Triều Tiên 'làm giá' với Mỹ?

(Baonghean) - Sáng qua (14/5), Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tại vùng Kusong, tỉnh Bắc Pyongan, đúng một ngày sau khi Triều Tiên cho biết sẵn sàng đối thoại với Mỹ nếu điều kiện cho phép. Theo giới phân tích, khi cả Mỹ và Triều Tiên cùng bắn đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại, có lẽ cả hai đều đang cố gắng sử dụng “kỹ thuật làm giá” nhằm tạo cho mình lợi thế tối đa khi bước vào đàm phán - nếu có. 

Thách thức các lệnh trừng phạt

Vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên hôm qua được đánh giá là thành công, khi tên lửa đã bay được khoảng 800km trong vòng 30 phút và rơi xuống biển Nhật Bản, bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Dù chưa xác định được chính xác loại tên lửa mà Triều Tiên sử dụng trong lần phóng thử này, song các chuyên gia về vũ khí đều cho rằng Triều Tiên đã có tiến bộ đáng kể sau vụ thử tên lửa tầm trung Pukguksong hôm 12/2.

Dường như một loạt vụ thử thất bại trong hai tháng kể từ thời điểm đó, cụ thể là vào các ngày 5, 16 và 29/4 đã giúp các tên lửa của Triều Tiên cải thiện được khá nhiều về mặt kỹ thuật. Theo nhận định của các chuyên gia, điều đáng chú ý là dường như tên lửa lần này đã được Triều Tiên phóng theo phương thẳng đứng và đã đạt tới độ cao 2.000km.

Nhưng nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa có thể vươn tới tầm xa 4.500 km. Ông Kim Dong-yub, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Viễn đông thuộc Đại học Kyungnam tại Seoul, Hàn Quốc thậm chí còn cho rằng nếu được phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa của Triều Tiên còn có thể đạt tầm xa tới 6.000km – một khoảng cách đủ để được gọi là tên lửa liên lục địa và chạm tới Hawaii của Mỹ.

Triều Tiên thử tên lửa ngay sau khi bà Choe Son Hui tuyên bố Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Mỹ (Getty).
Triều Tiên thử tên lửa ngay sau khi bà Choe Son Hui tuyên bố Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Mỹ (Getty).

Dù không ai xác minh được năng lực thực sự của Triều Tiên đến đâu, song rõ ràng là những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của nước này không chỉ là hành động “diễu võ dương oai” thông thường, mà thực sự cho thấy Triều Tiên đang đạt được nhiều tiến bộ qua các vụ thử này.

Đáng quan ngại hơn là bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng siết chặt, bất chấp các hành động thị uy của Mỹ như ném bom Syria, lần đầu sử dụng “mẹ của các loại bom” tại Afganistan, điều động tàu sân bay Carl Vinson, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan cùng nhiều loại vũ khí chiến lược khác tham gia tập trận gần bán đảo Triều Tiên…, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vẫn đều đặn diễn ra.

Mối lo ngại càng lớn dần lên khi các báo cáo tình báo cho rằng cứ khoảng 6-7 tuần, Triều Tiên lại có thể chế tạo một quả bom hạt nhân. Viễn cảnh về việc Triều Tiên có thể phát triển một loại tên lửa liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân có thể chạm tới Seatle của Mỹ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, và thực sự là “cơn ác mộng” đối với Mỹ. Đó là lý do vì sao chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra rất khẩn trương tìm kiếm giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn Triều Tiên.  

Đôi bên cùng “làm giá” 

Theo dõi những tuyên bố trong thời gian gần đây từ phía chính quyền Mỹ, có thể nhận thấy mức độ cứng rắn đang có chiều hướng giảm dần, từ “Mỹ đã hết kiên nhẫn” hay “sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự” trước đây sang “Mỹ muốn giải quyết vấn thông qua các biện pháp ngoại giao”, và giờ là “Mỹ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Triều Tiên”.

Tổng thống Donald Trump còn nói rằng ông “rất vinh dự” khi được gặp và làm việc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi các điều kiện được đảm bảo. Sau những tuyên bố của Mỹ, phía Triều Tiên cũng đáp lại bằng thông điệp tương tự của bà Choe Son Hui, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên rằng “Bình Nhưỡng sẽ đối thoại với chính quyền Washington khi các điều kiện phù hợp”.

Dù “điều kiện phù hợp” mà hai bên cùng nhắc tới đó chưa được làm rõ, song dư luận vẫn tin vào khả năng đàm phán trực tiếp Mỹ - Triều khi có thông tin cho rằng, quan chức của hai nước vừa có cuộc đàm phán không chính thức ở thủ đô Oslo của Na Uy hồi tuần trước – được cho là để hai bên “thăm dò” và xác lập các điều kiện này. 

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vị trí vụ thử tên lửa hôm 14/5 của Triều Tiên (Yonhap).
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vị trí vụ thử tên lửa hôm 14/5 của Triều Tiên (Yonhap).

Trong khi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn ở thì tương lai, việc Triều Tiên tiếp tục xúc tiến các vụ thử tên lửa, thậm chí là thử hạt nhân không có gì là khó hiểu. Tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại từ cả phía Mỹ và Triều Tiên được cho là cần thiết nhằm giảm căng thẳng kéo dài lâu nay trên bán đảo Triều Tiên. Trước khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán, cả hai bên đều không thiếu các tuyên bố cũng như hành động cứng rắn.

Nhưng trên thực tế, cả hai bên đều hiểu rằng đàm phán là con đường duy nhất để “tháo ngòi nổ” hiện nay và một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn không phải là điều Mỹ và Triều Tiên mong muốn. Bởi vậy, hành động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa liêp tiếp của Triều Tiên, hay ở phía bên kia là các hành động thị uy quân sự của Mỹ dù đang gây quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột, nhưng sâu xa hơn thì có thể là “kỹ thuật làm giá” của mỗi bên nhằm cố gắng tạo cho mình lợi thế tối đa khi bước vào đàm phán mà thôi. 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nói rằng mục tiêu rõ ràng và duy nhất của Mỹ là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, và Mỹ muốn thuyết phục rằng Triều Tiên không cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước. Thế nhưng, phía Triều Tiên lại không tin tưởng vào mục tiêu này của Mỹ. Bởi vậy, một khi hai bên còn quá thiếu lòng tin với nhau, các cuộc đàm phán Mỹ - Triều nếu có cơ hội diễn ra cũng rất khó đạt được tiến triển trong một sớm, một chiều. 

Thúy Ngọc

tin mới

Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi?

Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi?

(Baonghean.vn) - Fox News cho rằng, Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi. Theo đó, Nga đang tạo ra sức ảnh hưởng về mặt chính trị, còn Trung Quốc thâm nhập về kinh tế. Đây không chỉ là lời cáo buộc từ các đối thủ chính trị của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mà là thực tế. 

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Belousov mang lại gì cho Nga?

Thay chỉ huy cao nhất của quân đội, Tổng thống Putin tính toán gì?

(Baonghean.vn) - Giới phân tích quân sự cho rằng, việc bổ nhiệm ông Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng là một quyết định “đặc biệt thành công”, bởi ông có tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận phi tiêu chuẩn để giải quyết một loạt các vấn đề phức tạp và cấp bách nhất, nếu muốn giành chiến thắng.

Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc trong các ngày 16 - 17/5

Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc trong các ngày 16 - 17/5

(Baonghean.vn) - Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi tái đắc cử tổng thống Nga, và như Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov nói trước đó, sẽ là "bước đi tương ứng với chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào năm ngoái sau khi ông tái đắc cử".

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh

(Baonghean.vn) - CNN nhận định, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cùng với thông điệp nêu bật sự chia rẽ trong lòng "lục địa già", rằng: bất chấp những mâu thuẫn với phần lớn lục địa, Trung Quốc vẫn thiện cảm ở một số quốc gia châu Âu.