Những nỗ lực vận động đồng bào ở vùng biên Kỳ Sơn không theo 'đạo lạ'

Đào Thọ 21/09/2023 15:04

(Baonghean.vn) - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào các dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch tìm cách phá hoại sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Huyện Kỳ Sơn đã triển khai hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới bằng nhiều giải pháp phù hợp.

Những chiêu trò chống phá mới

Xã vùng cao Huồi Tụ (Kỳ Sơn) có 97% đồng bào dân tộc Mông. Theo thống kê, năm 2020 toàn xã có đến 32 người truyền đạo trái phép và theo các đạo lạ. Họ sẵn sàng từ bỏ các phong tục tập quán của người Mông như cưới hỏi, ma chay, thờ cúng tổ tiên,… để nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.

BNA_ Một góc xã Huồi Tụ -Kỳ Sơn- Nguyên Nguyên.JPG
Một góc xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Nguyên Nguyên

Thông tin nắm bắt được tại huyện Kỳ Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 5 hộ/34 nhân khẩu và một số cá nhân trú tại xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Tà Cạ (người dân tộc Mông) bị một số tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn lôi kéo, dụ dỗ đi theo tà đạo (tiếng Mông gọi là theo Vàng Chứ). Điều đó trái với phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, dòng họ người Mông, vi phạm quy ước, hương ước các bản.

Các đối tượng nêu trên tuyên bố không cần đến sự quản lý của chính quyền xã, ban quản lý bản, không cần sự giúp đỡ về mọi mặt của nhân dân trong bản, sẵn sàng từ bỏ gia đình, anh em, họ hàng. Nổi lên trong đó có Vừ Bá M, Xồng Bá T và Vừ Bá S, trú tại xã Na Ngoi. Các đối tượng này còn có hoạt động móc nối với các đối tượng bên ngoài, quay phim, chụp ảnh, chia sẻ thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube nói xấu cấp ủy, chính quyền và phong tục, tập quán của đồng bào Mông.

bna_1.jpg
Một tài khoản thông tin sai sự thật tình hình cứu trợ thiên tai trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh chụp màn hình: Đào Thọ

Chính quyền và các lực lượng chức năng ở Kỳ Sơn đã nắm bắt được thông tin, các đối tượng theo đạo nêu trên thường xuyên móc nối với đối tượng Lỳ A Chả, sinh năm 1992, quê quán xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; thường trú tại xã Mường Lý, (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), hiện đang tạm trú tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Đối tượng này sử dụng tài khoản Facebook với nick name “LY A Cha (Xaiv Cia Lis)” để quay video clip đăng tải lên mạng xã hội nói xấu chính quyền huyện Kỳ Sơn, bôi nhọ, vu khống chính quyền đàn áp tôn giáo.

Một số đối tượng còn lợi dụng tình hình thiên tai bão lụt để chống phá. Cơn lũ quét xảy ra vào đầu tháng 10/2022 đã gây ra thiệt hại vô cùng to lớn đối với huyện vùng biên này. Trong khi các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm và nhân dân cả nước đang hướng về Kỳ Sơn thì lợi dụng việc cứu trợ, một số đối tượng vẫn đăng bài lên các trang mạng xã hội để vu khống, nói xấu sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền huyện.

Ngày 05/10/2022, sau 3 ngày xảy ra lũ quét tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, tài khoản Facebook mang tên “Hoài Thạch Sơn” đăng tải 02 tin với nội dung “CỨU TRỢ KỲ SƠN: không phải ai cũng được vào bản, được trực tiếp với dân!”; “CỨU TRỢ KỲ SƠN: Dân cần tiền, lương khô, nước sạch đóng chai! Đem gạo, mì tôm: cán bộ chất vào kho”. Những bài viết đó có nội dung nhạy cảm, sai sự thật.

bna_Cán bộ, chiến sĩ Nghệ An giúp đỡ người dân huyện Kỳ Sơn khắc phục hậu lũ ống. Ảnh Tiến Dũng.JPG
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Nghệ An giúp đỡ người dân huyện Kỳ Sơn khắc phục hậu quả lũ ống sau tháng 10/2022. Ảnh tư liệu: Tiến Dũng

Đồng chí Lữ Quang Hưng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết thêm: Trong tình hình mới, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng ở địa bàn huyện Kỳ Sơn ngày càng trở nên phức tạp. Một số người dân thiếu hiểu biết, chưa rõ ngọn ngành sự việc đã sẵn sàng “like, share” các bài viết của các đối tượng xấu nên từ đó cũng vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch.

Đa dạng phương pháp và hình thức đấu tranh

Trước sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Huyện ủy Kỳ Sơn nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo 35 bao gồm đầy đủ các thành viên, cộng tác viên của các tổ chức chính trị xã hội từ cấp huyện đến cơ sở.

BNA_ Huồi Mũ- Huồi tụ- Nguyên nguyên.JPG
Đồng chí Vừ Giống Dìa (thứ 2 bên trái) - Bí thư Chi bộ Huồi Mũ, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cùng Chi Hội phụ nữ đến các hộ dân tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Nguyên Nguyên

Qua nhiều hội nghị, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các thành viên, cộng tác viên theo dõi chặt chẽ không gian mạng để trực tiếp đưa ra phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, qua đó phản bác lại các quan điểm sai trái, định hướng đúng dư luận.

Tại địa bàn xã Huồi Tụ, Đảng ủy, chính quyền cùng các đoàn thể xã phối hợp chặt chẽ với những người đứng đầu dòng họ, những già làng có uy tín tại các bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo kẻ xấu xúi giục.

“Đó là những người có tiếng nói trong cộng đồng người Mông nên khi họ đã đứng ra thuyết phục, vận động đạt hiệu quả rất lớn. Sau một thời gian kiên trì, những người theo đạo lạ và truyền đạo trái phép đã quay lại với bản sắc của đồng bào mình. Đến nay xã Huồi Tụ đã cơ bản không còn người theo đạo và truyền đạo trái phép” - Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ Dềnh Bá Lồng nói.

bna_4.jpg
Đội tuyên truyền lưu động trong phòng chống dịch Covid-19 ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Thọ

Để phản bác lại quan điểm của các thế lực thù địch, đồng chí Dềnh Bá Lồng đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đến nhà những người theo đạo lạ để tìm hiểu, phối hợp với những người có uy tín tại các bản để thực hiện công tác tuyên truyền. Từ đó, dùng các trang mạng để đăng bài và clip vạch trần từng luận điệu của các thế lực thù địch.“Khi đăng bài, clip, chúng tôi phải chỉ đạo viết và nói bằng 2 thứ tiếng Mông và phổ thông. Nhờ những người trong cuộc ở địa phương phản bác lại chính lời nói xuyên tạc của con em họ nên sức mạnh thuyết phục càng lớn hơn. Cùng đó, cán bộ xã phải xây dựng đạo đức, tác phong, lối sống, cách làm việc khoa học, chuẩn mực, từ đó, bà con càng tin vào cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, không theo đạo lạ và không tin vào sự xúi dục của các đối tượng phản động” – Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ - Dềnh Bá Lồng chia sẻ.

BNA_ Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Cắn phối hợp vận đông đồng bào kinh doanh những mặt hàng đúng qđ pháp luật- Nguyên nguyên.JPG
Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Cắn (Kỳ Sơn) phối hợp vận động đồng bào kinh doanh những mặt hàng đúng quy định pháp luật. Ảnh: Nguyên Nguyên

Là địa bàn có 11 xã biên giới nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp ở huyện Kỳ Sơn mang tính đặc thù. Anh Vi Như Cường, đội viên đội tuyên truyền lưu động xã Tà Cạ cho hay, đặc thù của xã có nhiều bà con là người dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú nên họ rất khó hiểu khi nghe loa phát thanh tuyên truyền bằng tiếng phổ thông. Do đó, đội phải cử những người am hiểu về văn hóa, tiếng của từng dân tộc để giải thích với người dân…

“Điều đặc biệt là trong công tác tổ chức tuyên truyền lưu động bằng tiếng của đồng bào, các đội tuyên truyền thu giọng nói của các già làng, trưởng bản, người đứng đầu họ, người có uy tín của đồng bào các dân tộc, nên hiệu quả thông tin rất cao. Qua đó, làm tốt công tác định hướng tư tưởng, góp phần tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngăn chặn, phản bác với các tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch” - đồng chí Lữ Quang Hưng - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Kỳ Sơn cho biết thêm.

BNA_Đồng chí Lữ Quang Hưng - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyên ủy Kỳ Sơn- thứ 2 bên trái- cùng cán bộ huyện, xã gặp gỡ đồng bào Mông ở xã Huồi Tụ- Nguyên nguyên.JPG
Cán bộ Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn cùng cán bộ xã gặp gỡ đồng bào Mông ở xã Huồi Tụ. Ảnh: Nguyên Nguyên
bna_2.jpg
Các cấp ngành ở Kỳ Sơn đấu tranh với quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình: Đào Thọ

Huyện Kỳ Sơn cũng tăng cường nắm bắt và định hướng thông tin qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... Tạo các nhóm trên mạng xã hội để nắm bắt, cung cấp thông tin định hướng và thông tin chính thống nhanh chóng kịp thời, hiệu quả. Qua đó, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Lỳ Bá Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh kịp thời với các quan điểm sai trái, thù địch, huyện Kỳ Sơn đã giảm rõ rệt số lượng người theo tà đạo và hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Đảng bộ huyện Kỳ Sơn trong việc huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và người có uy tín tại các bản làng tham gia công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

thi_tran_muong_xen_ky_son_anh_tu_lieu_sac_nguyen6435887_2962019.jpg
Một góc thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Những nỗ lực vận động đồng bào ở vùng biên Kỳ Sơn không theo 'đạo lạ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO