Tân Kỳ thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả
(Baonghean.vn) - Bằng tự lực của người dân cùng sự vào cuộc của địa phương, huyện Tân Kỳ đã đạt nhiều thành quả trong công tác giảm nghèo. Giai đoạn tới, địa phương tiếp tục có những giải pháp cụ thể nhằm xóa nghèo một cách bền vững.
Nỗ lực kéo giảm số hộ nghèo
Điều dễ nhận thấy trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện nay là diện mạo nông thôn đang từng ngày đổi mới, nhiều nhà ở của người dân được xây dựng khang trang; đường làng, ngõ xóm được đầu tư đổ bê tông, lắp đặt điện chiếu sáng…Đó là minh chứng khẳng định đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên, hộ khá, giàu ngày càng nhiều, hộ nghèo ngày càng giảm.
Ông Trương Văn Thìn (người ngồi giữa) là người có uy tín ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Phúc chia sẻ cách "xóa nghèo" của gia đình với cán bộ địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng |
Để được như vậy, mỗi hộ dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như ông Trương Văn Thìn - người có uy tín của xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Bình. Ông phấn khởi chia sẻ, gia đình ông có 6 người con, tất cả đã có gia đình riêng, đều đi làm công nhân tại các thành phố lớn. Nhờ các con có việc làm ổn định, nên gia đình có của ăn, của để, xây dựng được ngôi nhà khang trang và mua sắm tiện nghi sinh hoạt.
Ở nhà, hai ông bà tích cực chăn nuôi, sản xuất, trong chuồng luôn có trâu nuôi nhốt, nuôi gà thịt và tận dụng mảnh đất vườn trồng rau xanh, tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm. Nhờ đó, cuối năm 2021, gia đình ông Thìn tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xóm.
Các con đi XKLĐ có nguồn thu nhập ổn định nhưng vợ chồng ông Trương Văn Thìn vẫn tích cực sản xuất để cải thiện cuộc sống. Ảnh: Xuân Hoàng |
Kế bên là gia đình chị Nguyễn Thị Chất cũng vừa thoát nghèo trong năm 2021. Chị Chất cho biết, vợ chồng chị được cha mẹ cho ra riêng từ năm 2017, nhưng do không có đất sản xuất, nên cuộc sống của vợ chồng luôn khó khăn, thuộc diện hộ nghèo kéo dài trong nhiều năm liền.
Không để đói nghèo đeo bám mãi, đầu năm 2021, họ quyết tâm vay tiền cho người chồng đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Tu chí làm ăn, hàng tháng chồng gửi tiền về cho gia đình, còn vợ ở nhà tăng cường chăn nuôi lợn, gà… nên cuộc sống gia đình chị được nâng lên rõ rệt, xóa nghèo vào cuối năm ngoái. Chị Chất bộc bạch: “Trong điều kiện gia đình không có đất sản xuất, không có việc làm, nếu chồng tôi không đi xuất khẩu lao động thì gia đình chắc không thể thoát nghèo được”.
Chị Hoàng Thị Tâm - cán bộ chính sách xã Nghĩa Phúc cho hay, bộ mặt thôn, xóm trên địa bàn thay đổi mạnh mẽ là phần lớn do con em đi xuất khẩu lao động mà có. Với sự định hướng của chính quyền địa phương và sự vươn lên bứt phá của người dân trong công tác giảm nghèo, hàng năm, xã Nghĩa Phúc có từ 20 – 30 người đi xuất khẩu lao động và hiện tại đang có hơn 200 con em đang lao động ở nước ngoài.
Những hộ không có người thân đi xuất khẩu lao động thì tích cực sản xuất, tìm kiếm việc làm ngay tại quê hương để có thu nhập. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm, đến cuối năm 2021 còn trên 8%.
Gia đình chị Cao Thị Hòa thoát nghèo từ một năm trước do XKLĐ và tích cực bám ruộng, bám vườn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Trên địa bàn xã Tân An, nhiều gia đình cũng vừa thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động và năng động trong sản xuất. Chị Cao Thị Hòa ở xóm Thị Tứ, xã Tân An cho biết, mặc dù gia đình tích cực bám ruộng, bám vườn sản xuất, nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được. Năm 2020, chồng chị quyết định đi xuất khẩu lao động với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình. May mắn là chồng có việc làm ổn định nên thu nhập của gia đình được nâng lên từ nguồn thu ngoại hối. Vì vậy, cuối năm 2020 gia đình thật sự thoát được hộ nghèo, hiện ổn định cuộc sống hơn trước.
Ông Cao Tiến Thìn – Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Với sự năng động của người dân trong lao động, sản xuất, cùng với sự thi đua học tập của con em, từ đó, số lao động có việc làm ổn định ngày càng nhiều, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương do đó cũng giảm nhanh, cuối năm 2021 còn 3,8%, dự kiến cuối năm 2022 này sẽ giảm dưới 3%.
Sẵn sàng trước thách thức mới
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và các ngành, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong huyện, công tác giảm nghèo của huyện Tân Kỳ đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ trong những năm qua có nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó có mô hình trồng chuối hàng hóa ở xã Đồng Văn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB&XH, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15,32%, nhưng đến năm 2021 giảm xuống còn 1,85%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 9,19%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ thoát nghèo chưa thực sự bền vững; số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn; vẫn còn hộ tái nghèo... Do vậy, vấn đề giảm nghèo trong những năm tới là thách thức mới đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Ông Phan Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Nghị quyết số 07 NQ/HU của BTV Huyện ủy phê duyệt chương trình kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2021 đã được thực hiện thành công tại địa phương. Để công tác giảm nghèo tiếp tục có hiệu quả, huyện đã xây dựng Đề án giảm nghèo giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, mục tiêu của huyện Tân Kỳ mỗi năm giảm từ 1,5 – 2% tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025, riêng các xã hiện có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%, mỗi năm giảm từ 2 – 2,5%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 1 – 1,5%/năm.
Những năm qua, huyện Tân Kỳ thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư công ty may, tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn con em trên địa bàn huyện. Ảnh: Xuân Hoàng |
Để đạt được mục tiêu đó, huyện Tân Kỳ thực hiện một số giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.
Hàng năm, cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, xã phải đăng ký phấn đấu mục tiêu giảm nghèo; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí bình xét thi đua đối với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương. Giao nhiệm vụ cho chi bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách, hướng dẫn cách làm ăn, tư vấn XKLĐ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Những hộ thuộc diện nghèo trên địa bàn huyện Tân Kỳ là do các nguyên nhân chính: Thiếu đất sản xuất, thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động, không có công cụ, phương tiện sản xuất, không có kiến thức, kỹ năng trong lao động, sản xuất, bệnh tật, ốm đau… Vì vậy, giai đoạn tới, huyện tiếp tục có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo hiệu quả hơn
Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, cận nghèo. Huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững: Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển hàng hóa ở các xã xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao; tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo…
Gia đình bà Nguyễn Thị Kết ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Phúc vừa được chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện hỗ trợ bò sinh sản để nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Xuân Hoàng |
Hàng năm lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được giải quyết việc làm mới từ 800 – 1.000 lao động, 300 – 500 lao động được học nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và tập huấn khoa học, kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 10 đơn vị trên địa bàn huyện hỗ trợ bò và dê sinh sản cho 10 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị trên địa bàn huyện tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế hộ. Cùng đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các tổ chức hội hỗ trợ hộ nghèo là người có công trên địa bàn huyện.