'Loay hoay' giải pháp chống hàng giả, hàng nhái
(Baonghean.vn) - Phiên thảo luận tại tổ 1 gồm các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò đã nêu lên nhiều bức xúc từ thực tiễn, đề xuất các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Lư - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh điều hành phiên thảo luận tại tổ 1. Tham gia phiên thảo luận tại tổ 1 có ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường |
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Mở đầu phiên thảo luận, nêu vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà, ảnh hướng đến sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, thậm chí là giống nòi, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho rằng: Câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại từ lâu nay, nhất là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán.
Mặc dù, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhưng tình trạng này không có chiều hướng giảm.
Ngược lại, các đối tượng sử dụng nhiều “chiêu thức” kinh doanh như khuyến mại, mua hàng có thưởng để chiêu dụ người dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Cường |
Với trách nhiệm của cơ quan truyền thông, Báo Nghệ An cũng đã chuyển tải tình trạng này qua nhiều bài viết để khuyến cáo nhân dân. Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh vào cuộc và có giải pháp đến các cấp, các ngành có trách nhiệm xử lý vấn đề này một cách căn cơ và hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân.
Cùng quan tâm đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, tình trạng này đang tràn lan.
Ngoài sự hồn nhiên “tiếp tay” của cán bộ các đoàn thể quần chúng và khối, xóm, bản ở một số nơi trong việc giới thiệu các tổ chức, cá nhân về bán hàng tận khu dân cư thì việc bán hàng thông qua mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ khó kiểm soát, cho nên cần có các giải pháp hiệu quả hơn.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan cũng nêu thực tiễn công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở địa bàn thành phố và cả khu vực nông thôn, miền núi đang đặt ra nhiều bất cập, mỗi nơi làm một kiểu, nơi thì chôn lấp, nơi thì đốt gây ô nhiễm môi trường và việc thu gom, xử lý cũng chưa triệt để, gây ô nhiễm môi trường.
"Khi vấn đề rác thải chưa được xử lý triệt để thì các vấn đề hướng tới văn minh ở đô thị hay xây dựng nông thôn mới cũng khó mà đạt được. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cần đưa ra một “kịch bản” tổng thể cho câu chuyện này nhằm giải quyết mang tính thống nhất và hiệu quả toàn tỉnh" - đại biểu Phạm Thị Hồng Toan nhấn mạnh.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng bánh, kẹo ở chợ Vinh. Ảnh tư liệu: Thu Huyền |
Cũng quan tâm đến vấn đề môi trường, đại biểu Hồ Thị Thu Hiền - Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Vinh nêu thực trạng các lò giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tại gia vẫn tồn tại ở nhiều phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là nguyên nhân gây lây lan các dịch bệnh ở gia súc; đề nghị UBND tỉnh và các ngành quan tâm sớm có quy hoạch khu giết mổ tập trung cho thành phố.
Quan tâm đến dự án đầu tư chậm tiến độ, đại biểu Cao Tiến Trung - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá, dù thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực rà soát và thu hồi dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những dự án sau rà soát được gia hạn nhiều lần những vẫn chưa triển khai; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quyết liệt và kiên quyết hơn trong thu hồi các dự án đúng theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Lư đề xuất tỉnh có giải pháp quyết liệt để thu hút các dự án động lực, tăng nguồn thu; gắn với truy thu, cưỡng chế nợ đọng thuế; quyết liệt thực hiện kết luận sau thanh tra các khu nhà chung cư; giải quyết một số vấn đề bức xúc về môi trường…
Đại biểu Nguyễn Văn Lư - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh đề xuất tỉnh có giải pháp quyết liệt để thu hút các dự án động lực, tăng nguồn thu; gắn với truy thu, cưỡng chế nợ đọng thuế. Ảnh: Thành Cường |
Có nơi tưởng "thoáng" nhưng vẫn mắc
Ghi nhận sự quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác cải cách hành chính, đại biểu Lê Thanh Long - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Cửa Lò cho rằng, mặc dù có chuyển biến, nhưng để doanh nghiệp và người dân ghi nhận thì chưa thật sự nhiều.
Cùng bày tỏ trăn trở về công tác cải cách hành chính, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng: Mặc dù, công tác cải cách hành chính được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu 3 tháng báo cáo một lần và UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt, nhưng trong thực tiễn vận hành đang rất không ổn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Cường |
Nếu kiểm tra theo quy chế, quy định về thủ tục, thời gian giải quyết các nhu cầu của doanh nghiệp thì hồ sơ không tồn đọng nhiều, nhưng thực tiễn vẫn mắc và mắc chỗ nào thì chưa biết; có nơi tưởng “thoáng” nhưng vẫn mắc.
Có tình trạng, hồ sơ doanh nghiệp nộp vào cơ quan Nhà nước giải quyết, đáng lẽ đến hẹn là phải giải quyết xong cho họ, nhưng lại yêu cầu rút hồ sơ để nộp lại.
Công tác cải cách hành chính, theo phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh, chưa thật sự hiệu quả. Ảnh minh họa: Mai Hoa |
Trưởng ban Tuyên giáo cũng khẳng định, do yếu kém trong cải cách hành chính, thiếu công khai, minh bạch, thiếu khoa học mới dẫn đến hiệu quả trong quản lý và thu thuế hạn chế, thất thu thuế.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường tại phiên thảo luận. Clip: Thành Cường |