‘Cá Trung Long to, hay tính mạng, tài sản của dân to...?’

Nhật Lân 20/10/2019 05:30

(Baonghean.vn) - Câu hỏi nhức nhối này do người dân khối 1, P. Trường Thi; khối Bình Yên, P. Hưng Bình (TP.Vinh) nói ra. Sở dĩ vậy là bởi theo họ, trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập sâu, ngập lâu cục bộ khu vực này, có nguyên nhân từ hồ Công viên Trung Long…

Toàn cảnh 3 trận ngập lụt tại đường Nguyễn Tài, khối 1, phường Trường Thi, TP Vinh trong 3 năm 2017 - 2019. Clip: Nhóm CTV

Bức xúc

Trận lụt lịch sử (ngày 16/10/2019) đã qua 3 ngày, nhưng hàng trăm hộ dân thuộc khối 1, phường Trường Thi và khối Bình Yên, phường Hưng Bình (thành phố Vinh) vẫn chưa hết vất vả vì phải thu dọn đồ đạc, làm sạch nhà cửa. Đến nơi này, trăm nhà như một, cùng trong một tâm trạng bức xúc.

Đường Nguyễn Tài - tuyến phố đi bộ trong tương lai - sau 3 ngày bị ngập lụt. Ảnh: Nhật Lân.
Đường Nguyễn Tài - tuyến phố đi bộ trong tương lai - sau 3 ngày bị ngập lụt. Ảnh: Nhật Lân.

Nằm sát đường Nguyễn Tài, căn nhà cấp 4 của gia đình ông Phạm Văn Hùng, bà Nguyễn Thị Thìn (tổ 7, K1, P. Trường Thi) vào thời điểm nước lụt dâng lớn nhất, khoảng 13h ngày 16/10, bị ngập sâu trên 1,5m. Cả hai ông bà tuổi đã cao, ông Hùng lại còn bị tai biến, phải ngồi xe lăn nên việc chạy lụt hết sức khốn khổ.

Nhà ở của gia đình bà Nguyễn Thị Thìn trưa ngày 16/10/2019. Ảnh: CTV
Nhà ở của gia đình bà Nguyễn Thị Thìn trưa 16/10/2019. Ảnh: CTV

Đón chúng tôi trong căn nhà đã bốc lên mùi ẩm mốc, đỡ ông ngồi vào chiếc xe lăn, bà Thìn cho biết, tình trạng ngập lụt đã xảy ra từ năm 2017, nhưng năm nay thì lớn nhất. “May trong nhà còn có thằng con trai, nếu không cả hai ông bà già chết mà không ai biết. Mưa lớn kéo dài không có lối thoát nên nước dâng quá nhanh không kịp trở tay. Chúng tôi đành phải bỏ mặc đồ đạc nổi lềnh bềnh trôi đi để cứu người. Thằng con trèo lên mái nhà, còn tôi thì vác ông lên vai trèo lên giường. Thế rồi người kéo, người đỡ đưa ông lên gác xép. May mà hàng xóm thương cho cơm, nhà đã sắm sẵn chiếc thuyền nên mới sang lấy cơm được… Cơ cực” - bà Thìn khó nhọc nói.

"Trong trận ngập ngày 16/10, đã có một thanh niên trong xóm suýt đuối nước do cố gắng bơi để thoát ra vùng ngập. Nguy hiểm hơn là có 2 bà cháu ở phòng trọ bị nước ngập gần lút người, may mà có xuồng cứu hộ vô kịp thời chứ không thì cũng nguy hiểm tính mạng rồi".

Bà Nguyễn Thị Thìn - tổ 7, K1, P. Trường Thi

Bà Nguyễn Thị Thìn bên người chồng bại liệt do bị tai biến. Ảnh: Nhật Lân
Bà Nguyễn Thị Thìn bên người chồng bại liệt do bị tai biến. Ảnh: Nhật Lân

Ở tổ 5, K1. P.Trường Thi, gia đình anh Trần Mạnh Hùng cùng bị tình trạng ngập sâu trong nước lụt. “Dân hư hại tài sản rất nhiều sau trận lụt. Toàn vì những lý do chủ quan dẫn đến lụt, vậy mà có không ít gia đình mất cả trăm triệu đồng…” - anh Hùng cho biết. Một trong những nguyên nhân “chủ quan” dẫn đến khu vực này bị lụt lớn, theo người dân là bởi điểm đấu nối mương số 2 vào hồ Công viên Trung tâm bị hệ thống kè, lưới sắt, cột… ngăn trở, ùn tắc rác từ các nơi tràn về theo lũ, dẫn đến tiêu thoát nước chậm.

Ngập lụt tại khu dân cư K1, P. Trường Thi ngày 16/10/2019. Ảnh: CTV
Ngập lụt tại khu dân cư K1, P. Trường Thi ngày 16/10/2019. Ảnh: CTV

Là một trong những người bơi ra cầu Nại để dọn rác thông nước, anh Phạm Văn Hà (con trai bà Nguyễn Thị Thìn) cho biết, trong ngày 16/10, rác tắc hai bên cầu Nại rất nhiều. “Phía trên tắc do có tấm rào chắn, còn phía dưới là do có các cột chống lưới sắt chưa được tháo bỏ… Nước và rác các nơi tràn về, ùn ứ, dâng cao. Vì vậy, trong đêm bọn em dọn rác, thậm chí phải bơi xuống gầm cầu móc rác…”.

Để chứng thực những phản ánh là chính xác, ngoài việc đưa đi đến những điểm “gây tắc”, người dân nơi này còn tập hợp cho chúng tôi cơ man nào là hình ảnh và clip vật lộn trong nước lụt, mò mẫm xuống gầm cầu Nại tháo gỡ rác trong đêm… mà họ đã ghi lại.

Hình ảnh người dân K1, P. Trường Thi dọn rác trong đêm 16/10/2019. Ảnh: CTV
Hình ảnh người dân K1, P. Trường Thi dọn rác tại cầu Nại lúc gần 22h đêm 16/10/2019. Theo người dân, thời điểm này, nước trên nhiều tuyến phố đã rút hết nhưng tại đường Nguyễn Tài nước vẫn còn ngập sâu cả mét. Ảnh: CTV

Người dân nói: “Năm 2017, chúng tôi đã thấy rõ những bất cập dẫn đến tình trạng lụt cục bộ ở nơi này. Trong những bất cập, có tình trạng vướng kè, cột chống, lưới sắt tại điểm đấu nối cống mương số 2 (mương cấp 1 của TP. Vinh) với hồ Công viên Trung tâm. Việc cho người ta thuê hồ, dựng cọc, chặn lưới sắt để nuôi cá như vậy là hết sức bất hợp lý, vì vậy đã có đơn kiến nghị gửi lên phường, lên thành phố, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Không hiểu cá Trung Long to hay tính mạng, tài sản của dân to…”.

Xuồng cứu hộ vào cứu dân. Ảnh: Nguồn Facebook Hạnh Trần
Trưa ngày 16/10, xuồng cứu hộ đã phải huy động để vào cứu dân ở đường Nguyễn Tài. Ảnh: Nguồn Facebook Hạnh Trần

Có tình trạng chắn lưới, gây tắc

Có 3 điểm “gây tắc” liên quan đến hồ Công viên Trung tâm mà người dân dẫn chúng tôi đến “để phản ánh cho chính xác”. Vị trí 1 là điểm đấu nối mương số 2 với cầu Nại; vị trí 2 là điểm cầu Nại đấu nối với hồ Công viên Trung tâm; vị trí 3 là cửa thoát nước hồ Công viên Trung tâm ra sông Vinh.

Điểm đấu nối tuyến mương số 2 với cầu  Nại có hệ thống rào sắt gây ùn ứ rác. Ảnh: Nhật Lân
Điểm đấu nối tuyến mương số 2 với cầu Nại có hệ thống rào sắt gây ùn ứ rác. Ảnh: Nhật Lân

Ở vị trí 1, còn hiện hữu 1 tấm rào chắn được làm bằng thép tròn, dài đúng bằng chiều dài cầu Nại; vị trí 2, lưới thép B40 đã bị cắt bỏ, nhưng còn chằng chịt nhiều những cọc chống sắt; vị trí 3, có 1 bờ kè xi măng nhô lên mặt hồ, trên đó, chỉ còn 1 tấm lưới sắt B40 tháo dang dở.

Điểm cầu Nại đấu nối với hồ Công viên Trung tâm,chằng chịt các cọc chống sắt dẫn đến ách tắc, ùn ứ rác. Ảnh: Nhật Lân
Điểm cầu Nại đấu nối với hồ Công viên Trung tâm, chằng chịt các cọc chống sắt dẫn đến ách tắc, ùn ứ rác. Ảnh: Nhật Lân

Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ Phòng QL&ĐT thành phố Vinh chuyển cho chúng tôi 2 Văn bản số 4506/UBND-QLĐT ngày 31/7/2019, và Văn bản số 5243/UBND-QLĐT ngày 4/9/2019 với nội dung chỉ đạo xử lý lưới chắn rác hồ Công viên Trung tâm. Rồi cho hay, khi nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty CP Trung Long lắp đặt lưới chắn mương số 2 vào hồ Công viên Trung tâm làm giảm khả năng thoát nước, gây ngập úng cho khu vực khi có mưa lớn thì đã kiểm tra thực tế. Sau đó, đã tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố ra văn bản yêu cầu Công ty CP Trung Long phải tháo dỡ lưới chắn trước ngày 15/8/2019; đồng thời chỉ đạo Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh và các phường liên quan giám sát. Trường hợp công ty này không thực hiện thì trực tiếp tiến hành tháo dỡ.

Văn bản
Văn bản số 5243/UBND-QLĐT ngày 4/9/2019 của UBND TP. Vinh chỉ đạo xử lý lưới chắn rác hồ Công viên Trung tâm. Ảnh: Nhật Lân

Đến ngày 2, 3/9/2019 liên tục có những trận mưa lớn, UBND TP. Vinh kiểm tra phát hiện Công ty CP Trung Long vẫn chưa tháo bỏ các tấm lưới sắt. Do những tấm lưới sắt cản trở, rác ùn lên thành những bức tường, giảm đến 50% khả năng thoát nước. Vì vậy, đã có văn bản chỉ đạo Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh và UBND phường Trường Thi khẩn trương tháo bỏ các lưới chắn trong ngày 4/9/2019. Đại diện Phòng QLĐT cho hay: “Trong ngày 4/9/2019, khi thực hiện cắt lưới thép, phá rào chắn thì phía Công ty CP Trung Long không đồng tình. Phải trực tiếp Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Lê Sỹ Chiến chỉ đạo thì mới thực hiện được…”.

UBND TP. Vinh thực hiện cắt lưới thép chắn rác tại hồ Công viên Trung tâm trong ngày 4/9/2019. Ảnh: Phòng QLĐT TP. Vinh cung cấp
UBND TP. Vinh thực hiện cắt lưới thép chắn rác tại hồ Công viên Trung tâm trong ngày 4/9/2019. Ảnh: Phòng QLĐT TP. Vinh cung cấp.

Nói rõ những điều người dân băn khoăn với chúng tôi trong ngày 19/10/2019, vị này khẳng định hồ Công viên Trung tâm không thuộc quyền quản lý của Công ty CP Trung Long mà do UBND TP. Vinh quản lý. Về những phản ánh của người dân, Phòng sẽ tiếp nhận để tiếp tục tham mưu UBND TP. Vinh chỉ đạo các phường, đơn vị liên quan xử lý.

Còn những tác động tiêu cực khác!

Cùng khảo sát thực tế với chúng tôi trong ngày 19/10/2019, có cán bộ đô thị phường Trường Thi, là anh Đoàn Xuân Hùng. Theo anh Hùng, sau trận lụt năm 2017, nhận thấy việc thoát nước xuống mương số 2 ở khu vực K1 quá hạn chế, UBND P. Trường Thi đã đề xuất lên thành phố cho phép đầu tư lắp đặt hệ thống hố ga thoát nước. Hệ thống hố ga đã được xây dựng. Tuy nhiên, có một thực tế là việc nạo vét bùn rác, làm sạch các hố ga chưa được quan tâm, nên chưa phát huy được hết tác dụng.

Bàn ghế, xe máy, đô gia dụng của một hộ dân ở tổ 1, P> Trường Thi trôi nổi và ngập trong nước lụt. Ảnh: CTV
Bàn ghế, xe máy, đồ gia dụng của 1 hộ dân ở tổ 1, P. Trường Thi trôi nổi và ngập trong nước lụt ngày 16/10/2019. Ảnh: CTV

Bởi phản ánh về tình trạng rác từ các nơi tràn về khu vực cầu Nại rất nhiều trong ngày 16/10/2019 khiến hàng trăm hộ dân tổ 5 phải góp 50.000 đồng/hộ, tổ 7 góp 20.000 đồng/hộ để thuê chở số rác đổ về, nên chúng tôi đã tập trung tìm hiểu. Qua đó xác định ở các điểm mương cấp 2, cấp 3 đấu nối với tuyến mương số 2 đều chưa có lưới chắn, vớt rác. Vì vậy, là tuyến mương thoát nước, nhưng ngoài nước thải, còn có rác thải từ nhiều khu dân cư ở các phường có tuyến mương số 2 chạy qua đổ về khu vực cầu Nại, dẫn đến tình trạng rác mắc trên mương, rác ùn ứ trên đường.

Cho đến sáng 19/10, rác thải vẫn ngập trên tuyến kênh cầu Nại. Ảnh: CTV
Cho đến sáng 19/10, rác thải khắp nơi trôi về vẫn ngập trên tuyến kênh cầu Nại. Ảnh: CTV

Về phía Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, khi được trao đổi thì xác nhận việc làm sạch các hố ga là trách nhiệm của đơn vị họ, tuy nhiên, do nhân lực, vật lực hạn chế nên chưa thực hiện được đầy đủ, thường xuyên. Về việc xử lý rác tại các điểm đấu nối mương cấp 2, cấp 3 với tuyến mương số 2, Công ty này ghi nhận những góp ý để có nghiên cứu thực hiện.

Sau trận lụt, nhiều hộ dân ở khối 1, P. Trường Thi và K Bình Yên phải đưa ô tô, xe máy đi sửa chữa. Ảnh: CTV
Trước đó, sau trận lụt đêm mồng 9 rạng sáng ngày 10/10/2017, nhiều hộ dân ở khối 1, P. Trường Thi và K Bình Yên, P. Hưng Bình phải đưa ô tô, xe máy đi sửa chữa. Ảnh: CTV

Phải khẳng định rằng, với lượng mưa lớn như trong ngày 16/10/2019 thì cũng như nhiều vùng dân cư trên địa bàn thành phố, khối 1 P.Trường Thi và khối Bình Yên, P.Hưng Bình sẽ không thể tránh khỏi tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên, tình trạng ngập sâu, ngập lâu tại khu vực Cầu Nại đã diễn ra liên tục 3 năm nay, (trận ngập ngày 10/10/2017, ngày 8/12/2018 và đỉnh điểm nhất là trận lụt 16/10/2019) dẫn đến những khốn đốn của người dân, do những nguyên nhân chủ quan. Vì vậy, cần được xử lý triệt để. Và phải nói thêm rằng, hồ Công viên Trung tâm cần sạch để làm đẹp cảnh quan, nhưng phải tuyệt đối đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ!

Mới nhất

x
‘Cá Trung Long to, hay tính mạng, tài sản của dân to...?’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO