Pháp luật

Quyền tiếp cận nước sạch…

Nhật Lân 23/09/2024 16:26

"Mọi người dân đều có quyền tiếp cận nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, một thực tế là dù xã Nghi Ân được công nhận hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nhưng về tiêu chí nước sạch thì vẫn… đang nợ" - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân Chu Văn Mai nói.

Trao đổi về vấn đề nước sạch sinh hoạt ở thành phố Vinh sau khi xem bài “16 năm về với thành phố Vinh, xã Nghi Ân mới chỉ có 42/2346 hộ dân được sử dụng nước máy” đăng Báo Nghệ An điện tử ngày 19/9/2024, một đồng nghiệp “xót xa”, rồi than thở: “Bên tôi cũng có phóng sự rồi nhưng như nước đổ lá môn. Dân như không có quyền tiếp cận nước sạch…”

z5840714046404_ea6697885af14bcf13eb734e8991d186.jpg
Dù lo lắng nước ngầm không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hộ gia đình ông Trần Văn Phượng, xóm trưởng xóm Trung Tâm (xã Nghi Ân) vẫn phải lắng lọc để có nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Nhật Lân

Nghe nhắc đến quyền tiếp cận nước sạch của dân, nhớ tới biên bản làm việc giữa UBND xã Nghi Ân và Công ty CP Cấp nước Nghệ An ngày 29/5/2024.

Chuyện là quá trình tìm hiểu thực trạng khó khăn về nước sạch sinh hoạt ở xã Nghi Ân, lãnh đạo chính quyền địa phương này cung cấp cho chúng tôi khá nhiều tài liệu, trong đó có biên bản “Về việc cấp nước sạch trên địa bàn xã Nghi Ân”.

Ở biên bản này, UBND xã Nghi Ân dẫn tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường cuộc sống (Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn năm 2021 – 2025 được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022) quy định tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, qua đó đề nghị Công ty CP Cấp nước Nghệ An đến hết tháng 12/2024 cam kết sẽ làm hợp đồng, lắp đặt cấp nước cho 1.420 hộ dân, tương ứng khoảng 60% số hộ dân trên toàn địa bàn.

z5856751811814_363070ed5409583f9595fdac17623ebf.jpg
Biên bản “Về việc cấp nước sạch trên địa bàn xã Nghi Ân” giữa UBND xã Nghi Ân và Công ty CP Cấp nước Nghệ An dịp tháng 5/2024. Ảnh: Nhật Lân

Biên bản “Về việc cấp nước sạch trên địa bàn xã Nghi Ân” có đại diện lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Nghệ An ký tên, đóng dấu, thể hiện đồng ý thực hiện cam kết. Nhưng băn khoăn vì việc UBND xã Nghi Ân dẫn tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đề nghị cho 60% hộ dân được cung ứng dịch vụ nước sạch liệu đã đúng với tinh thần mọi người dân đều có quyền tiếp cận nước sạch sinh hoạt? Vì có cảm nhận sau 16 năm “được” nhập vào thành phố Vinh, người dân Nghi Ân vẫn chưa thực sự có "danh, phận" của công dân đô thị loại I, bị hạn chế quyền tiếp cận nước sạch – loại hàng hóa vô cùng thiết yếu trong cuộc sống!

Chỉ số 374 trên bút thử TDS thể hiện mẫu nước ngầm của một gia đình ở xóm Kim Chi, xã Nghi Ân, TP. Vinh) không đảm bảo sử dụng trong sinh hoạt. Ảnh: Đào Tuấn
Chỉ số 374 trên bút thử TDS thể hiện mẫu nước ngầm của một gia đình ở xóm Kim Chi, xã Nghi Ân, TP. Vinh) không đảm bảo sử dụng trong sinh hoạt. Ảnh: Đào Tuấn

Bởi vậy liên hệ, nói ra với Chủ tịch UBND xã Nghi Ân Chu Văn Mai điều băn khoăn. Theo ông Mai, chính quyền xã hiểu mọi người dân đều có quyền tiếp cận nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, một thực tế là dù xã Nghi Ân được công nhận hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nhưng về tiêu chí nước sạch thì vẫn… đang nợ. Nên chính quyền xã đặt ra mục tiêu tương ứng với tiêu chí nông thôn mới nâng cao để Công ty CP Cấp nước Nghệ An cam kết thực hiện hoàn thành, chứ không có ý hạn chế quyền tiếp cận nước sạch của người dân.

Giải thích rồi ông rầu rĩ: “Thực ra với chỉ tiêu này thì họ cũng đã thực hiện đâu, trong khi năm 2024 chỉ còn hơn 3 tháng nữa. Tôi mới gọi điện, họ trả lời là cần phải nâng cấp hệ thống, chứ như hiện nay thì chưa đáp ứng được nhu cầu…”.

Ngập ngừng ít giây, ông lại nói tiếp: “Nhưng là họ trả lời vậy chứ nước ở Nghi Ân thì đã sẵn trong hệ thống đường ống, áp lực nước có thể lên được tầng hai, tầng ba…”.

Từ những trao đổi của Chủ tịch UBND xã Nghi Ân liên hệ đến Sở Xây dựng - cơ quan Thường trực Ban An toàn nước sạch tỉnh. Theo vị đại diện, mọi người dân đều phải được đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch. Thế nên từ năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị lập kế hoạch cấp nước, ký kết văn bản thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với các đơn vị cấp nước trên địa bàn.

Người dân xóm Kim Chi ( xã Nghi Ân, TP. Vinh) bày tỏ quan tâm tới nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Đào Tuấn
Lo lắng cho sức khỏe, người dân xóm Kim Chi (xã Nghi Ân) bức xúc trước việc hệ thống đường ống đã được đầu tư hoàn thành đã lâu nhưng chưa có nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Đào Tuấn

Về phần Sở Xây dựng, sau đó cũng đã có văn bản hướng dẫn triển khai, và nhiều lần đôn đốc thực hiện. Thời gian qua, khi biết địa bàn các huyện, đặc biệt là khu vực thành phố Vinh và vùng phụ cận những bất cập trong vấn đề cung cấp dịch vụ nước từ đơn vị cấp nước, Sở đã tiếp tục có văn bản đôn đốc UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị cấp nước thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.

Vị này giải thích thêm: “Theo Điều 31, Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ, việc thỏa thuận dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý giữa UBND cấp huyện với đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong văn bản thỏa thuận sẽ quy định các nội dung phải thực hiện giữa đơn vị cấp nước và UBND cấp huyện, sẽ là cơ sở để triển khai giám sát, kiểm tra, xử lý khi đơn vị cấp nước không thực hiện các điều kiện dịch vụ theo quy định, để đảm bảo quyền lợi cho người dân…”.

z5856754659894_b448525b15a6b7711955d7c66648c065.jpg
Ông Lê Văn Sáu (xóm Kim Chi) đăng ảnh, và viết trên Facebook cá nhân ngày 4/3/2024, khi biết gia đình mình sắp được sử dụng nước máy. Ảnh: Nhật Lân

Nghe những gì vị đại diện cơ quan Thường trực Ban An toàn nước sạch tỉnh trao đổi, hiểu giữa UBND thành phố Vinh và Công ty CP Cấp nước Nghệ An đang có “khúc mắc” gì đó nên chưa ký kết văn bản thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước. Bất giác nhớ trường hợp hộ dân Lê Văn Sáu ở làng hoa cây cảnh Kim Chi (Nghi Ân) – người đã nhiều năm sử dụng Facebook và đơn thư kiến nghị để gia đình được cung ứng dịch vụ nước máy. Và nghĩ, chẳng lẽ những hộ dân khác ở xã Nghi Ân cũng nên làm theo cách ông Lê Văn Sáu đã làm?

Mới nhất
x
x
Quyền tiếp cận nước sạch…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO