Sản xuất lúa giống ở Yên Thành tăng giá trị 15%
(Baonghean) - Huyện Yên Thành (Nghệ An) là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh. Những năm gần đây, huyện tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao cung ứng cho thị trường.
Sản xuất giống lúa chất lượng cao
Hàng năm, lượng lương thực do “vựa lúa Yên Thành” sản xuất ra rất lớn. Trước thực trạng người trồng lúa “được mùa, mất giá”, những năm qua, chính quyền và người dân của huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa, cụ thể là đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Bà Trần Thị Minh ở xóm Phan Thanh, xã Long Thành (Yên Thành) cho biết: Vụ xuân 2019, gia đình gieo cấy 5 sào lúa chất lượng cao, thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua với giá 6.000 đồng/kg, thu về 3 triệu đồng/sào. Toàn xã Long Thành có 350 ha lúa, bước đầu mới sản xuất trên 50 ha lúa chất lượng cao QJ1.
Qua vụ sản xuất đầu tiên cho thấy, giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày, phát triển tốt, chống chịu được rét và các một số sâu bệnh gây hại, năng suất đạt 7,5 - 8 tấn/ha. Thóc tươi sau thu hoạch được Tập đoàn TH thu mua toàn bộ tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg. Vụ xuân năm nay xã đặt kế hoạch vận động bà con gieo cấy lúa chất lượng cao trên 200 ha, để nâng cao giá trị kinh tế.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng của xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng |
Đại diện HTX nông nghiệp phát triển nông thôn Văn Thành chia sẻ: Bà con tham gia sản xuất lúa chất lượng cao được hưởng các cơ chế chính sách như được hỗ trợ 200.000 đồng/sào (chính sách của tỉnh), HTX nông nghiệp hỗ trợ về khâu kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm lúa tại ruộng, giá trị kinh tế tăng lên trên 15% so với lúa lai. Một số hộ đã mạnh dạn tăng diện tích lúa chất lượng cao như hộ ông Cao Xuân Thắng sản xuất 4 ha lúa chất lượng cao, đạt 4 tạ/sào/vụ. Theo kế hoạch vụ đông xuân năm nay, xã Văn Thành sẽ tăng diện tích lúa chất lượng cao 100/320 ha lúa nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết thêm: Sản xuất lúa sạch theo quy trình VietGAP được nông dân huyện áp dụng từ vụ đông xuân 2018. Hàng năm, huyện gieo cấy trên 12.000 ha lúa, trong đó chỉ mới áp dụng sản xuất được trên 1.000 ha lúa chất lượng cao.
Hội thảo đánh giá mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm QJ1 tại Yên Thành. Ảnh: Tư liệu - Thái Hồng |
Trong năm 2020, Tập đoàn TH sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền nhà máy chế biến gạo với quy mô lớn, huyện Yên Thành sẽ mở rộng quy mô diện tích từ 5.000 – 6.000 ha lúa chất lượng cao tập trung ở 12 xã. Tập đoàn TH sẽ cung ứng giống và các chế phẩm sinh học xử lý hạt giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ thóc tươi tại ruộng, đảm bảo an toàn sau thu hoạch.
Gạo của giống lúa này là nguyên liệu để chế biến các sản phẩm mang thương hiệu TH như: Sữa gạo, bánh kẹo và gạo hàng hóa chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu. Qua tìm hiểu thì lúa chất lượng cao dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn 1.000 - 1.500 đồng/kg so với lúa thường. Dựa vào những định hướng đó, Yên Thành sẽ giảm dần diện tích lúa có năng suất thấp, chất lượng kém và tăng dần các giống lúa lai và lúa thuần có chất lượng tốt.
Nâng giá trị sản xuất từ liên kết
Ngoài sản xuất giống lúa chất lượng cao, huyện Yên Thành còn chú trọng mở rộng liên kết trong sản xuất lúa giống. Ông Nguyễn Minh Chiến - xóm Liên Trì, xã Liên Thành chia sẻ: Gia đình có 6 sào ruộng đều sản xuất lúa giống, với 2 loại lúa giống Bắc thơm số 7 và Khang dân 18. Một sào lúa giống có thu nhập từ trên 3,2 - 3,6 triệu đồng, giá trị gần gấp 1,5 lần so với lúa thường. Việc sản xuất lúa giống được các công ty thu mua ngay sau thu hoạch, ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật của công ty tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất khắt khe từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, vì vậy người làm giống rất yên tâm.
Xã Vĩnh Thành, Yên Thành bắc mạ giống chất lượng cao. Ảnh: Văn Trường |
Ông Đặng Ngọc Công - Chủ tịch UBND xã Liên Thành cho biết thêm: Từ khi chuyển đổi ruộng đất, xã đã quy hoạch 180/425 ha lúa giống. HTX dịch vụ Liên Thành đã ký kết với 4 công ty có uy tín để thu mua cho bà con xã viên. Từ năm 2017, HTX đã thực hiện được dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa giống”. Tổng kết dự án, năng suất lúa đạt bình quân từ 75 - 78 tạ/ha. Hàng năm, các công ty trên đã thu mua cho bà con 500 tấn lúa giống các loại, đạt trị giá trên 4 tỷ đồng.
Đến nay, HTX dịch vụ Liên Thành bằng các nguồn vốn từ thu hút đầu tư khoảng trên 10 tỷ đồng để xây dựng kho bãi, xây dựng lò sấy, lô gô thương hiệu. Liên Thành phấn đấu năm 2022 phát triển trên 200 ha lúa giống, góp nâng cao thu nhập cho người dân.
Sản xuất lúa giống chất lượng cao tại xã Hoa Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường |
Riêng về lúa giống, các doanh nghiệp thu mua giá trị cao hơn lúa thường từ 10-15%. Vì vậy, khi tham gia cấy lúa giống, nông dân không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn được sử dụng lúa giống gốc chất lượng tốt để sản xuất ra giống canh tác có khả năng kháng bệnh cao. Nhiều nông dân cũng có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trên đồng ruộng, sau khi được các cán bộ của doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn.
Về cơ chế chính sách, huyện hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ phân bón, giống cho các mô hình lúa giống, đầu tư hạng mục hạ tầng cho vùng sản xuất giống. Để phát triển theo hướng bền vững, tháng 4/2017, UBND huyện Yên Thành được tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM và cơ cấu ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2050. Qua đó, đối với sản xuất giống, huyện phấn đấu vụ xuân năm nay sẽ mở rộng diện tích giống trên 700 - 800 ha.
Có thể khẳng định, việc liên kết sản xuất lúa chất lượng cao và lúa giống hàng hóa thực sự là hướng đi rất hiệu quả, nâng giá trị kinh tế cho nông dân. Với đà phát triển này, Yên Thành đang phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển cây lúa theo hướng hàng hóa lớn, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc bao tiêu sản phẩm.