Núi rừng Nghệ An tan hoang sau hàng loạt vụ cháy

Quang An - Văn Trường 02/07/2019 11:44

(Baonghean) - Những cánh rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi ở các địa bàn Nam Đàn, Yên Thành, Thanh Chương… là “lá phổi xanh” của hàng vạn người dân Nghệ An. Bỗng chốc, ngọn lửa hung dữ quét qua khiến các cánh rừng trở nên tan hoang...

Rừng xanh thành tro tàn

Ngày 1/7, phóng viên Báo Nghệ An đi vào xóm Thung Huyện, Eo Vòng, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn - nơi vừa xảy ra vụ cháy rừng kinh hoàng. Hai bên lối đi, lửa táp cháy đen cả những bụi tre. Mùi khét lẹt rất khó chịu.

Tại đây, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khóc than ai oán của những người thân tiễn đưa bà Nguyễn Thị Hoa - người đã bị tử nạn khi tiếp nước trong lúc chữa cháy rừng nghe thật buồn.

Sau vụ cháy rừng ngày 30/6 khiến nhiều diện tích rừng tại xã Nam Kim (Nam Đàn) bị thiêu trụi, những cánh rừng bị cháy đen thành dãy dài, xơ xác. Ảnh: Quang An

Chị Trần Thị Minh - người dân địa phương mắt ngấn nước kể: “Đám cháy bùng mạnh tại nơi bà Hoa đứng đưa nước cho mọi người, bà Hoa đã cố gắng vùng vẫy để chạy thoát khỏi biển lửa nhưng do sức yếu, cộng với địa hình dốc đứng, bà đã bị ngọn lửa thiêu trọn, tử vong tại chỗ. Chiều nay, cả làng đều tiễn đưa bà Hoa về nơi yên nghỉ trong nỗi xót xa”.

Anh Trịnh Văn Long ở xóm 2, xã Nam Kim vừa di chuyển đồ đạc trở về sau vụ cháy chưa hết bàng hoàng: Lửa quét đến rất nhanh, thiêu cháy cả rừng keo, chanh, rồi vây tứ bề xung quanh căn nhà, ngỡ tưởng căn nhà cũng bị thiêu cháy, nhưng lực lượng bộ đội, công an chữa cháy dùng vòi rồng, máy thổi gió đã đẩy được lửa rừng, cứu được căn nhà gia đình tôi.

Xe cứu hỏa phun nước dập lửa lan vào nhà dân. Ảnh: Lâm Tùng

Anh Long chỉ tay trên những quả chanh bị cháy quắt nói thêm: Nhà thì còn, nhưng tất cả tài sản nằm trên những quả đồi đã bị thiêu rụi, lửa rừng thiêu cháy 1 ha rừng thông, 1 ha keo và trên 200 gốc chanh đang đến mùa thu hoạch. Không biết đến bao giờ mới khôi phục được kinh tế đây.

Vườn chanh của gia đình anh bị cháy ở Nam Kim Nam Đàn
Vườn chanh của gia đình anh Trịnh Văn Long bị cháy hoàn toàn. Ảnh: Văn Trường

Ông Phạm Văn Nhâm - Chỉ huy trưởng Quân sự xã Nam Kim chia sẻ: Phải nói trong hiểm nguy, mới thấy được nghĩa tình quân - dân thật thắm thiết. Trong cái nóng ngột ngạt của lửa, khói, tàn bụi phủ kín khắp vùng, nhưng các chiến sỹ bộ đội, công an, nhân viên kiểm lâm, dân quân tự vệ… tay dao, tay vỉ, nhễ nhại mồ hôi và lấm lem khói bụi, liều mình cắt rừng chữa cháy.

Đặc biệt, có những thời điểm gió tây nam thổi mạnh, những ngọn lửa khổng lồ đang cuồn cuộn tràn đến nhà dân. Các chiến sỹ cứu hỏa sẵn sàng cầm “vòi rồng” vây quanh nhà dân chịu đựng sức nóng khủng khiếp, quyết tâm dìm giặc lửa bảo vệ bằng được những ngôi nhà dân. Trong lúc hiểm nguy cận kề, các chiến sỹ bộ đội băng qua những cánh rừng, nhanh chóng di dời và mang, vác đồ đạc cho người dân ra vùng nguy hiểm, cõng người già, trẻ em sơ tán ngay đến nơi an toàn.

Lực lượng dân quân xã vận chuyển đồ đạc cho người dân xóm 2 nam kim sau khi di chuyển vì vụ cháy trước đó. Ảnh: Văn Trường
Lực lượng dân quân xã vận chuyển đồ đạc cho người dân xóm 2, xã Nam Kim trước và sau vụ cháy. Ảnh: Quang An

Tính đến thời điểm này, toàn xã Nam Kim thiệt hại khoảng trên 12 ha rừng, diện tích rừng chủ yếu do xã quản lý, trong đó có 3 - 4 hộ phải di dời vì lửa bén đến sát tận nhà. Trong lúc tiếp nước chữa cháy bà Nguyễn Thị Hoa - người dân xóm Thung Huyện đã bị tử nạn.

...Trưa nắng như đổ lửa, trở lại địa bàn xã Khánh Sơn (Nam Đàn) nơi chỉ 2 ngày trước vừa xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy rừng kinh hoàng. Những cánh rừng thông thơ mộng soi bóng dưới dòng sông ngày nào bây giờ bị thiêu rụi, trơ trọi chỉ toàn màu đen.

Đến nay, dù các đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, nhưng chứng kiến những cánh rừng hàng chục năm tuổi hóa thành tro tàn, không một ai có thể kìm lòng.

Cánh rừng thông xã Khánh Sơn (Nam Đàn) sau vụ cháy. Ảnh: Quang An

Anh Phạm Văn Toàn ở xóm 2, xã Khánh Sơn là một trong những hộ dân nằm sát mép rừng, nơi xảy ra vụ cháy. Anh nhớ lại: Đám cháy diễn ra vào ban đêm, khi mọi người đang nghỉ ngơi thì bất ngờ nghe tiếng tri hô, tôi cùng anh em vội vàng xông lên chữa cháy, nhưng ngọn lửa đã bùng lên rất mạnh và lan nhanh. Nếu như không có lực lượng quân đội, công an đến cứu trợ kịp thời thì người dân chúng tôi không thể khống chế nổi đám cháy, thậm chí các hộ dân sống cạnh rừng như chúng tôi cũng phải bỏ mạng…

Những hộ dân ở xã Khánh Sơn chia sẻ thêm: Đám cháy không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường, dù cháy đã được dập tắt, tuy nhiên khói bụi vẫn dày đặc trên những ngọn núi. Mỗi lần có gió to, bụi bay tung trời, bà con sống gần bìa rừng vô cùng ngột ngạt. Thậm chí một số người đã phải đi ở nhờ nhà người thân để tránh ô nhiễm.

Tuy nhiên, để có thể dập được hết khói bụi thì chỉ có cách chờ mưa mà thôi, khi đó tàn lửa sẽ trôi xuống chân núi, sườn đồi sẽ sạch bụi, nhưng nếu trời tiếp tục nắng và không có mưa, nguy cơ ô nhiễm đối với người dân chúng tôi là rất lớn.

Những gốc thông hàng chục năm tuổi bị cháy. Ảnh: Quang An
Những gốc thông hàng chục năm tuổi bị cháy. Ảnh: Quang An

Căng mình trực lửa rừng

Lửa rừng càn quét ở xã Nam Kim (Nam Đàn) thật kinh hãi, lửa cháy từ trên ngọn đồi, cháy xuống tận khu dân cư và lan xuống cả các con đường. Sau vụ cháy những cây thông bị đổ gãy ngổn ngang, có cây đang âm ỉ khói, nguy cơ tái cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những cây thông đổ gãy sau vụ cháy ở xã Nam Kim, Nam Đàn
Nhiều cây thông đổ gãy sau vụ cháy, có cây đang âm ỉ khói rất dễ dẫn tới cháy rừng trở lại. Ảnh: Quang An

Thời điểm giữa trưa ngày 1/7, trời đứng bóng, nhưng chúng tôi thấy các lực lượng dân quân vẫn đang giúp dân thu dọn đồ đạc, dùng máy thổi gió để thổi tro tàn ở các vị trí có nguy cơ cháy lại.

“Sau cháy, xã phân công nhiệm vụ cho trên 50 người là lực lượng dân quân, thôn trưởng thay nhau bám các vị trí rừng để trực lửa, vì nếu để xảy ra tái cháy sẽ rất nguy hiểm”.

Ông Phạm Văn Nhâm - Chỉ huy trưởng Quân sự xã Nam Kim

Có mặt tại hiện trường vụ cháy tại xã Khánh Sơn, chúng tôi không thể kìm lòng trước hình ảnh những người dân đang ăn vội mì tôm khô để túc trực bảo vệ rừng trước nguy cơ tái cháy.

Người dân xã Khánh Sơn (Nam Đàn) ăn tạm mì tôm trực cháy. Ảnh: Quang An
Người dân xã Khánh Sơn (Nam Đàn) ăn tạm mì tôm trực cháy. Ảnh: Quang An

Người dân cho biết, họ cũng muốn xuống dưới để ăn cơm trưa, tuy nhiên, chỉ sợ lửa lại bùng cháy bất ngờ sẽ trở tay không kịp, nên đành chấp nhận ăn mì tôm khô giữa cái nắng 40 độ C để hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Trần Văn Vinh - Xóm trưởng xóm 2, xã Khánh Sơn chia sẻ: “Những lúc khó khăn thế này, chúng tôi đều động viên anh em dù vất vả nhưng vẫn luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”.

Lực lượng chữa cháy xã Nam Kim đang trực cháy rừng. Ảnh: Văn Trường
Lực lượng chữa cháy xã Nam Kim đang trực, phòng lửa bùng trở lại sau khi đã dập tắt đám cháy. Ảnh: Văn Trường

Mặc dù đám cháy tại xã Nam Kim cơ bản đã được khống chế vào chiều 30/6, tuy nhiên đến sáng 1/7, khi P.V có mặt tại hiện trường vụ cháy, lực lượng quân nhân, người dân của các xóm vẫn đang túc trực trên các cánh rừng, đề phòng lửa tái cháy trở lại.

Nắng nóng kéo dài, gió Lào thổi bỏng rát, nguy cơ cháy rừng vẫn đang hiện hữu, người dân ở vùng rừng thông vẫn đang phải căng mình chống chọi. Mất rừng là mất sinh kế, là môi sinh lâu dài nên công tác giữ rừng cần được toàn xã hội chăm lo, quan tâm và có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hơn.

Mới nhất

x
Núi rừng Nghệ An tan hoang sau hàng loạt vụ cháy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO