Nông dân Nghệ An thuê đất làm vụ đông, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Xuân Hoàng 10/11/2022 06:29

(Baonghean.vn) - Những vườn bí xanh bắt mắt đang độ ra quả bên Quốc lộ 15A, đoạn qua huyện Đô Lương chính là của những nông dân từ huyện Anh Sơn đến thuê đất để liên kết sản xuất vụ đông.

Những vườn bí xanh mát hai bên Quốc lộ 15A, đoạn qua xã Tràng Sơn (Đô Lương) do những nông dân từ địa phương khác đến làm nên. Ảnh: Xuân Hoàng

Những ngày này dọc hai bên Quốc lộ 15A, đoạn qua xã Tràng Sơn (Đô Lương) hiện rõ những vườn bí xanh thẳng hàng mướt mát, đang độ ra hoa kết trái. Hỏi ra mới biết, đây là những vườn bí xanh của một số nông dân của huyện Anh Sơn về đây thuê đất để sản xuất.

Chủ vườn bí là anh Nguyễn Văn Vinh đang say sưa với công việc chăm sóc dưới giàn bí xanh mát, được tạo bởi cây tre và lưới nhựa, cho biết: Xuất thân từ gia đình nhà nông tại thôn 5, xã Tào Sơn (Anh Sơn) nên lớn lên anh đã có nhiều kinh nghiệm trong làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây màu. Do vốn đất của gia đình không nhiều, nên nhiều năm nay bản thân anh cùng một số người trong thôn đến các địa phương khác thuê đất để sản xuất rau màu hàng hóa. Từ Thanh Chương đến Đô Lương... suốt gần 10 năm qua, năm nào nhóm của anh cũng thuê hàng chục ha đất để sản xuất rau màu, trong đó bí xanh là chủ lực.

Anh Nguyễn Văn Vinh phấn khởi trước một vụ bí phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Với vùng đất của xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương này, nhóm của anh thuê tới gần 15ha, trong đó riêng của anh 3 ha. Tiền thuê đất với giá 8 triệu đồng/ha/năm, với thời hạn 5 năm liền. Có đất trong tay, anh Vinh và mọi người trong nhóm sản xuất 1 năm 2 vụ bí xanh, cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn. Bởi với kinh nghiệm có được và cách chăm sóc, đầu tư hợp lý, nên 1ha dự kiến sẽ cho thu hoạch từ 70 - 80 tấn quả.

Để trồng 1 ha bí xanh, mức đầu tư khoảng 140 triệu đồng, bởi ngoài giống, phân bón... còn phải đầu tư làm giàn. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều xuất bán cho thương lái tự do theo giá thị trường hiện tại. Bởi trước khi xuống giống, các anh đã có sự liên kết với các thương lái ở phía Bắc để tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, khi bí đến ngày thu hoạch, thương lái đánh ô tô đến tận vườn thu mua toàn bộ.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng "cung quá cầu" nhóm của anh Vinh chia làm nhiều lứa bí để thu hoạch dàn trải. Do vậy, bên cạnh những vườn bí bắt đầu ra quả là những thửa đất vừa mới xuống giống.

Bên cạnh những vườn bí xanh mướt, đang độ ra quả là những thửa đất vừa được xuống giống để tránh tình trạng "cung quá cầu". Ảnh: Xuân Hoàng

"Vụ Xuân vừa rồi bí xanh trúng giá, bình quân 10.000 đồng/kg, nhà vườn có lãi khá. Nhưng vụ Đông này giá có giảm xuống 6.000 - 7.000 đồng/kg, mặc dù không bằng vụ trước, nhưng vẫn có lãi. Làm nông nghiệp tuy vất vả, nhưng nếu có sự liên kết đầu ra thì không lo ế", anh Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.

Theo ông Lê Anh Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đô Lương, hiện nay một số người dân của địa phương khác đến thuê đất nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó nhiều nhất ở xã Tràng Sơn. Cách làm này có lợi cho cả đôi bên, bởi khi người địa phương không có nhu cầu sản xuất, thì việc cho nông dân từ địa phương khác thuê đất để đồng ruộng sạch, đẹp hơn, cung ứng hàng hóa ra thị trường tốt hơn./.

Mới nhất
x
Nông dân Nghệ An thuê đất làm vụ đông, liên kết tiêu thụ sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO