Thủ tướng Chính phủ quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66, ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68, ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, các đồng chí: Tô Lâm - Tổng Bí thư; Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung ương, Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp.
Tham dự tại điểm cầu trung tâm tỉnh Nghệ An có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phạm Tất Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; cùng các đại biểu các cơ quan Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, báo cáo viên cấp tỉnh, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.

3 bất cập căn bản về phát triển kinh tế tư nhân
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ quán triệt, triển khai chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết”.
Thủ tướng Chính phủ đã điểm lại những nét cơ bản về phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta, đặc biệt là từ khi đổi mới đến nay.
Theo đó, quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong gần 40 năm qua có thể được khái quát thành 5 giai đoạn: Giai đoạn 1986 - 1999: Hình thành và được thừa nhận; giai đoạn 2000 - 2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp; giai đoạn 2006 - 2015: Hội nhập và mở rộng; giai đoạn 2016 - 2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế tự chủ, bền vững.

Có thể thấy trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5 nghìn doanh nghiệp năm 1990 lên gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP.

Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế; giai đoạn 2017-2024 sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.

Kinh tế tư nhân là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.

Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia; trong đó: Mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025 vẫn chưa đạt được; đặc biệt gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ)…
“Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chúng ta cũng thấy rõ những bất cập mang tính căn cơ, bản chất: Nhận thức về kinh tế tư nhân còn hạn chế, quan điểm chưa cởi mở; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bất cập; tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về kinh tế tư nhân chưa thực sự kịp thời, hiệu quả; một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự chủ động, linh hoạt, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Trên cơ sở phân tích 4 yêu cầu khách quan, 4 yêu cầu chủ quan, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ yêu cầu về chính sách đột phá phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân và trong một thời gian ngắn đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Đây được xem là bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho kinh tế tư nhân, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước”.

Phân tích 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68/NQ-TW, Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp phát động phong trào thi đua toàn dân làm giàu để xây dựng và phát triển đất nước.
Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu NSNN; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và trong tổng thể 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Đó là: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Về kế hoạch hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đã cụ thể hóa thành 117 nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện với phương châm 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”.