảm đang chăm lo quán xuyến việc gia đình, phụng dưỡng cha và chăm sóc các em khi mẹ không còn nữa; vừa đảm nhận trách nhiệm vai trò một người chị, vừa làm tròn vai trò của một người mẹ trong gia đình. Bởi thế, những năm tháng ở quê nhà tuy không còn mẹ nữa, nhưng anh em Bác Hồ vẫn được chăm sóc yêu thương hết mực. Đức hy sinh, tấm lòng hiếu thảo ấy của cô Thanh phải chăng là đã được ảnh hưởng từ chính cuộc đời cao đẹp của mẹ là bà Hoàng Thị Loan.
Năm 1906, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế làm quan, đưa hai cậu con trai đi cùng, thì cô Thanh ở lại trông nom nhà cửa ruộng vườn. Điều cô không thể ngờ là lần thứ hai tiễn cha và hai em vào Huế cũng là lần cuối cùng cô được gặp người cha kính yêu. Năm 1929, ông Nguyễn Sinh Sắc qua đời tại đất Cao Lãnh (Đồng Tháp), cô Thanh cũng là người con duy nhất trong gia đình được vào thắp hương tiễn biệt cha.
Cuộc đời cô Thanh không chỉ sáng ngời đức hy sinh, lòng hiếu thảo mà cô còn là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, dũng cảm kiên trung. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống đã bồi đắp trong cô lòng yêu nước tự hào dân tộc. Lớn lên chứng kiến cảnh lầm than nô lệ của người dân mất nước đã sớm nhen nhóm trong cô lòng căm thù, ý chí đánh đuổi giặc xâm lược. Bởi vậy, những năm tháng tuổi trẻ ở Làng Sen cô tích cực tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào của Đội Quyên, Đội Phấn, làm liên lạc quyên góp tiền cho nghĩa quân và phong trào Đông Du. Năm 1910, trong lúc cô đang làm nhiệm vụ liên lạc thì bị địch bắt. Dù bị địch đánh đập tra tấn dã man bằng nhiều hình thức, nhưng cô vẫn không khai nửa lời. Vì không tìm được chứng cứ cụ thể bọn chúng phải trả tự do cho cô.
Trước những hoạt động yêu nước của cô Thanh, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đã cho lập hồ sơ ký hiệu A11667 để theo dõi cô. Nhưng cô không hề lo sợ. Ngay sau khi ra tù cô đã mở quán cơm ở Vinh để làm địa điểm liên lạc bí mật và lấy vũ khí của lính khố xanh để tiếp tế cho nghĩa quân. Ngày 5/2/1918, cô tham gia lấy trộm súng trong kho của Trại giám binh. Sự việc không may bị bại lộ, cô bị bắt và kết án 9 năm tù khổ sai đày xa quê hương. Ngày 2/12/1918, cô Thanh bị đưa vào nhà lao Quảng Ngãi. Trong những năm tháng đó, với tấm lòng nhân hậu, bằng vốn hiểu biết về y học dân tộc của mình cô đã giúp chữa bệnh cứu người. Chính vì thế mà ở đâu cô cũng được yêu mến, kính nể.
Sau những năm tháng lưu đày quản thúc, ngày 18/9/1940 cô Nguyễn Thị Thanh được trả tự do trở về quê hương sinh sống.
Năm 1946, khi biết tin em trai mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh cô mừng vui khôn xiết. Cô Thanh ra Hà Nội thăm em. Cuộc gặp gỡ xúc động nghẹn ngào của người chị với người em trai sau hàng chục năm xa cách, có bao câu chuyện muốn nói, chuyện làng xóm họ hàng, chuyện gia đình. Thế nhưng, vẫn là tấm lòng của một người chị thấu hiểu, cảm thông. Biết trọng trách của người đứng đầu đang giữa bộn bề việc nước, những giây phút ngắn ngủi, gặp rồi chia tay em cô Thanh trở về quê nhà. Những năm tháng tuổi già cô sống bình dị, mẫu mực với xóm làng, bà con thân thuộc ở Làng Sen.
Ngày 25/4/1954 (23 tháng 3 năm Giáp Ngọ), cô đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 70 tuổi trong niềm tiếc thương, kính trọng của anh em họ hàng, nhân dân xã Kim Liên.
Cuộc đời cô Nguyễn Thị Thanh là tấm gương sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam, những phẩm chất cao quý, một tấm gương về lòng yêu nước sâu sắc. Chính từ tấm gương, cuộc đời của người chị gái và những người thân trong gia đình đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành tình cảm tốt đẹp, nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.