Vướng mắc cần tháo gỡ khi thực hiện quy định PCCC tại các cụm công nghiệp
(Baonghean.vn) - Các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP. Vinh được đầu tư vào những năm 2003- 2005 theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Trong quá trình xây dựng, các doanh nghiệp cũng đầu tư hệ thống PCCC. Tuy nhiên, do “mạnh ai nấy làm” nên đến nay, hệ thống PCCC không đạt chuẩn.
Doanh nghiệp lúng túng
Dẫn chúng tôi tham quan công ty, với hệ thống PCCC được đầu tư khá đồng bộ gồm hệ thống báo cháy tự động, máy bơm, họng nước vách tường, hệ thống bể chứa nước 200m3..., ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong, tại CCN Nghi Phú cho hay, với ý thức PCCC để đảm bảo tài sản cho chính doanh nghiệp, cũng như cộng đồng, chúng tôi đã tự đầu tư, dần hoàn thiện hệ thống PCCC như hiện nay với kinh phí trên nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 11/2022, đội công tác của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh xuống kiểm tra kết luận công trình đưa vào hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Theo ông Phong, Công ty TNHH Đức Phong do ông làm giám đốc đi vào hoạt động tại CCN Nghi Phú từ tháng 6/2006, với lĩnh vực mây, tre đan xuất khẩu. Tại thời điểm “vừa xếp hàng vừa hành quân”, doanh nghiệp của ông cũng như các doanh nghiệp khác tự trang bị hệ thống PCCC, thành lập đội PCCC cơ sở. Hàng năm, lực lượng PCCC đến kiểm tra đều đủ điều kiện đảm bảo công tác PCCC. Trong gần 20 năm qua, hầu như chưa có hỏa hoạn xảy ra tại CCN. Tuy nhiên, với chủ trương tổng rà soát của Bộ Công an, qua kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh gần đây thì doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn, tức vi phạm quy định về PCCC.
Hệ thống PCCC tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Đ.C |
Tương tự, ông Nguyễn Khắc Tụy - Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Vinh, ở CCN Hưng Lộc cho biết: Doanh nghiệp đã hoàn thiện hệ thống PCCC gồm: Bể nước 200 m3, máy bơm cao tốc, lăng vòi loại 50 cái, trên 20 thùng phuy 200 lít để xử lý tại chỗ, báo cháy tự động 5 bộ, tất cả đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, hiện nay qua kiểm tra, đội công tác của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh vào ngày 10/12/2022 kết luận “Đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”. Theo ông Tụy, các doanh nghiệp đều đi vào hoạt động gần 20 năm, nhưng hiện nay, nếu chiếu theo kết luận kiểm tra thì có nguy cơ sẽ bị xử phạt và tạm đình chỉ sản xuất, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập của người lao động...
Hệ thống báo cháy tự động tại Công ty TNHH Bao bì Vinh. Ảnh: Đ.C |
Qua tìm hiểu, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, để đạt đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu thì gần như phải đầu tư lại từ đầu từ hệ thống nhà xưởng, đến các công trình phục vụ công tác PCCC. Theo đó, mỗi doanh nghiệp tại CCN phải đầu tư, xây mới 1 bể chứa nước 500 m3 và hệ thống máy bơm chữa cháy tự động theo quy định, với chi phí tương đương 1 tỷ đồng, chưa kể các khu nhà xưởng phải đảm bảo cách nhau 18m trong khi diện tích có hạn, các nhà xưởng đã cố định từ trước... Đây là vấn đề rất khó thực hiện, khó khả thi với nhiều doanh nghiệp trong các CCN hiện nay.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 53 cụm công nghiệp được quy hoạch. Trong đó, 24 cụm công nghiệp đã thu hút được khoảng trên 250 doanh nghiệp đi vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Riêng TP. Vinh có 5 cụm công nghiệp, gồm các cụm công nghiệp Hưng Lộc, Nghi Phú, Đông Vĩnh, Hưng Đông 1, Hưng Đông 2.
Cần giải pháp phù hợp, đảm bảo PCCC
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân khiến hệ thống PCCC của họ bị tuýt còi là bởi các doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng từ khá sớm, khi những quy định về PCCC như hiện nay chưa ra đời, nên chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định mới. Trong kiến nghị gửi các cấp, ngành liên quan, doanh nghiệp tại các CCN trên địa bàn TP. Vinh đề nghị được “Hỗ trợ các giải pháp để các doanh nghiệp được khắc phục từng bước về các quy định PCCC hiện nay (trên cơ sở hiện trạng, hệ thống PCCC đã có); Được gặp mặt đối thoại với Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước... để tháo gỡ khó khăn về công tác PCCC hiện nay”.
Trên cơ sở văn bản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy, ngày 29/11/2022 UBND tỉnh đã ra Văn bản số 9450/UBND-NC gửi Công an tỉnh. Trong đó nêu, UBND tỉnh nhận được Văn bản số 68/VCCINA ngày 21/11/2022 của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An về việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp tại các CCN; Văn bản số 95/CV-HHDN ngày 21/11/2022 của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An về việc tháo gỡ khó khăn phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp. Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã giao Công an tỉnh xem xét nội dung kiến nghị tại các văn bản nêu trên để giải quyết theo quy định của pháp luật. Kết quả báo cáo UBND tỉnh và trả lời các cơ quan, tổ chức nêu trên trước ngày 15/12/2022.
Về vấn đề này, qua tìm hiểu được biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn để kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, hạn chế, kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Kết quả, đã tiến hành kiểm tra 28.625/28.362 lượt cơ sở (đạt tỷ lệ 101%). Xử phạt 287 trường hợp với tổng số tiền hơn 3.022.250.000 đồng, tạm đình chỉ hoạt động đối với 108 lượt cơ sở, đình chỉ hoạt động đối với 5 cơ sở.
Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh tư liệu: Quang An |
Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã hướng dẫn các thủ tục, yêu cầu các điều kiện an toàn về PCCC để chủ các cơ sở, doanh nghiệp tiến hành khắc phục triệt để các tồn tại nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, bảo đảm chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Riêng đối với doanh nghiệp tại các CCN, phân loại thành 4 trường hợp và có hướng dẫn cụ thể:
Đối với các cơ sở đã tiến hành thẩm duyệt, thiết kế nhưng chưa tiến hành tổ chức kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy thì yêu cầu cơ sở tổ chức thi công đầy đủ các hạng mục theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt về PCCC và tổ chức kiểm tra nghiệm thu ngay về PCCC theo quy định.
Đối với cơ sở thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC mà chưa tiến hành thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Yêu cầu cơ sở lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt và tổ chức thi công, kiểm tra nghiệm thu ngay về PCCC theo đúng quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện hành.
Đối với cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Cho phép khắc phục các điều kiện an toàn về PCCC theo đúng thời điểm cơ sở đi vào hoạt động.
Đối với các cơ sở hoạt động trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực: Yêu cầu cơ sở thực hiện theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 29/6/2001 có hiệu lực.