Bám nghị quyết tạo bước chuyển thực tiễn
(Baonghean) - Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực này của huyện Nam Đàn đã có nhiều chuyển biến theo sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị.
Nhận diện khó khăn
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn - đồng chí Nguyễn Lâm Sơn, khó khăn đặt ra khi thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện là nông dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích yêu cầu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chưa thay đổi tập quán trong sản xuất, chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ.
Vai trò chỉ đạo của cấp ủy một số xã chưa mạnh để tạo bước chuyển trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; Đảng bộ và chính quyền chưa định hướng để người dân hình thành nên được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tương xứng với tiềm năng.
Việc tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết trong sản xuất, hình thành các cơ sở chế biến sau thu hoạch cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm Nam Đàn đang còn hạn chế...
Mô hình sản xuất rau thủy canh trong nhà màng tại hộ ông Nguyễn Kim Nam, xã Nam Anh, Nam Đàn. Ảnh tư liệu |
Nam Đàn được Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”, để làm điều đó, theo đồng chí Nguyễn Lâm Sơn cho hay: “Song song với các giải pháp khác, huyện cần tiếp tục tìm các giải pháp để chỉ đạo cấp ủy Đảng các cấp phát huy hơn nữa vai trò, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương”.
Bước đi phù hợp
Sau khi Nghị quyết 06 của Huyện ủy được ban hành, trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới được phê duyệt, UBND huyện Nam Đàn đã bám nghị quyết, xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các chỉ tiêu trong từng mùa vụ, từng năm và từng giai đoạn; thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ chỉ đạo vùng, điểm có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo sản xuất, bổ cứu và phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.
Phát triển kinh tế vườn đồi ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Lê |
Hàng vụ, huyện đều tiến hành sơ kết đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Cùng đó, Đảng ủy, UBND các xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện, giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên trong việc vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đã xây dựng.
Trong đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, các xã Nam Lộc, Kim Liên, Nam Xuân, Nam Thanh, Nam Anh, Nam Kim… đã vận động, tạo điều kiện cho nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hình thành nên các tổ hợp tác, HTX như: HTX rau an toàn Nam Thanh (2 ha), HTX rau, củ quả Nam Anh (4 ha), HTX Trường Thắng Nam Lộc (1,5 ha), HTX Thanh Niên Nam Đàn (1,5 ha). Ngoài ra, một số xã như Nam Thanh, Xuân Lâm, Kim Liên, Nam Nghĩa, Hồng Long đã quy hoạch vùng để kêu gọi các doanh nghiệp vào thuê đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với hình thức thuê từ 5 - 30 năm, giá cho thuê từ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn tìm hiểu chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ phía người dân. Ảnh tư liệu |
Để bước đầu hỗ trợ cho nông dân cũng như các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tạo liên kết để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, UBND huyện Nam Đàn tập trung các nguồn lực sự nghiệp nông thôn mới để hỗ trợ khuyến khích các đơn vị và cá nhân xây dựng cơ sở vật chất ban đầu trong xây dựng mô hình với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng; ngoài ra còn lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án của tỉnh.
Đa dạng mô hình
Dọc theo con đường ven sông Lam, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở xóm 7, xã Nam Tân (Nam Đàn) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp của xã. Khi Đảng ủy xã có chủ trương khoán đất, anh Hải mạnh dạn nhận thầu tận dụng 3 ha vùng đất bãi soi kém hiệu quả làm mô hình trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với trồng cây ăn quả, anh kết hợp chăn nuôi gà, lợn. Đầu ra không phải lo lắng, các sản phẩm được thương lái vào mua tận trang trại. Mô hình trang trại của gia đình anh Hải cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
“Tạo điều kiện cho các hộ dân nhận khoán đất hoang hóa làm trang trại là cách làm hay, hợp lý của Đảng ủy xã Nam Tân được người dân đồng tình ủng hộ. Điều quan trọng là chủ trương này từng bước thay đổi cung cách làm ăn, tư duy phát triển kinh tế của người dân”
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở xã Nam Tân (Nam Đàn). |
Nay nhiều hộ nông dân ở xã Nam Tân nhờ chủ trương chuyển đổi ruộng đất đã tạo tiền đề cho người nông dân phát triển kinh tế. Trên vùng đất bãi của xã đã hình thành các vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập giúp bà con nông dân gắn bó với ruộng đồng.
Gia đình đảng viên Hồ Thị Thuận ở xóm 5, xã Nam Anh (Nam Đàn) có 8 sào đất đồng, trước đây chuyên sản xuất cây màu, nhưng do thị trường không ổn định nên thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá. Đầu năm 2018, chị Thuận quyết định đầu tư cải tạo, trồng gần 300 gốc ổi giống Đài Loan. Ưu thế là giống ổi này cho thu hoạch quanh năm, nhiều quả, chất lượng quả ngọt, giòn, ít hạt, được khách hàng ưa chuộng, bán dễ... giá thu mua tại vườn đang từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, hiệu quả cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.
Mô hình đưa cây ổi từ vườn ra đồng ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Lê |
Việc đưa cây ổi ra vùng đồng của các hộ dân ở Nam Anh đã khẳng định sự chuyển đổi và đầu tư đúng hướng, tạo đà để các hộ nông dân trên địa bàn làm theo, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chuyên canh, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Từ mô hình chuyển đổi ruộng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao của các hộ dân này, mở ra hướng đi mới cho địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Nam Anh - đồng chí Hồ Viết Hoàng cho biết, với diện tích đất nông nghiệp 607 ha, triển khai Nghị quyết 06 , Đảng ủy xã Nam Anh đã có các giải pháp lãnh đạo, xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm để dồn sức thực hiện và tạo sự đột phá cho phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
"Để thực hiện được các chủ trương này thì vai trò của cán bộ, đảng viên ở cơ sở gương mẫu “đi trước, làm trước” là hết sức quan trọng”
Thu hoạch lúa ở xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu |
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06, huyện Nam Đàn có 3.890 ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, tăng 1.756 ha so với năm 2016. Bước đầu hình thành được 5 cánh đồng có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi; 9 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như ứng dụng hệ thống tưới, xây dựng nhà lưới, nhà màng; 4 cánh đồng mẫu trên cây lúa đảm bảo theo đúng tiêu chí của UBND tỉnh quy định.