Những vườn cam mắc màn lúc lỉu quả ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Vào mùa thu hoạch, những vườn cam Vinh được mắc màn đã cho năng suất cao, chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp. Bởi thế thị trường ưa chuộng hơn, tạo nguồn thu nhập cao cho người trồng cam trên địa bàn Nghệ An.
Ghé thăm vườn cam của gia đình chị Nguyễn Thị Hường, xóm 1, xã Thanh Đức (Thanh Chương) những ngày đầu năm mới, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những cây cam trĩu quả, vàng bóng, nhiều cây được bao phủ bởi một lớp màn lớn. Biện pháp bảo vệ cam bằng cách mắc màn này đã được chị Hường áp dụng những năm qua, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Chị Hường cho biết: Cam là cây khó tính, tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt, do cam có vị thơm, ngọt nên nhiều côn trùng đến đục quả. Nếu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt côn trùng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cam và không an toàn với người tiêu dùng. Vì thế chị quyết định trồng cam hữu cơ, chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học, riêng với côn trùng và sâu bệnh, chị phủ màn, bọc quả để bảo vệ quả.
Với 2.200 gốc cam Xã Đoài lòng vàng đến nay đã được 7 năm tuổi, chị Hường đã thử nghiệm áp dụng mắc màn cho cam để tránh sâu bệnh cho khoảng 500 gốc cam. Mặc dù kinh phí không hề rẻ nhưng để cho ra những sản phẩm cam chất lượng thì buộc phải đầu tư.
“Trung bình mỗi tấm màn sẽ bọc lên 1 cây cam, giá thị trường là 250.000 đồng/tấm. Riêng tiền màn che phủ đã lên đến hơn 120 triệu đồng, không hề rẻ. Tuy nhiên đổi lại thì cam được bảo vệ tốt, số lượng quả rụng giảm hẳn, nhà tôi cũng không cần dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật nữa…”, chị Hường tâm sự.
Bên cạnh 500 gốc cam được mắc màn toàn cây thì đối với những cây còn lại, chị Hường cũng bọc theo từng quả bằng các bao giấy. Phương pháp này đỡ tốn chi phí hơn, giá mỗi bọc giấy là 500 đồng. Đến nay, cam vẫn sinh trưởng tốt, được thị trường ưa chuộng.
Việc phủ màn cho cam cũng được người dân trồng cam trên địa bàn huyện Anh Sơn áp dụng những năm qua. Ông Trần Minh Định, xã Đỉnh Sơn có 250 gốc cam Xã Đoài lòng vàng. Đây là năm thứ 3, gia đình ông áp dụng việc mắc màn cho cam sau khi thấy hiệu quả rõ rệt từ những năm trước.
“Đối tượng phá hại cam là ruồi vàng và bọ xít, 2 loại côn trùng này cứ đến mùa ra quả là nó tìm đến để đục quả. Cam nếu bị côn trùng này chích sẽ để lại vết thâm ở quả, sau đó loang ra ngoài, hư thối và rụng nhanh lắm. Do đó, phủ màn cho cam, không cho chúng xâm nhập là phương án khả thi nhất…”, ông Định cho biết.
Vào tháng 5, cam bắt đầu ra quả thì gia đình ông Định cũng bắt đầu mắc màn. Đến mùa đông giá rét, các loại côn trùng này biến mất thì cũng là lúc ông cởi màn ra để chuẩn bị cho mùa thu hoạch.
Mặc dù mỗi tấm màn có giá từ 200.000 - 300.000 đồng, nhưng nếu mua được loại tốt thì có thể dùng được 2 - 3 vụ, điều này cũng giúp người dân tiết kiệm được chi phí, công sức so với việc phun các loại thuốc bảo vệ thực vật như trước đây. Đặc biệt, những quả cam được mắc màn luôn có bề ngoài bắt mắt, vỏ đẹp, không có nốt côn trùng đốt, được thị trường ưa chuộng.
Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 1.820 ha cam, giảm mạnh so với trước đây (gần 6.000ha thời cao điểm). Tuy nhiên trong số diện tích hiện nay vẫn có đến 50% diện tích cam đang bị suy thoái. Số diện tích cam đạt chất lượng hiện chỉ tập trung ở một số vùng như Thanh Chương, Nghi Lộc, Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành… Những vùng trọng điểm về cam trước đây như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… nay hầu như không còn.
Do đó, canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo phát triển an toàn cho cây cam, tránh tình trạng suy thoái là điều bắt buộc phải thực hiện để duy trì đặc sản cam Vinh, và việc mắc màn cho cam cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu, cần được nhân rộng./.