Thủ tướng Chính phủ: Người dân phải được hưởng thụ thực chất từ thành quả chuyển đổi số

Phạm Bằng 25/12/2022 12:49

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, gắn kết chặt chẽ với các nguồn lực để thực hiện; các nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng, dễ triển khai, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.

Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì điểm cầu.

CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀY CÀNG MẠNH MẼ, SÂU RỘNG, THỰC CHẤT

Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Đề án 06, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay đã hoàn thành và đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao. Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm "tham nhũng vặt".

Đã bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng số; cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế; tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền...

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Hệ thống định danh và xác thực điện tử đã phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân, trong đó trên 2,6 triệu tài khoản đã kích hoạt; cấp 76,5 triệu thẻ căn cước công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 12 đơn vị bộ, ngành và 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; Có 4 bộ, ngành đã triển khai số hoá, tạo lập dữ liệu dùng chung; 5 bộ, ngành và triển khai số hoá một phần.

Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong 107 nhiệm vụ mà Kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành thì đến nay có 42 nhiệm vụ của các bộ, ngành đã hoàn thành; 2 nhiệm vụ đang triển khai; 59/63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiệm vụ xây dựng chính phủ số đạt được kết quả tích cực, mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 4 cấp hành chính được phát triển, ổn định, an toàn; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; 11 tháng đầu năm có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 5,8 triệu văn bản điện tử gửi và nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Hoạt động kinh tế số sôi động; tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và phương tiện điện tử trực tuyến ước đạt 23 tỷ USD. Ước tính tỷ trọng kinh tế số đạt 14,18% GDP; Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 70.000 doanh nghiệp. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ dự báo đạt 7,5%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử ước đạt 50%...

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xã hội số ngày càng phát triển, tổng số lượt tải mới các ứng dụng di động đạt 3,23 tỉ lượt, giữ vị trí số 9 toàn cầu. Tổng số lượng người dùng thường xuyên các nền tảng Việt chiếm khoảng hơn 20% so với số lượng người dùng toàn thị trường. 37/63 địa phương đã ban hành Đề án, Kế hoạch phát triển đô thị thông minh và bước đầu cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã phát biểu, làm rõ các kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm, những tác động, hiệu quả của chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và toàn xã hội.

LẤY NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM, CHỦ THỂ, ĐỘNG LỰC, MỤC TIÊU CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các ngành, địa phương, hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch của năm 2023 về chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá các kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2022 chúng ta đã từng bước chuyển đổi nhận thức và thói quen hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số, nhiều sản phẩm số phục vụ người dân và doanh nghiệp được kịp thời, hiệu quả. Công tác hoàn thiện thể chế được thực hiện quyết liệt, tích cực; hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển, thúc đẩy cơ sở dữ liệu dân cư.

Mặt khác, các cơ sở dữ liệu quốc gia được đẩy mạnh, tiếp tục được kết nối, chia sẻ; Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả; An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm, đầu tư đạt được kết quả tích cực, hình thành được các mô hình bước đầu có hiệu quả; Kinh tế số và xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực; Hoàn thành 9/12 chỉ tiêu, 101/107 nhiệm vụ trong kế hoạch chuyển đổi số...

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng cũng chỉ rõ 8 tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Nhấn mạnh năm 2023 khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số là nhằm giảm bớt khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần có tư duy đột phá, đổi mới, năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, trên cơ sở huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, làm từ đơn giản đến phức tạp nhưng phải đảm bảo đúng đủ, sạch sống và an toàn thông tin.

Trong quá trình triển khai thực hiện phải bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí, tránh hình thức. Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực, người dân phải được hưởng thụ thực chất, hiệu quả thành quả chuyển đổi số. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường nhận thức, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, lưu ý vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khẩn trương hoàn thiện, quyết liệt triển khai hiệu quả kế hoạch hoạt động của Uỷ ban chuyển đổi số quốc gia; kịp thời báo cáo các vướng mắc phát sinh để giải quyết.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện, gắn kết chặt chẽ với các nguồn lực để thực hiện; các nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ triển khai, dễ kiểm tra, dễ giám sát. Chủ động triển khai số hoá, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ chi trả trợ cấp an sinh xã hội thông qua chuyển đổi số, không dùng tiền mặt. Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, không cát cứ, cục bộ trong chia sẻ và xây dựng dữ liệu chung; khắc phục các hạn chế, bất cập về bảo mật, lộ lọt thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân; tập trung xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số.

Nhấn mạnh năm 2023 là năm dữ liệu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng dữ liệu và kết nối dữ liệu với dữ liệu quốc gia đồng bộ và quyết tâm xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ: Người dân phải được hưởng thụ thực chất từ thành quả chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO