Những phận đời bấp bênh bên dòng Nậm Nơn
Cùng chung cảnh ngộ mất nhà cửa trong đợt lũ năm 2018, nhưng ở xã Lượng Minh (Tương Dương), có hộ được bố trí tái định cư, có hộ lại mòn mỏi chờ đợi, phải liều lĩnh sống trong những căn nhà đã nứt toác. Trong khi, khu tái định cư tốn kém hơn 12 tỷ đồng nhưng chỉ có 5 hộ sinh sống, gần đây lại lộ ra nhiều điểm bất thường.
Lay lắt trong căn nhà hoang
Suốt gần 6 năm qua, ông Lay Văn Thoa (59 tuổi, bản Lạ, xã Lượng Minh, Tương Dương), vẫn chờ đợi đến ngày được an cư. Vợ bệnh tật không còn khả năng lao động, các con đi lấy chồng xa, gia cảnh cũng chẳng khấm khá để phụ giúp bố mẹ, mọi gánh nặng trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai ông Thoa. Thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, bữa đói, bữa no. Nên để dành dụm tự mua đất, dựng nhà với ông Thoa gần như là điều không thể.
“Tôi cũng đã tìm được một thửa đất rồi. Nhưng họ đòi 45 triệu đồng, không có tiền để trả. Chưa kể, có đất rồi thì cũng chẳng biết lấy tiền đâu xây nhà. Nên vẫn phải liều lĩnh sống tạm trong căn nhà bỏ hoang này”, ông Thoa nói, chỉ tay lên những vết nứt nẻ chằng chịt khắp ngôi nhà. Những vết nứt đó vừa được ông dùng vữa để vá víu, nhưng chừng đó dường như không đủ an toàn. Những ngày mưa gió, ngôi nhà ướt sũng vì dột nát. Mỗi lần vào mùa lũ, nước sông Nậm Nơn dâng lên mấp mé móng nhà, vợ chồng ông Thoa chẳng dám ngủ.
Ông Lay Văn Thoa là 1 trong 31 hộ bị mất nhà trong đợt mưa lũ vào tháng 8/2018. Ngày đó, sau đợt mưa lớn, thủy điện buộc phải xả nước, thổi bay căn nhà và nhiều vật dụng của ông Thoa. “Cũng may là vợ chồng tôi tháo chạy kịp, nên giữ được tính mạng”, ông Thoa kể.
Mất nhà, ông Thoa mang theo người vợ đau ốm cùng số tài sản ít ỏi còn sót lại, đến xin ở tạm trong túp lều của người cháu đang đi làm ăn xa. Tuy nhiên, 3 năm sau, người cháu này về quê dựng nhà mới, vợ chồng ông Thoa lại phải khăn gói đi tìm nơi trú ngụ khác. Đó chính là căn nhà ông đang ở hiện tại.
Theo ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, căn nhà nơi vợ chồng ông Thoa đang sống tạm, đã bị hư hại nghiêm trọng trong đợt mưa lũ năm 2018, nguy cơ trôi tuột xuống lòng sông Nậm Nơn bất cứ lúc nào.
Ngôi nhà này đã bỏ hoang từ năm 2018, thuộc diện di dời. Về lý thì không thể cho phép người dân vào ở, nhưng vợ chồng ông Thoa thuộc trường hợp bất đắc dĩ, không còn chỗ nào để đi, nên vẫn phải liều lĩnh như vậy.
Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh
Đợt mưa lũ năm 2018 đó, xã Lượng Minh có 31 hộ cùng chung cảnh ngộ mất nhà. Không lâu sau, mỗi hộ được hỗ trợ 70 triệu đồng. Chính quyền huyện Tương Dương sau đó lập dự án tái định cư khẩn cấp, nhưng khu tái định cư này lại chỉ có 17 lô đất, dành cho phần lớn các hộ dân ở bản Minh Phương. Còn 12 hộ dân ở bản Lạ và một số ít ở bản Côi, vẫn phải sống tạm trong những túp lều dựng ven đường hoặc ở nhờ nhà người thân.
Cùng chung hoàn cảnh như nhau, nhưng họ thì được bố trí tái định cư, chúng tôi thì không. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị, nếu không có dự án tái định cư, thì có thể hỗ trợ chút ít tiền mặt, để chúng tôi tự tìm mua đất dựng nhà, nhưng chờ đợi mãi cũng chẳng thấy
Ông Lay Văn Thoa (59 tuổi, bản Lạ, xã Lượng Minh, Tương Dương)
Cách căn nhà tạm của ông Thoa không xa, bà Vi Thị Lan (59 tuổi), cũng chung cảnh ngộ. Sau khi bị dòng lũ cuốn mất nhà năm 2018, vợ chồng bà Lan phải dựng một túp lều bằng bạt ở ven đường để sống lay lắt qua ngày. Năm 2019, bố chồng bà Lan mất, 2 năm sau đến lượt chồng bà cũng qua đời. Cả 2 đám tang đều phải tổ chức trong túp lều tạm này.
“Túp lều tạm đó chỉ đủ chỗ để đặt quan tài, không có nơi để thờ cúng, thắp hương. Ai đến viếng đám tang cũng rất đau xót”, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh kể.
Cách đây ít tháng, sau khi chờ đợi quá lâu, bà Lan được 2 cô con gái lấy chồng xa hỗ trợ chút tiền, rồi bà vay ngân hàng thêm 100 triệu đồng để mua mảnh đất nhỏ, dựng căn nhà. Đến lúc này, bà Lan mới ổn định cuộc sống sau gần 6 năm sống tạm trong lều bạt.
Bất thường ở dự án tái định cư khẩn cấp
Sau khi 31 hộ dân bị mất nhà cửa, huyện Tương Dương đã phê duyệt dự án tái định cư để bố trí khẩn cấp cho những hộ dân này. Theo đó, ngày 19/9/2018, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương ký quyết định về việc chỉ định thầu gói thầu san lấp mặt bằng cho Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và du lịch Nam Nghệ. Tuy nhiên, dự án tái định cư này lại chỉ có 17 lô đất cho 17 hộ dân. Dự án có tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng, trong đó, hơn 2 tỷ đồng phí san lấp mặt bằng, số còn lại dùng để xây dựng hạ tầng. Dự án có tổng diện tích hơn 14.000 m2, trong đó diện tích san nền là 3.590 m2.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này được thi công xây dựng khi còn chưa có các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Thậm chí còn chưa tổ chức thăm dò, khảo sát địa chất. Chính vì thế, dự án sau đó đã xảy ra nhiều bất cập.
Vị trí xây dựng dự án tái định cư là Khe Cồng. Đây chính là nơi mà hơn 10 năm trước, từng được chọn để di dời bản Xốp Mạt và trung tâm hành chính xã. Nhưng sau khi đã tốn kém kinh phí hơn 2 tỷ đồng để san lấp thì xuất hiện nhiều vết nứt, sạt lở, nên đành bỏ hoang suốt hơn 10 năm. Khu vực đã có lịch sử sạt lở như vậy, nhưng sau đó vẫn được UBND huyện Tương Dương lựa chọn để xây dựng khu tái định cư, khiến không ít người dân nghi ngại. Ban đầu, dự án có tiến độ thực hiện là 5 tháng, nhưng kéo dài hơn 5 năm vẫn chưa làm xong.
Tháng 10/2020, khi dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng, chính quyền bắt đầu vận động người dân lên dựng nhà. Tuy nhiên, đúng với lo ngại của người dân, khi chỉ mới 1 hộ dựng nhà xong, khu tái định cư này lại tiếp tục sạt lở. Cụ thể, trên đỉnh taluy xuất hiện vết trượt dài gần 100m, chỗ nứt rộng nhất khoảng 0,5m, sâu khoảng 0,5 đến 1m; phần chân mái kè bằng đá hộc bảo vệ phía dưới ta luy và mương thoát nước đã bị xê dịch so với vị trí ban đầu, gây vỡ và hư hỏng mương thoát nước dưới chân ta luy. Sợ ảnh hưởng đến tính mạng người dân, chính quyền yêu cầu người dân tạm thời chưa xây dựng nhà, chờ kết quả theo dõi độ ổn định.
Nhưng mãi đến hơn 2 năm sau, khu vực này mới được thăm dò địa chất. Kết quả cho thấy, “an toàn cho người dân khi vào xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống”. Tuy nhiên, do phải chờ đợi quá lâu, hầu hết các hộ dân đã tự tìm đất ở nơi khác để dựng nhà. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay mới chỉ có 5 hộ dân sinh sống ở đây.
Trong khi đó, từ ban đầu dự án với tổng kinh 7,3 tỷ đồng, sau đó lại phải bố trí thêm 3 tỷ đồng để xây dựng bờ kè gia cố chống sạt lở, kèm theo kinh phí hơn 2 tỷ đồng san lấp từ hơn 10 năm trước, đến nay chính quyền đã đổ vào đây tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Tốn kém số tiền lớn như vậy, nhưng chỉ có 5 hộ dân sinh sống, khiến không ít người dân đặt dấu hỏi về tính hiệu quả dự án mang lại. Trong khi đó, ở bản Lạ, nhiều hộ dân cùng chung cảnh ngộ mất nhà năm 2018, hiện nay vẫn phải sống lay lắt trong những căn nhà hoang./.