Xây dựng đường dây 220kV tại Nghệ An để mua điện gió từ Lào về Việt Nam
Dự án đường dây 220kV triển khai trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An) sẽ truyền tải điện từ Nhà máy điện gió Trường Sơn (Lào) về Việt Nam.
HĐND tỉnh Nghệ An vừa thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Đường dây 220kV Trường Sơn - Đô Lương (đoạn lãnh thổ Việt Nam) đấu nối Nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam với tổng diện tích là hơn 1,1 ha rừng trồng.
Trước đó, vào tháng 6/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư triển khai dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt - Lào, với tổng vốn đầu tư 593,94 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Chiều dài của toàn tuyến của dự án hơn 40 km, trong đó, địa phận huyện Đô Lương khoảng 1,39 km đi qua các xã: Xuân Sơn, Minh Sơn, địa phận huyện Thanh Chương khoảng 40,64 km đi qua các xã: Thanh Thủy, Thanh An, Thanh Thịnh, Thanh Hương, Thanh Lĩnh, Đại Đồng, Thanh Phong.
Dự án có điểm đầu là Thanh Cái 220kV tại TBA 220kV Đô Lương và điểm cuối tại cột đấu nối điểm cuối nằm trên lãnh thổ Việt Nam, cách biên giới Việt-Lào lớn hơn 100m (tại khu vực Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Mục tiêu của dự án nhằm truyền tải công suất của Nhà máy điện gió Trường Sơn (Lào) về Việt Nam, góp phần giải quyết trực tiếp tình trạng thiếu điện khu vực miền Bắc; tăng cường liên kết lưới điện giữa miền Bắc Việt Nam với quốc gia Lào.
Vào tháng 5/2024, Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Bộ Công Thương nhập điện gió từ Lào về Việt Nam ở Dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn, cũng như chủ trương đầu tư lưới điện đấu nối.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư đảm bảo chắc chắn và đầy đủ cơ sở pháp lý, hiệu quả kinh tế (bao gồm giá cả, chi phí... mua điện), tiêu chí kỹ thuật đối với an ninh hệ thống điện và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối Nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam, có công suất 250MW.
Đồng thời, bổ sung quy hoạch đường dây 220kV mạch kép điện gió Trường Sơn - Đô Lương, các dây dẫn và trạm biến áp để đấu nối, tiếp nhận công suất từ dự án điện gió Trường Sơn nhằm bán điện về Việt Nam.
Dự án Nhà máy Điện gió Trường Sơn được xây dựng tại tỉnh Bôlykhămxay (Lào) có công suất 250MW, điện lượng trung bình 715,2 triệu kWh/năm. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Theo phương án phát triển nguồn điện tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch điện VIII) thì tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào đến năm 2030 khoảng 5.000-8.000 MW và đến năm 2050 tăng lên 11.000MW.
Do vậy, việc nhập khẩu điện từ Dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn về Việt Nam là phù hợp với định hướng nhập khẩu điện tại Quy hoạch điện VIII và góp phần đảm bảo đảm bảo nguồn cung năng lượng quốc gia, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.