Xây dựng Đảng

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về hợp tác đầu tư nước ngoài

Phạm Bằng 18/11/2024 13:20

Sáng 18/11, Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An để khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

bna_img_6426.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Ban Kinh tế Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An để khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Phạm Bằng

Nghệ An thu hút được gần 4,9 tỷ USD vốn FDI

Trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An nêu rõ, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An thu hút được 147 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD, trong đó, gần 100 dự án đã đi vào hoạt động.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút được 750 triệu USD. Đến năm 2028, Nghệ An phấn đấu thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn FDI.

Trong 3 năm trở lại đây, Nghệ An nổi lên là 1 trong 3 cực thu hút FDI của cả nước. Riêng trong 2 năm (2022, 2023), số vốn FDI mà Nghệ An thu hút được lớn hơn số vốn của 13 tỉnh, thành trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cộng lại.

bna_img_6512.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ảnh: Phạm Bằng

Các dự án FDI đến từ các nhà đầu tư thuộc 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, nhiều nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan.

Đến nay, Nghệ An đã thu hút được 108 dự án trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có 31 dự án sản xuất công nghệ thuộc các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, sản xuất linh kiện quang học, quang điện, sản xuất ắc quy tính năng cao...

Về hiệu quả sử dụng đất, bình quân khoảng 41,936 tỷ đồng/ha; sử dụng khoảng 225 lao động/ha. Trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, suất đầu tư bình quân khoảng 205 tỷ đồng/ha; sử dụng lao động khoảng 299 lao động/ha.

bna_img_6530.jpg
Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế và Hội nhập Ban Kinh tế Trung ương Hà Hải An phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Từ năm 2019 - 2024, bình quân mỗi năm, các dự án FDI đóng góp ngân sách cho tỉnh khoảng 230 -240 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 2%.

Giai đoạn 2019-2024, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Tỷ trọng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh cũng ngày càng chiếm ưu thế.

bna_img_6537.jpg
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Văn Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2024, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 49.000 người, tăng 78,18% so với năm 2019, trong đó chủ yếu là lao động nữ, lao động ở vùng nông thôn. Mức lương bình quân năm 2019 là 6.1 triệu đồng/người/tháng, năm 2023 là 6,4 triệu đồng/người/tháng.

Số lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp FDI tính đến hết tháng 06/2024 có 42.718 người tham gia, tăng 74,57% so với cuối năm 2019.

bna_img_6547.jpg
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị báo cáo, trao đổi, làm rõ những nội dung đoàn công tác quan tâm. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cũng đã nêu rõ những hạn chế, khó khăn của tỉnh trong công tác hợp tác đầu tư nước ngoài nói chung và thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị nói riêng.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đánh giá rất cao kết quả thu hút đầu tư FDI của tỉnh Nghệ An trong 5 năm qua, thể hiện về số lượng dự án; chất lượng dự án; quy mô dự án; hiệu suất sử dụng đất, sử dụng lao động. Đặc biệt, những giải pháp tỉnh đề ra và tập trung thực hiện đã mang lại kết quả tích cực.

bna_img_6555(1).jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang báo cáo, trao đổi, làm rõ những nội dung đoàn công tác quan tâm. Ảnh: Phạm Bằng

Đoàn công tác cũng đã trao đổi lại những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh Nghệ An nêu lên; đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các tỉnh, thành trên cả nước.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành đã trao đổi, làm rõ những vấn đề mà đoàn công tác quan tâm, liên quan đến cấp phép thành lập khu công nghiệp; nguồn lao động; cung cấp năng lượng; chuyển giao công nghệ; vai trò nhà đầu tư hạ tầng; xúc tiến đầu tư...

Tập trung mọi nguồn lực để mở rộng và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW là đúng thời điểm và hết sức có ý nghĩa trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

bna_img_6569.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Chia sẻ thêm kết quả FDI của tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh hết sức khiêm tốn, có thể nói là vùng trũng của cả nước.

Nhưng từ 2019 đến nay, vốn đầu tư FDI của tỉnh hết sức tích cực, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tuy nhiên, những đóng góp từ kết quả thu hút FDI mang lại là một quá trình, không thể thay đổi đột phá ngay.

Trao đổi thêm những khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong công tác thu hút FDI của tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, vấn đề đầu tiên là lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất từ trên xuống dưới, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp uỷ rất quan trọng với tư duy, quan điểm nhận định đúng tình hình, đặt ra đúng mục tiêu và có giải pháp cụ thể để triển khai và sẵn sàng đổi mới.

bna_img_6584.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương và các thành viên đoàn công tác tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là tỉnh đã đổi mới, trong đó đổi mới phương pháp xúc tiến đầu tư từ tiếp cận theo diện sang theo điểm, tập trung vào những nhà đầu tư lớn; đặc biệt nhìn nhận đúng vấn đề xúc tiến đầu tư tốt nhất là thông qua các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; có thay đổi về tư duy tiếp cận về đất đai.

Tỉnh cũng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện thuận lợi với quan điểm "5 sẵn sàng". Đặc biệt, trong tất cả các hoạt động, có sự tham gia toàn diện, tích cực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý.

Trong thời gian tới, nhấn mạnh các quan điểm của tỉnh trong hợp tác đầu tư nước ngoài, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để mở rộng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt chủ động đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư về điều kiện hạ tầng khu công nghiệp; hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay; hạ tầng năng lượng.

bna_img_6483.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Trong thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An từng bước chú trọng đến các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động và đất đai. Từng bước khuyến khích doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp nội tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài, từng bước chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tỷ lệ nội địa hoá.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã trao đổi, chia sẻ thêm những vấn đề mà đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương quan tâm; đồng thời kiến nghị cần thay đổi tư duy tiếp cận khi thẩm định các dự án đầu tư, xử lý hồ sơ và chuyển sang quan điểm không phải thu hút mà là hợp tác với các doanh nghiệp FDI.

bna_img_6618.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, tỉnh Nghệ An đã triển khai, quán triệt Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị khá bài bản, tương đối sớm. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo khác để thực hiện tốt hơn, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, tỉnh đã có quyết tâm chính trị rất lớn, từ đó thay đổi cách tiếp cận, cách làm với những giải pháp mang lại hiệu quả rất cao. Đặc biệt, tỉnh đã xác định và thực hiện tốt phương châm “5 sẵn sàng”: quy hoạch, hạ tầng thiết yếu, mặt bằng đầu tư, nguồn nhân lực, đổi mới, cải cách, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

bna_img_6481.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tốc độ tăng trưởng vốn đăng ký, vốn triển khai trên địa bàn tỉnh lớn. Đặc biệt, các nhà đầu tư lớn đều ghi nhận cách vào cuộc, thái độ, trách nhiệm của tỉnh trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Trên những cơ sở đó, có thể khẳng định, khả năng cạnh tranh của tỉnh Nghệ An trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới có triển vọng.

Nhấn mạnh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng khó, khi các địa phương đang cạnh tranh nhau, yêu cầu về tiêu chuẩn lao động của các nhà đầu tư ngày càng cao, bên cạnh những tác động khách quan từ tình hình thế giới, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho rằng, Nghệ An cần phát huy ưu thế cạnh tranh của tỉnh chính là yếu tố môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính, tốc độ phản ứng chính sách.

Mặt khác, tỉnh Nghệ An cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng chiến lược như cảng nước sâu, cảng hàng không, tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp hiệu quả. Tỉnh cũng cần có chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực có chất lượng với nguyên tắc đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: doanh nghiệp, người lao động và nhà quản lý.

Quang cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Quang cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị tỉnh Nghệ An quan tâm tỷ lệ nội địa hoá, muốn vậy thì doanh nghiệp nội tỉnh phải mạnh lên mới đáp ứng được yêu cầu trên.

Tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng đã tiếp thu, trao đổi các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về hợp tác đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO