Phó Thủ tướng Chính phủ: Quy hoạch Di tích Kim Liên phải có sự nhất quán trong ngôn ngữ kiến trúc

Đào Tuấn 27/10/2019 14:17

(Baonghean.vn) - Ngôn ngữ kiến trúc và hồn cốt của di sản là 2 trong nhiều nội dung mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lưu ý đơn vị tư vấn thiết kế khi tham gia góp ý vào báo cáo phương án “Quy hoạch tổng thể Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn".

Sáng 27/10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn T&T tổ chức Hội nghị báo cáo phương án “Quy hoạch tổng thể Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An”.

Các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Dự hội nghị về phía Trung ương có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Đình Toàn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Di tích mang đậm nét đặc trưng của làng quê Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định, huyện Nam Đàn là vùng đất “địa linh nhân kiệt” có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời, nơi đây là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng của dân tộc như: Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, … và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Ngôi nhà của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh Lê Thắng
Ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Lê Thắng

Khu Di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, với diện tích 205 ha, nằm trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nơi đây từ lâu đã đi vào tâm thức và trở nên thân thuộc với các thế hệ người dân Việt Nam. Năm 2012, Thủ t­ướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg, xếp hạng Khu Di tích Kim Liên là Di tích Quốc gia đặc biệt, trở thành một trong những Di tích Quốc gia có ý nghĩa nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Một phối cảnh quy hoạch Khu Di tích Kim Liên.
Một góc phối cảnh quy hoạch Khu Di tích Kim Liên.

Khu Di tích Kim Liên là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 lần Bác về thăm quê. Các di tích được bảo tồn và tôn tạo tại Khu Di tích Kim Liên có 2 cụm di tích chính gồm: Di tích Làng Sen - quê nội và Di tích Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ cùng hàng chục di tích thành phần. Ngoài 2 cụm di tích chính trên, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Chí Minh còn có di tích Mộ Bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Bác Hồ.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Nhằm quy hoạch xây dựng đồng bộ, liên kết các khu di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực như: Làng Sen - quê nội Bác Hồ, Làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ, đền Chung Sơn, mộ Bà Hoàng Thị Loan, các khu dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ Khu Di tích lịch sử Kim Liên, ngày 7/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 962/QĐ/TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Để đảm bảo cho việc gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị của khu di tích đặc biệt này và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, nhu cầu tham quan, dâng hương tưởng niệm Bác Hồ của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn T&T tổ chức thi tuyển ý tưởng và lập đồ án quy hoạch. Thông qua thi tuyển đã lựa chọn được 2 đơn vị tư vấn thiết kế là: Công ty Kiến trúc Quốc tế: 1+1>2 và Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Deso Asia. Hiện nay Đồ án thiết kế quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lập với tỷ lệ 1/500.

Một phối cảnh quy hoạch Khu di tích Kim Liên
Một phối cảnh quy hoạch Khu Di tích Kim Liên.

Tại cuộc làm việc, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Deso Asia (Pháp) đã trình bày về đề án thiết kế quy hoạch tổng thể Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên.

Theo đó, di tích được thiết kế trên nguyên tắc tôn trọng không gian, cảnh quan truyền thống, bảo tồn nguyên vẹn các công trình lịch sử trong tổng thể không gian văn hóa khu vực. Di tích là một quần thể công trình được quy hoạch xây dựng như các ngôi làng truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình tâm điểm có sự liên kết phi vật chất với toàn bộ khu vực. Quy hoạch cũng không tác động đến diện tích đất sản xuất, canh tác nông nghiệp của người dân trong vùng.

Về mặt tổ chức không gian, các phân khu thực hiện theo hướng từ trái qua phải để vào trung tâm. Tại đây có các địa điểm để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và các khu làng nghề. Bên cạnh đó, có các khách sạn mà chiều cao không vượt quá cây xanh trong khu vực; Vật liệu xây dựng là các loại vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường như: tre, nứa và nguyên tắc sử dụng tại chỗ, không nhập khẩu từ nước ngoài...

Di tích phải có sự kết nối văn hóa lịch sử và văn hóa tương lai

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

"Chung Sơn tam đỉnh hình vương tự/Kế thế anh hùng vượng tử tôn" - dẫn câu nói của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về quê hương Nam Đàn, Nghệ An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc đầu tư xây dựng, quy hoạch tổng thể Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn là rất cần thiết, đáng trân trọng.

Với tình cảm của người con quê hương Nam Đàn, ông hồi tưởng: Kim Liên xưa kia rất nhiều cây xanh, ao hồ, chim, cá, không gian thanh bình, vì vậy, đồ án thiết kế phải tạo được điểm nhấn và đảm bảo sự hài hòa của đặc trưng này.

Di tích khi quy hoạch xây dựng không chỉ có sự kết nối trong khu vực, trong tỉnh mà phải tạo ra các điểm nhấn liên kết với những tỉnh, thành phố nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ và người thân của Bác, như: tỉnh Đồng Tháp (nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc) - Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Quy hoạch tổng thể Di tích Kim Liên
Quy hoạch mặt bằng khu du lịch văn hóa với diện tích 45 ha.

Di tích phải có sự kết nối giữa văn hóa lịch sử và văn hóa tương lai trên cơ sở tô đậm thêm đời đống văn hóa tinh thần của cư dân trong vùng.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An cho rằng, quá trình thiết kế quy hoạch, xây dựng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tôn vinh được giá trị thiêng liêng, cao quý chỉ có ở mảnh đất Kim Liên, Nam Đàn - nơi sinh ra người con vĩ đại của dân tộc; hạn chế việc xây dựng bằng bê tông trong thiết kế và thực hiện quy hoạch; phải làm sao khai thác được tất cả các di sản, dấu tích hết sức gần gũi nhưng đã thành huyền thoại về Bác Hồ và mảnh đất đặc biệt này.

Công trình phải quy tụ, kết nối được bạn bè trên thế giới, du khách quốc tế về với Việt Nam, với Nghệ An và với Nam Đàn. Đây cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Tham gia góp ý vào phương án quy hoạch tổng thể, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đề xuất cần xây dựng công trình nhà chờ để tạo điều kiện cho du khách khi về tham quan Di tích Kim Liên. Bên cạnh đó, phát huy di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thông qua hình thành các câu lạc bộ hát ví, giặm, phường vải vừa phục vụ khách tham quan vừa tôn vinh loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc Ảnh Đào Tuấn
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lưu ý, quá trình thiết kế, xây dựng di tích cần thể hiện sự chi tiết, cụ thể các liên kết giữa các công trình văn hóa lịch sử vật thể, phi vật thể trong vùng.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Còn đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương khẳng định, cơ bản đồ án thiết kế đã đảm bảo các yêu cầu đặt ra đối với công trình có ý nghĩa đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý một số đặc điểm về vật liệu, kết cấu các công trình trong điều kiện thời tiết, khí hậu của Nghệ An. Công trình cần thể hiện được tính hài hòa giữa ngày và đêm, các điểm nhấn không gian vào các thời điểm. Ngoài ra, còn có sự phân cấp mức độ bảo tồn tại vùng lõi và vùng đệm của di tích...

Tại cuộc làm việc, đại diện Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng tham gia phát biểu làm rõ thêm những vấn đề, nội dung mà thiết kế quy hoạch di tích cần thực hiện và hướng tới.

Di tích phải thể hiện được hồn cốt của con người và mảnh đất Kim Liên

Đồng chí VươngĐình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đào Tuấn
Đồng chí Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Hoan nghênh ý kiến của các đại biểu góp ý vào phương án quy hoạch tổng thể Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, ý tưởng quy hoạch, bảo tồn, xây dựng di tích được hình thành cách đây khoảng 10 năm, vào thời điểm Chính phủ bắt đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc thiết kế quy hoạch và xây dựng di tích đặc biệt này là phù hợp với yêu cầu thực tế.

Xét tổng quan về phương án thiết kế quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng kiến trúc, thiết kế có sự kết nối hợp lý cả về vật thể và phi vật thể trong không gian chung. Tuy nhiên, yêu cầu cần chi tiết hóa việc xây dựng hệ thống đường sá, giao thông, hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo thuận lợi, hài hòa.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng cho rằng, mặc dù thiết kế đã đáp ứng được một số yêu cầu theo Quyết định 962/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" nhưng phương án thiết kế chưa cho thấy rõ hồn cốt của kiến trúc, chưa tạo được nét đặc trưng, biểu tượng của công trình. Vậy nên yêu cầu cao nhất là đơn vị thiết kế phải có sự nhất quán trong ngôn ngữ kiến trúc của công trình...

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như những ý kiến tâm huyết của đại biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh rất trân trọng trước sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, đơn vị trong nước và quốc tế dành cho Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn.

Góp ý thêm vào thiết kế quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh, mảnh đất Nam Đàn là nơi hình thành nhân cách, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Cha già kính yêu của dân tộc, người mà nhân dân thế giới đều kính trọng. Chính vì thế, việc thiết kế quy hoạch phải làm thế nào để du khách quốc tế hiểu thêm về phẩm chất cao đẹp, mang tính biểu tượng của quê hương và con người Việt Nam khi đến Nam Đàn.

Hiện tại, đồ án thiết kế đang mang tính định hướng, khi hiện thực hóa sẽ phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Mục tiêu cao nhất khi xây dựng là bảo tồn tuyệt đối các di sản, công trình văn hóa của di tích nhằm tuyên truyền, giáo dục về lịch sử và lòng yêu nước.

Di tích Kim Liên là tài sản tinh thần của Quốc gia, dân tộc, chính vì vậy, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình thiết kế quy hoạch, đầu tư xây dựng. Nghệ An sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan để đồ án hoàn thành vào đầu năm 2020 trước khi trình Chính phủ xem xét...

Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Minh họa Google Maps
Quần thể Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn. Minh họa Google Maps

Phó Thủ tướng Chính phủ: Quy hoạch Di tích Kim Liên phải có sự nhất quán trong ngôn ngữ kiến trúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO