Thời sự

Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương làm việc với chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố

Tiến Đông 11/12/2024 13:05

Để giải quyết những vướng mắc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Thủy điện Khe Bố, sáng 11/12, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã có cuộc làm việc với chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Khe Bố.

Dự án Xây dựng Nhà máy Thủy điện Khe Bố được thực hiện trên sông Cả, thuộc địa phận xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Dự án được khởi công từ năm 2007, đến năm 2011 thì hoàn thành. Theo quy hoạch ban đầu được phê duyệt, có 641 hộ của 20 bản, thuộc 4 xã, thị trấn phải di dời.

Khi thực hiện, tổng số hộ phải di dời theo quyết định phê duyệt là 590 hộ, tuy nhiên, có 15 hộ xin ở lại không di chuyển, vì thế, số hộ di dời còn lại 575 hộ. Đến nay, đã có 571/575 hộ di dời, còn 4 hộ chưa di dời thuộc khu vực chợ Hòa Bình cũ.

bna_13.jpg
Nhà máy Thủy điện Khe Bố được xây dựng trên sông Cả, thuộc địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại, các chế độ, chính sách hỗ trợ tái định cư của Dự án Thủy điện Khe Bố đã cơ bản chi trả 100% cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện di dân tái định cư. Song theo rà soát, có 7 nội dung còn tồn tại cần sớm giải quyết.

Cụ thể, sau khi tích nước lòng hồ, ngoài các hộ dân có đất bị ảnh hưởng toàn bộ phải di dời đến các khu tái định cư tập trung thì còn có các hộ dân có đất bị ảnh hưởng ngập một phần diện tích bởi lòng hồ, có 398 thửa đất/398 hộ cần phải chỉnh lý lại hồ sơ đất đai...

Hiện nay, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện từ năm 2020, năm 2021 chuyển hồ sơ lên Sở TN&MT xem xét. Tuy nhiên, do quá trình tích nước đường viền lòng hồ có sự thay đổi cần phải điều chỉnh dẫn đến việc cấp đổi Giấy CNQSDĐ cho các hộ dân vẫn chưa thực hiện được.

 hồ
Một đoạn lòng hồ Thủy điện Khe Bố. Ảnh: Nhật Lân

Liên quan đến công tác điều chỉnh ranh giới chiếm dụng lòng hồ, sau khi tiến hành tích nước vận hành phát điện thực tế đã phát sinh một số khu vực mốc đường viền lòng hồ có sự sai khác so với các mốc ban đầu được phê duyệt dẫn đến phạm vi, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi lòng hồ có sự thay đổi, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và quyền lợi của 44 hộ dân các xã Xá Lượng, thị trấn Thạch Giám, Tam Thái, Yên Thắng.

Tuy nhiên, khi thực hiện điều chỉnh ranh giới chiếm dụng lòng hồ sẽ phát sinh diện tích tăng và giảm. Đối với diện tích tăng, sau khi ranh giới chiếm dụng điều chỉnh được phê duyệt thì chủ đầu tư sẽ phối hợp với địa phương bồi thường bổ sung theo quy định. Nhưng đối với phần diện tích giảm đã được lập phương án bồi thường trước đây lại chưa có giải pháp xử lý, bởi đã chi trả kinh phí cho người dân.

Còn 4 hộ dân với 19 nhân khẩu thuộc khu vực chợ Hòa Bình cũ chưa thực hiện di dời ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng của lòng hồ do chưa đồng ý với phương án di chuyển cũng như phương án bồi thường.

bna_1.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Đạo - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Ảnh: Tiến Đông

Công tác bồi thường, hỗ trợ chênh lệch đất nơi đi, nơi đến vẫn còn 164 thửa đất tại các bản Đình Thắng, Đình Hương, Đình Tiến, Đình Phong của xã Tam Đình chưa thực hiện phương án bù trừ chênh lệch. Do năm 2018 khi lập hồ sơ công khai bồi thường, các hộ dân không chấp nhận ký hồ sơ do giá trị đất nơi đi thấp hơn giá trị đất nơi đến nên người dân không nhận được tiền, vì thế chưa phê duyệt được phương án bồi thường. Hiện nay, phải xây dựng giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện phương án bồi thường, vì thế, phải lập lại hồ sơ từ đầu.

Để đảm bảo an sinh xã hội cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án, phía chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã thống nhất bổ sung 2 công trình hạ tầng là đường điện chiếu sáng bản Pủng (Yên Thắng) và di dời đường dây trung thế 35kV ra khỏi khu vực lòng hồ. Dù vậy, đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được.

bna_2.jpg
Đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tương Dương phát biểu kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra, trong quá trình triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư của dự án, để phù hợp với thực tế, UBND huyện Tương Dương và chủ đầu tư đã thống nhất điều chỉnh thay đổi về quy mô, diện tích và phương án so với quyết định đã được phê duyệt, dẫn đến chi phí hợp phần này của dự án phát sinh tăng (khoảng 150 tỷ đồng). Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh chưa có phương án cụ thể xem xét phê duyệt điều chỉnh dự án tổng thể hợp phần di dân, tái định cư theo tờ trình của chủ đầu tư cũng như tờ trình xin điều chỉnh của UBND huyện Tương Dương.

bna_5.jpg
Ký kết biên bản ghi nhớ tại cuộc làm việc. Ảnh: Tiến Đông

Chưa kể, hiện nay, công tác bồi thường di dân, tái định cư của dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, việc quyết toán chi phí hợp phần bồi thường, di dân tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa được thực hiện, do hiện nay UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý nội dung này.

Tại cuộc làm việc, đại diện chủ đầu tư cũng đã cam kết các nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền sẽ thực hiện trong thời gian tới. Chủ đầu tư cũng kiến nghị phương án tái lập hoặc kiện toàn lại Ban Quản lý di dân tái định cư Dự án Thủy điện Khe Bố (nay đã không còn hoạt động), để hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc nói trên.

bna_4.jpg
Dịp này, phía Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam cũng đã trao 200 triệu đồng hỗ trợ huyện Tương Dương nâng cấp các trường học trên địa bàn. Ảnh: Tiến Đông

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cũng đã giao UBND huyện phối hợp với đại diện chủ đầu tư hoàn tất biên bản làm việc, thống nhất các nội dung có thể hoàn thành trong thời gian tới. Tập trung giải quyết những nội dung dễ trước, sau đó từng bước tháo gỡ các nội dung khó khăn sau, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương làm việc với chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO