Thủ tướng Chính phủ: Nông dân cần nâng cao ý chí tự lực, không cam chịu nghèo nàn, thực hiện khát vọng làm giàu
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị nông dân nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện khát vọng làm giàu, đóng góp phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại và nông dân trí thức.
Chiều 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có lãnh đạo các bộ, ngành, cùng trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
NHIỀU VẤN ĐỀ NÓNG GỬI ĐẾN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, qua 4 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023- 2028 kết thúc thành công tốt đẹp. Vì thế, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự động viên, khuyến khích to lớn đối với cán bộ, hội viên nông dân cả nước.
Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đã có gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ.
Tại hội nghị, nhiều nông dân tiếp tục ý kiến liên quan đến vấn đề cần có chính sách thúc đẩy tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp; chính sách cho người nông dân tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách cho người trồng cây cà phê trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng; chính sách hỗ trợ người nông dân làm du lịch nông nghiệp; chính sách phát triển hệ sinh thái nuôi tôm và trồng lúa.
Nhiều nông dân còn gửi câu hỏi đến Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành về chính sách hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số; hỗ trợ nông dân được vay vốn tín dụng; kiến nghị mong muốn Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư vào việc quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; gắn với xây dựng nhà máy chế biến, tạo chuỗi giá trị bền vững, hài hòa lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Đặt câu hỏi tới Thủ tướng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương Nguyễn Xuân Khánh cho rằng, hiện có một bộ phận lao động nông thôn là con em nông dân đi làm công nhân ở thành phố, đô thị hay xuất khẩu lao động nay quay trở về quê mang theo nhiều phức tạp về việc làm, đời sống và an sinh xã hội. "Chính phủ và các ngành chức năng có giải pháp gì để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động mất việc trở về nông thôn", ông Khánh hỏi.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp trả lời, giải đáp ý kiến của nông dân. Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi, làm rõ thêm nội dung vấn đề nông dân quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng thời đề nghị các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN TRONG KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hội nghị đối thoại đã diễn ra dân chủ, thoải mái, thẳng thắn, sôi nổi; các nội dung đối thoại bao trùm các vấn đề hiện nay nông dân đang gặp phải.
Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thực hiện đường lối của Đảng, trong năm 2023, ngành nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ, tiền đề cho sự phát triển của đất nước, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu trên 8 tỷ tấn gạo, đạt 4,8 tỷ USD.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương đạt kết quả cao. Đóng góp của nông nghiệp, nông thôn, nông dân vào sự phát triển của đất nước là hết sức quan trọng, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện khát vọng làm giàu, đóng góp phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại và nông dân trí thức để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Cán bộ, hội viên nông dân cả nước tiếp tục phấn đấu, hăng hái trong lao động, sản xuất kinh doanh, phát huy giá trị phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong nông dân.
Nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển hàng hoá lớn, nông nghiệp thông minh, sạch, an toàn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, biến nguy thành cơ, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đa giá trị gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, xoá bỏ rào cản nếp nghĩ, cách làm nhỏ lẻ, manh mún, nhỏ lẻ; xây dựng nông nghiệp sinh thái theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo người dân tích cực tham gia có hiệu quả đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa nước chất lượng cao, gắn với tăng trưởng nhanh; tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, phát triển các hình thức hợp tác, đảm bảo hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia, cạnh tranh lành mạnh nhưng hiệu quả, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Thủ tướng cũng đề nghị nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bồi dưỡng cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng cho nông dân; hỗ trợ vốn cho nông dân...