Ngành đào tạo giáo viên mới ở Trường Đại học Vinh: Tăng cơ hội học tập, tăng cơ hội việc làm

Mỹ Hà 03/05/2024 18:06

(Baonghean.vn) - Mùa tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Vinh mở thêm 02 ngành đào tạo giáo viên mới là Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý và Tâm lý học giáo dục.

Đây là những ngành hiện đang “khát” nhân lực ở nhiều trường phổ thông trên cả nước khi toàn ngành Giáo dục đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mở ngành đào tạo mới để thích ứng với chương trình đổi mới giáo dục

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong cơ cấu các bộ môn mới, bậc THCS có sự thay đổi căn bản khi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo chương trình giáo dục hiện hành sẽ được tích hợp thành môn Khoa học Tự nhiên; các môn Lịch sử và môn Địa lý sẽ được tích hợp thành môn học Lịch sử và Địa lý.

bna_7.jpg
Ngày hội Sư phạm của sinh viên Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh. Ảnh: NT

Thực tế cho thấy, dù chương trình đã triển khai với lớp 6,7, 8 tại nhiều trường học ở Nghệ An và nhiều trường học khác trên cả nước, việc bố trí giáo viên cho các môn tích hợp gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có giáo viên đào tạo các môn tích hợp nên những năm qua tình trạng hoặc là một môn học tích hợp phải bố trí cho 2-3 người dạy; hoặc là một giáo viên phải kiêm nhiệm “2 trong 1” hoặc “3 trong 1” phổ biến tại nhiều nhà trường. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để đáp ứng đủ giáo viên dạy học các môn tích hợp.

Trong khi đó, nhiều giáo viên bày tỏ lo lắng vì họ chỉ được đào tạo một môn đơn ngành và việc phải kiêm nhiệm thêm 2 - 3 môn khác vừa tạo áp lực cho giáo viên vừa ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của các nhà trường. Cụ thể, đối với môn Khoa học Tự nhiên hầu hết chỉ được đào tạo trình độ đại học đơn ngành Vật lý hoặc Hóa học hoặc Sinh học và một số được đào tạo song ngành Hóa - Sinh hoặc Sinh - Hóa (ở bậc Cao đẳng Sư phạm); đối với môn Lịch sử và Địa lý hầu hết chỉ đào tạo về Lịch sử hoặc Địa lý.

Sinh viên Khoa sư phạm Hóa học tham gia hội thi Olympic sinh viên.jpg
Sinh viên trường sư phạm tham gia hội thi Olympic Hóa học sinh viên. Ảnh: NT

Thực trạng thiếu giáo viên là điều đã được dự báo. Theo đó, từ năm học 2021 - 2022, khi triển khai chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống kê toàn ngành cần bổ sung khoảng 30.000 biên chế, trong đó 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới.

Đây cũng là nhu cầu cấp thiết tại nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Tại Nghệ An, theo Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Nghệ An” cho thấy, đến năm 2025, số lớp ở bậc THCS dự kiến là 6.498 lớp (tăng 25,6% so với năm 2021) và đến năm 2030 là 7.197 lớp (tăng 38,2% so với năm 2021).

Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thanh Hóa” xác định nhu cầu đội ngũ giáo viên bậc THCS trong năm học 2025-2026 là 12.944 giáo viên (thiếu 2.982 giáo viên so với nhu cầu của năm học 2021-2022).

Để kịp thời đào tạo đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Vinh được phép tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý.

Việc lựa chọn ngành này sẽ là cơ hội nghề nghiệp mới, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên của hệ thống các trường Trung học cơ sở trên cả nước nói chung và trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh nói riêng trong giai đoạn hiện nay và góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

bna_Ngày hội sư phạm.jpg
Một hoạt động ngoại khóa của sinh viên Trường Sư phạm. Ảnh: NTCC

Ngoài hai ngành trên, hiện nay trước nhu cầu hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần, phát triển toàn diện cho học sinh ngày càng cao thì nguồn nhân lực giảng dạy Tâm lý học, Giáo dục học cũng đang đứng trước nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Từ thực tế trên, Trường Đại học Vinh cũng đã xây dựng đề án mở ngành đào tạo Tâm lý giáo dục trình độ đại học.

Trước đó, việc đào tạo các chuyên ngành Tâm lý học bậc đại học tập trung ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng và một trường đại học ở vùng Bắc Trung Bộ là Trường Đại học Hồng Đức. Do đó, việc mở mã ngành mới tại Trường Đại học Vinh không chỉ giải quyết được việc “khát” giáo viên chuyên ngành Tâm lý mà còn tạo điều kiện cho các sinh viên được học tập thuận lợi trong môi trường đạo tào chất lượng với truyền thống về đào tạo sinh viên ngành sư phạm.

440126649_820629390100976_4103535433499863277_n.jpg
Sinh viên Trường Sư phạm thực tập tại Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh: NTCC

Ưu thế của các chương trình này đó là sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên có thể học tập nâng cao trình độ lên Thạc sĩ ngành Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học; sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý có thể học tập nâng cao trình độ lên Thạc sĩ ngành Lịch sử hoặc Địa lý với tư cách ngành phù hợp.

Sinh viên cũng có thể học thêm ngành 2 các phân môn trên với tỷ lệ môn học thay thế chiếm tỷ lệ cao.

Sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Khẳng định chất lượng đào tạo ngành Sư phạm

Năm 1959, Trường Đại học Vinh được Bộ Giáo dục quyết định thành lập với tên gọi ban đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 29/2/1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục có quyết định đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học sư phạm Vinh.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh) là trường đại học trọng điểm quốc gia và là 1 trong 7 trường sư phạm chủ chốt trong cả nước.

bna_Hội thi.jpg
Giảng viên Trường Sư phạm tham gia Hội thi Giảng viên dạy giỏi Trường Đại học Vinh. Ảnh: NT

Từ những nền tảng vững chắc này, việc Trường Đại học Vinh mở thêm ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và ngành đào tạo Tâm lý học giáo dục cho thấy một bước phát triển mới của nhà trường. Điều đó cho thấy sự tin tưởng của Bộ, cho thấy sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ giảng viên và đây cũng là sứ mệnh quan trọng của nhà trường góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của vùng Bắc Trung Bộ, tạo cơ sở thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để chuẩn bị cho các ngành đào tạo mới, thời gian qua, công tác xây dựng đội ngũ được nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong các giảng viên thuộc các chương trình này, nhiều giảng viên là giảng viên sư phạm chủ chốt thực hiện bồi dưỡng tất cả các giáo viên phổ thông của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong khuôn khổ Chương trình ETEP, tham gia giảng dạy chương trình sau đại học cho các chuyên ngành của Trường Đại học Vinh.

bna_Thực tập tại Vínhool.jpg
Giảng viên Trường Sư phạm kiểm tra việc thực tập cuối khóa của sinh viên tại Trường Vinschool, Thanh Hóa. Ảnh: NTCC

Ngoài ra, nhà trường còn có 01 giảng viên là tổng chủ biên và 04 giảng viên tham gia biên soạn sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Vinh đủ điều kiện (cả về số lượng và chất lượng) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ngành đào tạo trình độ đại học Sư phạm Khoa học Tự nhiên.

Bên cạnh đó, xác định chất lượng đào tạo sẽ tạo nên thương hiệu cho nhà trường nên những năm qua, đây vẫn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Vì thế, ngoài việc chú trọng đến chất lượng đội ngũ, nhà trường đã tập trung vào công tác đổi mới trong dạy học.

_THT6731.jpg
Chương trình Thanh âm văn hóa Việt do đoàn trường sư phạm tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 4/2024. Ảnh: NTCC

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo các ngành sư phạm được phát triển dựa theo Đề cương CDIO đã được tham vấn ý kiến các bên liên quan. Trên cơ sở đó, các ngành đã xây dựng Chương trình dạy học gồm các học phần được thiết kế sao cho tỷ lệ lý thuyết/thực hành/đồ án được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo việc tích hợp khoa học, có hệ thống tất cả các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo vào chương trình dạy học.

Ngoài ra, mỗi ngành đào tạo đều được cập nhật chương trình giảng dạy, tài liệu học tập thường xuyên, ứng dụng tối đa công nghệ số phù hợp với xu thế của thời đại.

_THT8391.jpg
PGS.TS Lưu Tiến Hưng – Hiệu trưởng Trường Sư phạm – Trường Đại học Vinh khen thưởng cho các đội đạt giải Nhất tại chương trình Thanh âm văn hóa Việt. Ảnh: NTCC

Để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, trường đang tập trung xây dựng các mô hình đào tạo giáo viên nói riêng, đào tạo các nguồn nhân lực nói chung theo tiếp cận năng lực, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng CNTT, phát triển hệ thống hỗ trợ dạy học e-Learning, các hình thức dạy học trực tuyến nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Công tác bồi dưỡng thường xuyên cũng được nhà trường quan tâm đẩy mạnh với các chương trình bồi dưỡng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), nhà trường đã và đang đóng góp có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên các cấp học cho các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

bna_Giáo dục mầm non.jpg
Sinh viên ngành Sư phạm mầm non. Nhiều năm nay, sư phạm là một trong những trường có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Vinh. Ảnh: NTCC

Nói thêm về công tác đào tạo của nhà trường, PGS.TS Lưu Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, việc mở thêm các mã ngành mới là điều cấp thiết và cũng là cơ hội của Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh.

Điều này, không chỉ nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu của nhà trường mà còn giúp cho các bạn sinh viên có thêm nhiều cơ hội để học tập, cơ hội nghề nghiệp mới, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên của các trường THCS trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành khác trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

bna_Ngày hội sư phạm - đại học vinh.jpg
Môi trường năng động, sáng tạo giúp sinh viên Trường Sư phạm có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Ảnh: NT

Ngày 21/7/2021, Hội đồng Trường Đại học Vinh đã ban hành Nghị quyết về việc thành lập Trường Sư phạm thuộc Trường Đại học Vinh, tiếp nối truyền thống và thế mạnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong suốt hơn 60 năm qua. Đến năm 2030, Trường Sư phạm hứa hẹn sẽ trở thành Trường Sư phạm thông minh, trụ cột trong mạng lưới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Với sứ mệnh là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, phục vụ cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc miền Trung và cả nước.

Trong năm 2024, Trường Đại học Vinh tuyển sinh 16 ngành Sư phạm với chỉ tiêu dự kiến là 1.500, gồm các ngành sư phạm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Ngữ Văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục chính trị, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh, Lịch sử và Địa lý và Khoa học tự nhiên.

Sinh viên trúng tuyển và theo học 16 ngành đào tạo giáo viên trên sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm. Sinh viên được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí; hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thí sinh tuyển sinh với nhiều phương thức gồm xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Chi tiết, tham khảo website Trường Đại học Vinh tại địa chỉ: https://vinhuni.edu.vn/dai-hoc-chinh-quy-c06.01l0vp0a0.html.

Mới nhất

x
Ngành đào tạo giáo viên mới ở Trường Đại học Vinh: Tăng cơ hội học tập, tăng cơ hội việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO