eMagazine

Tương Dương: Hành trình 555 năm hình thành và phát triển

Tiến Đông 25/12/2024 20:00

Từ một vùng đất hoang sơ, sau 555 năm, Tương Dương đã vươn mình trở thành một huyện miền núi giàu bản sắc, hòa quyện giữa truyền thống văn hóa lâu đời và tinh thần đổi mới, phát triển bền vững.

Ngã ba sông Nậm Nơn và Nậm Mộ nơi có đền Vạn - Cửa Rào. Ảnh: Tiến Đông

Lịch sử lâu đời

Từ xa xưa, vùng đất Tương Dương đã là nơi sinh sống của người Việt cổ. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử và sự thay đổi về địa giới hành chính, về tên gọi, đến năm Kỷ Sửu 1469, Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ định lại bản đồ cả nước, tên gọi Tương Dương chính thức ra đời.

Dưới thời Vua Lê Thánh Tông, bản đồ hành chính được vẽ lại, chia lãnh thổ thành 12 đạo thừa tuyên với mục đích tăng cường quản lý Nhà nước và củng cố quyền lực Trung ương. Trong cuộc cải cách này, Nghệ An được xác định là một trong những đơn vị hành chính trọng yếu. Nghệ An thừa tuyên có 9 phủ, 25 huyện, 2 châu, trong đó có Trà Lân phủ bao gồm 4 huyện: Kỳ Sơn (gồm 30 động), Hội Ninh (gồm 5 động), Tương Dương (gồm 7 động, 1 phường), huyện Vĩnh Khang (gồm 8 động).

rước kiệu
Rước kiệu tại Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào. Ảnh: Đình Tuân

Trong lịch sử hình thành và phát triển, Tương Dương nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, giáp ranh biên giới với Lào và trở thành phên dậu cho đất nước Đại Việt. Vùng đất này vừa mang tính trọng yếu về an ninh quốc phòng, vừa là cầu nối văn hóa, thương mại giữa các dân tộc miền núi và đồng bằng. Tương Dương cũng là nơi cư trú của nhiều tộc người như Thái, Mông, Khơ Mú, với nền văn hóa phong phú và đa dạng.

Nơi đây còn có khá nhiều di tích - lịch sử, tiêu biểu như đền Cửa Rào (xã Xá Lượng), đền thờ Lý Nhật Quang (xã Tam Quang), hang Thằm Cóng (xã Tam Bông). Đặc biệt, Đền Vạn - Cửa Rào từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của đồng bào các dân tộc Tương Dương và du khách gần xa.

Với đặc điểm có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên vùng đất Tương Dương có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc vùng miền. Trong đó, đồng bào Thái với câu lăm, điệu khắp cùng bộ trang phục duyên dáng, gợi cảm; đồng bào Mông với bộ trang phục hoa văn sặc sỡ cùng điệu múa xòe; đồng bào Khơ Mú với điệu hát tơm lôi cuốn người nghe bởi giai điệu rộn ràng. Ngoài ra còn có những nét văn hoá độc đáo của đồng bào Tày Poọng, Ơ Đu đang trên bước đường hồi sinh.

bna_thac.jpg
Tương Dương là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, là điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Đình Tuân

Ngày nay, Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh Nghệ An với 280.777ha, và có 58km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Dù trải qua lịch sử hình thành và phát triển, với nhiều sự thay đổi về địa giới hành chính, nhưng người Tương Dương luôn có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Trong đó phải kể đến yếu tố không gian văn hóa, khi nhiều bản Thái cổ vẫn được bảo tồn như bản Chắn, bản Mác, bản Lau (thị trấn Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Phồng (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn)...

Tương Dương
Người Tương Dương luôn có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Ảnh: Đình Tuân

Nỗ lực phát triển

Sau 555 năm hình thành và phát triển, huyện Tương Dương đang dần chuyển mình để hòa nhịp với xu thế hiện đại. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tương Dương vẫn là địa phương giữ được vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.

Dù gặp nhiều khó khăn, diễn biến thời tiết phức tạp, nhưng với tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của nhân dân, huyện rẻo cao Tương Dương đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tình hình kinh tế, xã hội được duy trì và phát triển, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.

Tuân Lương
Đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tương Dương thăm các hộ dân tại Khu tái định cư bản Xốp Mạt. Ảnh: Đình Tuân

Riêng năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương ước đạt 6.193.268 triệu đồng, đạt 100,1% Nghị quyết Hội đồng nhân dân giao. Tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 7,7%; thu nhập bình quân trên đầu người ước đạt 38,4 triệu đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực giáo dục đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Liên tục trong 5 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2024, có 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được tinh gọn hợp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

thị trấn Thạch Giám
Một góc thị trấn Thạch Giám - thủ phủ của huyện Tương Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiến Đông

Văn hóa - xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển. Trong năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện Tương Dương đạt 86,3%; tỷ lệ làng, bản đạt chuẩn văn hóa đạt 93,1%. Hoạt động an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách xã hội thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.

Năm 2024, trên địa bàn huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Phối hợp với đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 16 phiên giới thiệu việc làm lưu động tại các xã, thu hút được hơn 3.500 lao động tham gia tư vấn về việc làm, học nghề. Trong đó, số lao động qua đào tạo nghề đạt 2.978 người; giải quyết việc làm cho 3.449 lao động. Có 290 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cũng trong năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tương Dương đã giảm 4%, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 29,3% xuống còn 25,3%. Tình hình quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Huyện Tương Dương đã hoàn thành thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”. Trong đó, duy trì 12 địa bàn xã sạch về ma túy, hiện đang trình thẩm định 5 xã còn lại sạch về ma túy, phấn đấu đưa Tương Dương trở thành huyện sạch về ma túy.

văn hoá
Nhiều nét văn hóa đặc sắc vẫn luôn được giữ vững. Ảnh: Đình Tuân

Bước sang năm 2025, mặc dù xác định còn gặp nhiều khó khăn, với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhưng chính quyền và nhân dân huyện Tương Dương xác định sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ: Năm 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 5-6%, trong đó phần huyện quản lý 6-7%; Thu nhập bình quân đầu người: 41 triệu đồng/năm. Huyện Tương Dương cũng xác định sẽ tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Phát huy lợi thế, đổi mới và sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo bước đột phá theo hướng sản xuất tạo thành hàng hóa có giá trị, thương hiệu sản phẩm và bền vững; Tạo môi trường thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư kinh doanh từ các doanh nghiệp để phát triển kinh tế.

Tuân tuân
Các đồng chí Đinh Hồng Vinh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tham quan mô hình chăn nuôi ở bản Sơn Hà, xã Tam Quang. Ảnh: Đình Tuân

Đồng thời, tăng cường hướng nghiệp, dạy nghề, chú trọng đào tạo và tạo việc làm cho lao động nông thôn; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại ở cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, làm chuyển biến về tư duy, nhận thức, xây dựng ý chí vươn lên, tự lực, tự cường…

Có thể nói, sau 555 năm hình thành và phát triển, dưới sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, bộ mặt huyện Tương Dương đã có sự thay đổi rõ rệt. Từ một vùng đất hoang sơ, qua bao biến cố lịch sử, Tương Dương đã vươn mình trở thành một huyện miền núi giàu bản sắc, với sự hòa quyện giữa truyền thống văn hóa lâu đời và tinh thần đổi mới, phát triển bền vững.

Tương Dương: Hành trình 555 năm hình thành và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO